Tổng thống Trump: Chuỗi cung ứng của Trung Quốc một khi sụp đổ sẽ rất khó phục hồi
Với sự leo thang của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, nhiều công ty đang chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Trump đã đề cập đến vấn đề này tại hội nghị G7 và nói rằng một khi chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị phá vỡ, sẽ rất khó để phục hồi, vì vậy Trung Quốc rất muốn đạt được thỏa thuận.
Bloomberg ngày 24/8 đưa tin, ông Đinh Thủy Ba, chủ tịch tập đoàn sản xuất đồ thể thao Trung Quốc (Xtep) tiết lộ, một phần tư dây chuyền sản xuất đồ thể thao của Trung Quốc hiện đang “nhàn rỗi” vì chiến tranh thương mại, buộc thương hiệu thể thao lớn nhất thế giới phải rời khỏi Trung Quốc. Nhà máy sẽ lựa chọn và chuyển giao sang nước khác.
Tình trạng này không chỉ xảy ra trong ngành sản xuất đồ thể thao. Khi cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang, các công ty toàn cầu từ công ty công nghệ máy tính đa quốc gia Microsoft đến nhà sản xuất xe đạp Giant… liên tục rời khỏi Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói về điều này tại một cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp: “Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề trong vài tháng qua. Họ đã mất 3 triệu việc làm và rất nhanh sẽ không chỉ dừng ở con số 3 triệu. Chuỗi cung ứng của họ đang sụp đổ, đây là điều chưa từng thấy trước đây. Một khi tình huống này xảy ra, sẽ rất khó để phục hồi”.
Ông Tạ Điền, giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ nói rằng, một khi chuỗi cung ứng của Trung Quốc sụp đổ, quả thực không thể xoay ngược tình hình.
Ông Tạ nói: “Quả thực không thể xoay ngược tình hình. Bởi vì một khi nhà máy quyết định chuyển thiết bị từ Trung Quốc sang các nước khác, không phải là chuyện nói quay lại là có thể quay lại được.
Cho dù bây giờ chiến tranh thương mại lập tức chấm dứt, họ cũng sẽ không quay lại. Bởi vì ngay cả khi chiến tranh thương mại chấm dứt, các vấn đề như: vấn đề lạm phát của Trung Quốc, vấn đề suy thoái môi trường, vấn đề nhân quyền và hệ thống pháp lý… sẽ không được giải quyết ngay lập tức”.
William Yu, một nhà kinh tế tại Trường Quản lý UCLA Anderson ở Hoa Kỳ nói rằng, nếu Trung Quốc không nhanh chóng đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ, thì thiệt hại cho chuỗi cung ứng sẽ giống như “Bát nước đổ đi khó hốt lại”.
“Việc di dời này khi đạt đến cái gọi là điểm giới hạn, thì các doanh nghiệp còn lại nếu muốn tiếp tục sinh tồn cũng phải rời bỏ Trung Quốc. Tôi nghĩ đây là một tổn hại lớn đối với Trung Quốc. Nó sẽ có tác động mạnh đến nền kinh tế tương lai của Trung Quốc và thậm chí là sự phát triển của khoa học và công nghệ”, William Yu nói.
Lưu Hạc, Phó Thủ tướng của Trung Quốc cho hay, ông muốn giữ thái độ bình tĩnh để cùng với Mỹ đàm phán hợp tác giải quyết vấn đề.
Ông Trump đã bày tỏ sự tán thành với động thái trên: “Tôi nghĩ rằng Chủ tịch Tập là một nhà lãnh đạo giỏi. Ông ta là một người thông minh và vốn dĩ không muốn mất đi 3 triệu việc làm hoặc nhiều hơn thế chỉ trong một thời gian ngắn. Điều đó sẽ làm sụp đổ hệ thống thương mại của Trung Quốc.
Ông ta sẽ không làm điều đó. Qua cuộc gọi đêm qua của Trung Quốc, tôi nghĩ rằng họ rất muốn đạt được thỏa thuận. Họ càng chờ đợi lâu hơn nữa, việc tái xây dựng sẽ càng khó khăn. Đó là giả sử họ có thể xây lại được chuỗi cung ứng, vì vậy tôi tin rằng họ muốn đạt được thỏa thuận”.
Ông Tạ Điền cho rằng, chính quyền Trung Quốc không hề hay biết về nguy cơ mà chuỗi sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang gặp phải. Vì tại cuộc họp lần thứ năm vào ngày 26/8 của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), họ đã bàn bạc nghiên cứu việc “Thúc đẩy sự hình thành bố cục kinh tế khu vực với lợi thế bổ sung và phát triển chất lượng cao” và “Phát huy ưu thế để cải thiện năng lực cơ sở công nghiệp và trình độ chuỗi công nghiệp”.
Ông Tạ Điền nói: “Họ đã thừa nhận rằng việc chuyển giao chuỗi công nghiệp này đã gây ra một khoảng trống lớn ở Trung Quốc. Bây giờ cần phải cố gắng thành lập lại chuỗi công nghiệp của Trung Quốc.
Còn một điểm nữa là, họ hy vọng rằng một số khu vực của Trung Quốc sẽ hình thành lại bố cục kinh tế khu vực và có thể hỗ trợ bổ sung và cùng phát triển. Thực chất nếu bạn thiếu một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc một doanh nghiệp công nghệ cao như vậy, thì Trung Quốc gần như không thể xây dựng được điều này”.
Tuy nhiên, trái ngược với thái độ bình tĩnh mong đạt được thương lượng của Lưu Hạc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ tiếp tục chỉ trích Hoa Kỳ và đưa ra các thông điệp cứng rắn. Tờ “Nhân dân Nhật báo” đã đăng một bình luận cứng rắn về cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, nhấn mạnh rằng “Bạn phải chiến đấu khi cần thiết”.
William Yu nói: “Phía Trung Quốc có một vài người có tư tưởng ‘diều hâu’ (hiếu chiến), cảm thấy cái gọi là ‘thành công’ trong nền kinh tế Trung Quốc hoàn toàn nhờ vào cái gọi là ‘chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc’. Nhưng tôi nghĩ đóng góp quan trọng nhất đó là nhờ Hoa Kỳ đã mở cửa thị trường, và sau đó là WTO, một hệ thống toàn cầu hóa thị trường tài nguyên, có thể ‘thu nạp’ năng lực sản xuất ngày càng tăng của Trung Quốc”.
William Yu nói rằng, lúc đầu các nước phương Tây cho phép Trung Quốc hội nhập vào hệ thống thương mại đa phương của thế giới, với mong muốn có thể thúc đẩy Trung Quốc trở thành một quốc gia tự do và pháp quyền. Hiện tại, phương Tây đã không còn “ôm mộng tưởng”, còn ĐCSTQ tiếp tục áp dụng thái độ cứng rắn, điều này không chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc, mà còn có khả năng dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Gia Hưng (Theo NTDTV)