Trời cao dõi mắt nhìn thế nhân, thiện ác phân minh không bỏ sót
Cổ nhân vẫn có câu: “Trên đầu 3 thước có Thần linh”, để nói rằng con người dù làm việc tốt hay xấu đều không thể qua mắt được Thần. Thiện ác đều có báo ứng tương xứng, chỉ những người biết trọng đức hành thiện, kính Trời kính Thần mới mong nhận được phúc báo.
Xưa có Vương Ông nổi tiếng là người nhân hậu thật thà, ông sinh được hai người con trai là Vương Giáp và Vương Ất.
Vương Giáp là anh, thông minh hơn người, nhờ thi cử đỗ đạt nên được phong làm quan lớn, do chức trách mà không thể ở gần cha. Còn Vương Ất là em, tuy học hành chăm chỉ nhưng vì không có số khoa bảng nên thi lần nào cũng hỏng, sau anh bỏ nghiệp đèn sách chỉ ở nhà phụng dưỡng cha già.
Vương Ông nhiều lần nghe người khác kể rằng con trai Vương Giáp là một tham quan, thường nịnh bợ quan trên và áp bức lương dân, khiến người người đều căm phẫn, nhưng ông không tin, cho rằng đó chỉ là lời đồn. Đến một đêm ông nằm mộng thấy Vương Giáp đang mang tiền đút lót của kẻ dưới đi hối lộ cho một đại thần trong triều hòng được thăng chức. Tỉnh giấc, ông lo lắng liền viết một lá thư cho Vương Giáp, rồi kêu Vương Ất tới chỗ anh tìm hiểu thực hư, nếu Vương Giáp quả là kẻ tham ô hủ bại thì hãy đưa thư cho y đọc.
Vương Ất đi đến địa phương mà Vương Giáp cai quản, suốt chặng đường nghe mọi người đều thóa mạ anh trai mình thậm tệ. Khi Ất đến nơi thì vừa lúc Giáp mới tan tiệc với các quan lại khác, vẫn còn đang say khướt chẳng biết gì. Tới lúc tỉnh dậy, hay tin Ất tới thăm, Giáp liền khoe với em rằng mình đang thu gom của cải để mua một chức quan lớn hơn ở kinh thành.
Biết mọi việc Vương Ông mộng thấy đều là thật, Ất liền đưa thư của cha cho Giáp xem. Trong thư khuyên Giáp làm quan phải biết thường xuyên tự răn bản thân, phải lo nghĩ cho bách tính, phải liêm khiết chính trực, nếu không thì tương lai ắt bị trời xanh quở trách, quả báo thê thảm, còn di họa cho con cháu đời sau. Vương Ông vì lo con mình không hối cải nên lời lẽ viết thư vô cùng thống thiết.
Vương Giáp đọc hết thư, tuy trong lòng hơi lo nhưng vẫn không cho lời dạy của cha là đúng, vả lại cũng không muốn bỏ đi những của cải đã nhận trong nhiều năm qua. Y mở tiệc lớn khoản đãi em trai, còn đưa cả mỹ nữ đến dụ dỗ, mong em về đừng mách lại với cha. Vương Ất thấy anh trai không chịu thay đổi, đành chán nản cáo từ.
Vương Ông nghe Vương Ất kể lại sự tình, trong lòng vô cùng khổ sở, khóc suốt ba ngày. Sau ông mang tất cả gia sản ra cứu tế người nghèo, lại dốc lòng tạc tượng Thần Phật, in ấn kinh sách, chính bản thân ông và Vương Ất thì vào chùa làm công quả, lo việc nhang khói và lau chùi tượng Phật. Mỗi lần Vương Giáp gửi tiền về, ông đều mang ra bố thí và giúp các cao tăng hoằng dương Phật Pháp, một đồng cũng không dám giữ lại.
Người ta hỏi ông vì sao phải làm vậy, ông đều đáp rằng: “Chỉ cố hết sức mà chuộc tội cho nghịch tử!”.
Lại nói Vương Giáp sau một thời gian dài hối lộ và nịnh bợ quan trên, rốt cuộc cũng mua được chức quan mình muốn. Hôm ấy y đang trên đường đi đến kinh đô nhậm chức, ngang qua một ngọn núi thì gặp phải sơn tặc, quan binh không chống nổi nên lớp bị thương lớp bỏ chạy tán loạn.
Vương Giáp hoảng sợ xuống kiệu dập đầu nói: “Tôi là Vương Giáp đang trên đường lên kinh nhậm chức, nay xin dâng tất cả của cải cho các vị đại vương, chỉ mong được giữ lại mạng phụng sự cho xã tắc”.
Đám sơn tặc vốn chỉ muốn cướp của chứ không muốn giết người, nhưng nghe đến tên “Vương Giáp” thì lửa giận phừng phừng, tên cướp đầu đảng nói: “Hóa ra ngươi là tham quan Vương Giáp chuyên gây hại cho dân, bọn ta hôm nay phải thay bách tính đòi lại công bằng”.
Dứt lời chém Vương Giáp đầu một nơi thân một nẻo, rồi ôm hết tài vật bỏ đi.
Vương Giáp chết rồi, hồn không có chỗ đi nên quanh quẩn bên xác chết. Đang lúc ấy nhạc trời nổi lên, mây lành hiện ra, một vị Thần ngồi kiệu đi ngang qua núi, nhìn xuống thấy vậy liền hỏi chúng Thiên binh: “Người kia cớ sao lại chết thảm như vậy?”.
Thiên binh đáp: “Kẻ ấy là tham quan Vương Giáp, vì mấy năm nay làm hại lương dân nên giờ phải đền tội”.
Vị Thần nói: “Hóa ra là con trai của Vương Ông, ông ta cả đời nhân hậu, lại rất kính Thần. Tuy Vương Giáp chết là đáng tội, nhưng ta không nỡ để cha hắn tuổi già rồi còn phải nếm mùi khóc thương con cháu. Thôi thì các ngươi nối lại đầu giúp hắn hoàn dương đi, có điều kẻ gian ác dù cho sống cũng không thể yên lành được, hãy để cổ hắn lệch qua một bên. Công danh của hắn từ nay tước bỏ, chuyển qua cho em trai của hắn là Vương Ất”.
Chúng Thiên binh nghe lệnh, nối lại đầu cho Vương Giáp nhưng cố tình làm lệch một đoạn xương, từ đó đến cuối đời y phải sống với chiếc đầu lệch, tuy không chết nhưng hình dung rất khó coi, ăn uống đi lại cũng bất tiện. Chẳng bao lâu sau thì bị triều đình cách chức và đuổi về quê.
Vương Ông biết tin vô cùng mừng rỡ, khấu đầu lạy tạ Thần Phật đã từ bi chừa lại đường sống cho con trai mình.
Mấy năm sau Vương Ất thi đỗ, làm quan liêm khiết, mọi người đều kính trọng.
Thế Di