Trông thấy vậy mà không phải vậy – Bài học giáo huấn từ 2 câu chuyện xưa
Hai câu chuyện dưới đây cho thấy cái nhìn của chúng ta về người khác không phải luôn chính xác, thậm chí nhiều khi còn nhầm lẫn nữa. Vì thế hãy đừng vội phán xét điều gì. Một con người, một sự việc thật không dễ dàng để đánh giá.
Chuyện Trừng Tử tìm áo
Vào thời nhà Tống có 1 người tên là Trừng Tử. Có một lần, ông ta bị mất một cái áo choàng màu đen, liền đi khắp các con đường để tìm.
Bỗng nhiên, Trừng Tử nhìn thấy phía trước có một người phụ nữ mặc một cái áo choàng màu đen, ông ta liền vội vàng chạy đến, kéo người phụ nữ lại, la lên: “Cái áo này chắc chắn là của tôi!”
Người phụ nữ kia phải mất một hồi mới định thần lại và nói: “Tiên sinh, ông đã mất một cái áo màu đen nhưng cái áo này xác thực là của tôi mà”.
Trừng Tử túm lấy áo mà người phụ nữ kia mặc trên người, lật ra xem, rồi la lên: “Cô còn không mau trả lại cho tôi! cái áo tôi mất vải lót ở bên trong là lụa, bây giờ là vải. Cô đã đổi lụa thành vải để chiếm lấy cái áo này của tôi!”.
(Trích từ “Lã Thị Xuân Thu”)
Biện luận của Trừng Tử rất là kỳ quái. Ông cưỡng đoạt của người khác, lại còn nói người khác chiếm của mình. Đây là kiểu người chỉ biết bản thân mình mà không nghĩ đến quyền lợi của người khác, họ chỉ biết chiếm đoạt thứ của người khác để thỏa mãn ham muốn của chính mình. Đây là kiểu biện luận của kẻ cường đạo, trong cuộc sống thật sự rất hay gặp những chuyện như thế này.
Chuyện nồi cơm của Khổng Tử
Khổng Tử dẫn học trò chu du đến Liệt Quốc, cảm thấy thất vọng nên lại quyết định đi Trần Quốc và Thái Quốc. Mới đi được nửa đường thì gạo mang theo đã hết, nên chỉ biết hái rau dại nấu canh ăn. Suốt 7 ngày trời không được ăn một hạt cơm nào, Khổng Tử đói đến lả cả người, chỉ biết nằm ngủ cho đỡ mệt.
Đệ tử của Khổng Tử là Nhan Hồi đi kiếm được một ít gạo mang về nấu cơm cho Khổng Tử ăn.
Đang nằm nghỉ bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử liếc mắt nhìn xuống, thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại thành nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi vội đưa cơm lên miệng.
Khổng Tử nhìn thấy vậy, trong lòng cảm thấy thất vọng nhưng không nói gì và giả vờ như không nhìn thấy.
Một lúc sau cơm chín, Nhan Hồi bưng cơm đến mời Khổng Tử ăn. Khổng Tử đứng dậy nói: “Hôm nay, lúc ngủ ta mơ thấy người phụ thân đã chết của ta, nếu mà cơm này sạch sẽ thì ta muốn cúng ông trước rồi mới ăn”.
Nhan Hồi thưa: “Không được, vừa rồi tro củi đã rơi vào trong nồi làm bẩn cơm, con thấy vậy nghĩ bụng nếu bốc chỗ cơm bẩn này đem ném đi thì rất tiếc, nên đã bốc cơm bẩn lên ăn. Cơm này không còn tịnh, thầy đừng lấy cúng phụ thân”.
Khổng Tử nghe xong cảm động nói: “Ta tin vào con mắt của mình, nhưng mà con mắt cũng không hoàn toàn đáng tin cậy; ta dựa vào tâm mình, nhưng tâm cũng không hoàn toàn đáng tin cậy. Các đệ tử phải nhớ: Để hiểu rõ và đánh giá một người, thật sự là không dễ dàng”.
(Trích từ “Lã Thị Xuân Thu”)
Điều Khổng Tử cảm thán, quả thật rất có đạo lý. Điều ông dạy bảo, thật vô cùng sâu sắc!
Những cảm giác mà ta cảm nhận được từ mắt, tai, miệng, mũi, tất nhiên là những nhận biết khởi điểm của sự vật, nhưng xác thực là hoàn toàn chưa thể tin tưởng tuyệt đối được.
Toàn bộ cảm giác vẫn chỉ là nhận thức ngoài bề mặt, là phiến diện. Khổng Tử đã thầm trách oan Nhan Hồi, xảy ra hiểu lầm chính là ở chỗ này. Những cảm giác này giống như những nguyên liệu thô, nên phải loại bỏ phần thô để lấy phần tinh, loại bỏ giả để giữ lại thật, sàng lọc từ bề mặt vào tới bên trong thì mới có thể phân biệt được chính xác.
Trước khi nhận xét một điều gì thì trước tiên phải dùng lý tính để suy xét và phân tích, rồi sau đó mới kết luận, có như vậy thì mới thật sự chính xác.
Lê Hiếu, dịch từ Epoch Times