Tổng thống Trump dọa ban bố ‘tình trạng khẩn cấp’ với Trung Quốc vì thương chiến
“Tôi có quyền làm điều đó nếu tôi muốn. Tôi có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia” và buộc các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc là điều Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ trong hội nghị G7 mới đây.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tiếp tục leo thang khi cả hai nước đang liên tục áp thuế lên các mặt hàng của nhau, khiến nhiều công ty Mỹ điêu đứng trên thị trường chứng khoán.
Ngày 25/8 mới đây, trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Hội nghị thượng đỉnh G7 (từ ngày 24 đến 26/8 tại thành phố Biarritz, Pháp), ông Trump đã khẳng định: “Xét về nhiều phương diện, chiến tranh thương mại là một tình trạng khẩn cấp”.
“Tôi có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Họ (Trung Quốc) đã ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ 300-500 tỷ USD mỗi năm. Chúng tôi đã mất gần 1.000 tỷ USD/năm trong những năm qua”, ông Trump lý giải.
Ông Trump cũng chia sẻ thêm rằng mình không ‘lo lắng’ trước phản ứng của thị trường với quyết định vào hôm 23/8 về việc gia tăng thuế đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25 lên 30% bắt đầu từ ngày 1/10 tới.
Hay việc 300 tỷ USD hàng hóa còn lại, vốn được lên kế hoạch bị đánh thuế từ ngày 1/9 ở mức 10%, giờ sẽ bị đánh thuế ở mức 15%. Điều duy nhất ông hối tiếc là đã không đánh thuế nhập khẩu cao hơn.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cho biết hiện ông vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào và việc đối thoại với Trung Quốc đang rất ổn. “Thực ra, chúng tôi và Trung Quốc đang rất ổn, chúng tôi đang đàm phán. Tôi nghĩ họ muốn đạt thỏa thuận nhiều hơn tôi muốn.
Tôi đang thu được nhiều tiền nhờ thuế quan, hàng tỷ USD chứ không ít. Trước đây, chúng tôi chẳng lấy được xu nào từ Trung Quốc. Bởi vậy, hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra”, ông Trump nói.
Tuyên bố trên của ông Trump được đưa ra sau khi Bắc Kinh đáp trả mức thuế tương xứng đối với 75 tỉ USD hàng hóa của Mỹ, trong đó bao gồm các mặt hàng nông sản và dầu thô bắt đầu từ ngày 1/9, cũng như những hình phạt đối với các loại xe cộ và linh kiện xe hơi bắt đầu từ ngày 15/12 tới.
Dù các nước G7 không gây sức ép buộc ông từ bỏ chiến tranh thương mại nhưng Johnson cho biết, các nước này đều ủng hộ hòa bình thương mại. “Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ hòa bình thương mại nói chung, và giảm căng thẳng đi một chút”, ông Johnson nói.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24/8 cảnh báo căng thẳng thương mại tác động tiêu cực tới tất cả các bên trong bối cảnh Mỹ vừa mới áp đặt các mức thuế mới với hàng hóa Trung Quốc.
Đồng thời, cảnh báo các sản phẩm rượu của Pháp có thể sẽ bị ‘đưa vào tầm ngắm’ nhằm đáp trả kế hoạch đánh thuế của Paris nhắm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lo ngại “thương chiến sẽ dẫn đến suy thoái, trong khi thỏa thuận thương mại sẽ thúc đẩy kinh tế”.
Ở một diễn biến khác, những động thái nhằm đáp trả Trung Quốc của Mỹ đang khiến căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, làm chao đảo thị trường tài chính phiên cuối tuần, khiến nhà đầu tư thêm lo ngại nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Dù tỷ lệ hài lòng với chính sách của ông Trump trong các cuộc khảo sát trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đang đi xuống, khi người tiêu dùng bất mãn với lập trường thương mại cứng rắn của ông với Trung Quốc. Nhưng việc làm của ông lại nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa. Các nghị sĩ nói, ông Trump là vị tổng thống Mỹ đầu tiên làm cho chính quyền Trung Quốc phải thay đổi hành vi và chấm dứt các hoạt động thương mại không công bằng.
“Mục tiêu là để đưa Trung Quốc ngừng lừa gạt Hoa Kỳ ra khỏi thị trường, chơi theo luật mà mọi người khác trên thế giới đều chơi”, Chủ tịch Ủy ban tư pháp Thượng viện Lindsey Graham nói.
Thượng nghị sĩ Chuck Grassley cũng chia sẻ: “Cách duy nhất để kết thúc cuộc chiến thương mại này là Trung Quốc đến bàn đàm phán và đàm phán nghiêm túc về một thỏa thuận nhằm chấm dứt các hành vi xấu và các hành vi thương mại không công bằng”.
Vũ Tuấn (t/h)