Trung Quốc bất ngờ xây ‘siêu sân bay’ ở tỉnh nghèo Campuchia
Khu vực hẻo lánh ở phía Tây Nam tỉnh Koh Kong, Campuchia vốn từng là nơi không được quốc tế chú ý đến, nhưng giờ đây bỗng trở thành tâm điểm toàn cầu vì hoạt động xây dựng ‘siêu sân bay’ của Trung Quốc. Giới chức Mỹ cho rằng sân bay này được xây dựng vì mục đích quân sự.
Nikkei cho biết, đường băng cỡ lớn dài tới 3.200m mới được Trung Quốc xây dựng cùng với một khu nghỉ dưỡng. Khu vực hẻo lánh này cách thủ đô Phnom Penh chỉ 6 giờ lái xe.
Với quy mô lớn như vậy, đường băng này thừa sức để các máy bay cỡ lớn như Airbus A380 cất cánh và hạ cánh. Nó còn dài hơn cả đường băng 3.000m ở sân bay quốc tế Phnom Penh hay sân bay Siem Reap (2.500m).
Để đến được công trường, các phương tiện phải đi qua Công viên Quốc gia Botum Sakor. Hồi giữa tháng 8, nhiều xe tải chở theo nguyên vật liệu xây dựng đã đi qua đây.
Một tấm biển hiệu chỉ đường tới sân bay mới được dựng lên. Trên biển có 3 loại ngôn ngữ, bao gồm tiếng Campuchia, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.
Đường băng thẳng tắp đã hoàn thiện khoảng hơn 2 tháng trước. Các công trình nhà ga sân bay được dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2020. Một nghi vấn đặt ra là: Koh Kong vốn là một tỉnh nghèo ở phía Tây Nam Campuchia, với dân số chỉ khoảng 100.000 người. Ngoài nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, vùng này không có ngành công nghiệp trọng điểm nào. Cho nên, thật không rõ đường băng lớn như vậy được sử dụng cho mục đích gì.
Một nông dân 39 tuổi sống gần sân bay mới, nói: “Đây là nơi không thể bắt được sóng điện thoại. Nhưng giá đất ở đây đã tăng gấp 10 lần so với 2-3 năm trước.”
Ông Paul Chambers, nhà phân tích chính trị tại Đại học Naresuan của Thái Lan nhận định:“Mục đích của dự án nhằm tạo ra sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp châu Á.”
Trước đó vào tháng 11/2018, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tỏ ý quan ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng đường băng cho mục đích quân sự nhưng chính phủ Campuchia phủ nhận thông tin này. Tuy nhiên vấn đề này đã khiến Nhà Trắng phải cân nhắc lại quan hệ Mỹ-Campuchia.
Năm 2008, chính phủ Campuchia cũng đã ký một thỏa thuận cho phép tập đoàn Union Group của Trung Quốc thuê khu đất nhìn ra biển trong 99 năm. Một khách sạn 5 sao, một sân golf, một sân bay quốc tế và một số các cơ sở khác được xây dựng trên diện tích 450 km². Bên cạnh đó, một cảng nước sâu cũng nằm trong kế hoạch xây dựng.
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc không ngừng đối đầu về thương mại, an ninh và những vấn đề khác, người dân Campuchia theo dõi tình hình với những cảm xúc lẫn lộn. Một sự kiện hồi tháng 6 đã khiến người dân Campuchia lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc tại đất nước họ.
Một tòa nhà 7 tầng đang xây ở thành phố Sihanoukville, cách Koh Kong 4 giờ lái xe bị sập khiến 28 người thiệt mạng, tất cả đều là người Campuchia. Nguyên nhân dẫn đến thảm kịch là do một công ty xây dựng Trung Quốc sử dụng các biện pháp thi công bất hợp pháp.
“Trên thực tế, người Campuchia không muốn bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh quyền lực của các cường quốc”, một nhà báo ở Phnom Penh bình luận. Theo nhà báo này, những năm qua Campuchia nhận nhiều viện trợ và cho Trung Quốc xây nhiều dự án, nhưng điều đó không có nghĩa là Campuchia ngả về Trung Quốc.
Tuy vậy, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ tại Campuchia, đặc biệt tại thành phố cảng Sihanoukville.
Trung tâm của Sihanoukville là nơi có hàng loạt casino và khách sạn của người Trung Quốc. Trong tổng số 300.000 người ở tỉnh Sihanoukville, có tới 1/3 dân số là người Trung Quốc.
Khoảng 95% trong số 436 nhà hàng, 150 trong số 156 khách sạn ở thành phố Sihanoukville là do Trung Quốc đầu tư.
“Thị trấn này đã trở thành địa bàn của người Trung Quốc. Nhưng điều đó chẳng giúp cải thiện gì cho đời sống của chúng tôi cả“, một nhân viên khách sạn Sihanoukville chia sẻ.
Trong khi đó tính từ đầu năm 2019 đến nay, hơn 1.000 người Trung Quốc đã bị bắt giữ vì buôn bán ma túy và các hoạt động phi pháp khác tại Campuchia.
Thiện Thành (t/h)