Trung Quốc: Tố cáo đàn áp ở Tân Cương, phóng viên Pháp bị trục xuất
Một phóng viên Pháp đã nhận được thông báo của chính quyền Trung Quốc về việc không gia hạn visa, hết hạn vào ngày 31/12/2015. Lý do, nhà báo Pháp đã từ chối xin lỗi “công khai” sau một bài viết lột trần chính sách đàn áp của Bắc Kinh tại khu tự trị Tân Cương.
Nữ phóng viên Ursula Gauthier, thông tín viên của tuần báo Nouvel Observateur, làm việc tại Bắc Kinh từ sáu năm nay. Bà là tác giả của một bài viết giải mã thái độ của chính quyền Trung Quốc sau sau loạt khủng bố 13/11 tại Pháp, mang tựa đề: “Sau các vụ khủng bố, việc bày tỏ tình đoàn kết của Trung Quốc không phải là không có hậu ý”. Theo phóng viên Ursula Gauthier, dưới vỏ bọc chiến dịch chống khủng bố tại Tân Cương là cả một chủ trương đàn áp có hệ thống của Bắc Kinh chống người theo đạo Hồi.
Sau bài viết ngày 18/11/2015, nhà báo Pháp đã bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu lên ba lần để gây áp lực buộc bà tự phê bình, xin lỗi công khai, với lý do “đã xúc phạm tình cảm của nhân dân Trung Quốc”. Về phần mình, phóng viên của Nouvel Observateur bác bỏ mọi hình thức xin lỗi.
Từ một tuần trở lại đây, báo chí chính thức Trung Quốc mở chiến dịch đả kích nhà báo Pháp, đặc biệt là hai tờ Hoàn cầu thời báo và China Daily. Theo AFP, cùng với đợt tấn công của truyền thông chính thống là hàng nghìn bình luận của dân mạng, với đầy những lời lẽ hung bạo và hăm dọa.
Đây là lần đầu tiên một nhà báo nước ngoài bị chính quyền Trung Quốc truy bức như vậy, kể từ sau vụ trục xuất phóng viên Melissa Chan, thông tín viên Anh ngữ của kênh truyền thông Qatar Al Jazira, năm 2012.
Nhà báo Ursula Gauthier nhấn mạnh với AFP, biện pháp trấn áp của chính quyền Trung Quốc với bà là nhằm “đe dọa các phóng viên nước ngoài đang làm việc tại Trung Quốc, trong các vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số, đặc biệt tại Tây Tạng và Tân Cương”.
Theo vi.rfi.fr