Trung Quốc: Công chúng phẫn nộ vì chính quyền che giấu thông tin dịch corona
Người dân Trung Quốc đang vô cùng tức giận khi biết chính phủ đã che giấu nhiều thông tin từ việc virus corona có thể lây sang người từ giữa tháng 12/2019 cho đến việc Ủy ban Y tế nước này lơ là cảnh báo cho công chúng biết khi căn bệnh viêm phổi Vũ Hán vượt ngoài tầm kiểm soát, theo NTD.
Bài báo khoa học công bố vào ngày 29/1 trên Tạp chí Y học New England kết luận, đã có sự lây truyền từ người sang người của chủng virus corona từ giữa tháng 12/2019. Tuy nhiên tại thời điểm đó, các cơ quan y tế Trung Quốc lại nói họ không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh căn bệnh viêm phổi Vũ Hán đang lây lan từ người sang người. Mãi cho tới ngày 20/1, thông tin này mới được xác nhận bởi nhà dịch tễ học nổi tiếng Zhong Nanshan.
Bài báo được viết bởi hàng chục chuyên gia y tế Trung Quốc, bao gồm các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), dựa trên dữ liệu từ 425 ca nhiễm được xác nhận đầu tiên ở Vũ Hán, nơi dịch bệnh bắt đầu vào tháng 12/2019.
Sau khi bài báo được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích các chuyên gia, cáo buộc họ che đậy thông tin để có thể công bố nghiên cứu có ích cho sự nghiệp của mình và đặt câu hỏi về việc liệu có sự che đậy đối với đợt bùng phát dịch corona hay không.
Phản ứng trước những chỉ trích từ công chúng, các nhà nghiên cứu và nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ không có quyền tiếp cận sớm vào dữ liệu y tế, trong khi một chuyên gia pháp lý cho biết Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) có thể không được phép tiết lộ thông tin cho công chúng.
Giáo sư luật Qin Qianhong từ Đại học Vũ Hán cho biết ông không rõ bộ phận nào ở Trung Quốc chịu trách nhiệm tiết lộ chi tiết trong trường hợp bùng phát virus Corona.
“Chuyên gia CDC giống như một nhóm chuyên gia tư vấn hoặc cơ quan tư vấn liên kết với chính phủ. Luật pháp không rõ ràng về người chịu trách nhiệm hoặc có quyền công khai thông tin,” ông Qin nói.
Ngoài ra, công chúng Đại lục cũng bất bình trước sự chậm trễ của chính quyền trong việc đưa ra các cảnh báo và tiết lộ về dịch bệnh. Cho đến cuối tháng 1, các nhà chức trách vẫn tuyên bố dịch bệnh viêm phổi đã được kiểm soát.
Thời báo Epoch Times dẫn dòng tin từ một số cư dân mạng Trung Quốc như sau:
“Khi bắt đầu bùng phát dịch viêm phổi tại Vũ Hán, chính quyền các ông đã tuyên bố rằng nó sẽ không lây từ người sang người, và sau đó mới biết là đã sai. Các ông khẳng định không có trường hợp nào tử vong, và điều đó cũng sai. Các ông tuyên bố rằng không có trường hợp nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh, hóa ra lại càng sai! Các ông không cảm thấy xấu hổ sao? Các ông nói ra sự thật thì khó đến vậy sao?”
“Tất cả các bộ phận giám sát đã không làm tròn nhiệm vụ. Đây là lý do khiến căn bệnh này vượt khỏi tầm kiểm soát. Tại sao người dân chúng tôi lại phải trả giá cho những hành vi sai luật và lơ là trách nhiệm như vậy?”
“Vì những sai phạm và khinh suất của người khác mà những người dân bình thường chúng tôi giờ đây phải hủy bỏ các chuyến đi và phải chi rất nhiều tiền cho các dụng cụ bảo hộ. Cuộc sống của chúng tôi đang gặp nguy hiểm!”
“Tại sao các ông lại muốn người dân chúng tôi gánh chịu hậu quả? Chính quyền các ông rất giỏi trong việc đánh lừa mọi người, bằng cách đổ lỗi cho người khác và đưa ra những lời bào chữa. Các ông nói rằng tất cả chúng ta đều ở trên cùng một chiếc thuyền. Các ông cũng sẽ không thể thoát khỏi chiếc thuyền này. Tôi đang yêu cầu một lời giải thích từ các ông!!”
Thời báo Epoch Times cho biết, cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ Internet và bắt giữ những người đăng thông tin về vụ dịch. Chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh phong tỏa 17 thành phố khiến cuộc sống của hơn 60 triệu công dân Trung Quốc ở những nơi này lâm vào bế tắc. Trong khi đó, các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải đều đã đình chỉ các chuyến xe liên tỉnh.
Tờ Telegraph của Anh cũng đã tổng hợp nhiều đoạn video có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc, trong đó gồm hình ảnh người dân Trung Quốc đeo khẩu trang nằm gục ngay trên đường, dòng người chen chúc trong bệnh viện, những tiếng la hét… Trên Weibo, nhà cầm quyền Trung Quốc bị tố đã gây áp lực xóa một video ghi lại cảnh người bệnh ngồi cạnh những thi thể phủ vải trắng.
Telegraph dẫn lời bà Sophie Richardson, giám đốc Tổ chức quan sát nhân quyền HRW tại Trung Quốc khẳng định chính quyền đang tạo ra sự hoài nghi về tính minh bạch. Bà cho biết: “Từ góc độ y tế và nhân quyền, điều cần thiết trong các trường hợp này là mọi người tin được vào các thông tin đang có. Tôi thực sự lo ngại đối với những người đang bị chính quyền dán nhãn là ‘truyền bá tin đồn’ trong khi họ đang không có trong tay thông tin xác thực.”
Thiện Thành (t/h)