Toàn thế giới ‘chung sống’ với hơn 16.000 đầu đạn và vũ khí hạt nhân
Các cường quốc hạt nhân đang cất giấu hơn 16.000 vũ khí hạt nhân ở 97 địa điểm trên 14 quốc gia, nhưng chỉ 4.000 đầu đạn và vũ khí được đặt trong tình trạng sẵn sàng hoạt động.
Quả cầu lửa hình nấm khổng lồ trong vụ nổ vũ khí hạt nhân. Ảnh: Wiki
|
Hai học giả về an ninh hạt nhân là Hans M. Kristensen và Robert S. Norris vừa đưa ra bảng thống kê vũ khí hủy diệt hàng loạt trong kho các cường quốc. Business Insider nhận định bản báo cáo, công bố hôm 27/8, là đánh giá toàn diện nhất về lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu, vốn luôn được các cường quốc bảo mật nghiêm ngặt.
Nghiên cứu cho biết, số lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu đã giảm trong 5 năm qua. Cũng theo báo cáo tương tự của Kristensen và Norris vào năm 2009, thế giới có khoảng 23.330 đầu đạn và bom hạt nhân. Hiện con số này đã giảm xuống còn 16.300 trong năm nay. Dù tích cực tham gia thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược, nhưng tiềm lực hạt nhân Nga và Mỹ vẫn đứng đầu thế giới.
Mô phỏng một vụ nổ hạt nhân
Trong khi đó, kho vũ khí hạt nhân của Israel nhỏ hơn dự đoán trước đó. Các số liệu cho thấy nhà nước Do thái có khoảng 75 tới 200 quả bom hạt nhân. Tuy nhiên, chỉ giới lãnh đạo Israel nắm rõ số lượng vũ khí hủy diệt của nước này. Trong đánh giá năm 2009, Kristensen và Norris cho rằng Israel có 80 đến 100 quả bom và đầu đạn hạt nhân, nhưng đánh giá năm nay cho thấy nước này chỉ có từ 80 đến 85 vũ khí nguyên tử.
Các quốc gia cất trữ vũ khí hạt nhân ở những địa điểm thuận lợi nhất khi cần đến. Cụ thể, Israel sở hữu tên lửa đạn đạo tầm trung SDOT Micha nên đầu đạn hạt nhân của họ có thể được nghiên cứu ở Soreq và cất tại Tel Nof, Nevatim. Ngoài ra, quân đội Do thái dễ dàng đưa vũ khí hạt nhân lên phản lực chiến đấu F-16 để tấn công các mục tiêu chiến lược.
Trong khi đó, Pakistan đang tăng số lượng đầu đạn và bom hạt nhân lên mức 100 đến 120 đầu đạn. Quốc gia này cất giấu vũ khí hạt nhân trên khắp cả nước, từ Islamabad tới Karachi và có thể là cả các kho chứa ngầm ở vùng núi phía Bắc đất nước. Giới chức Pakistan dường như “không muốn đặt tất cả số trứng vào cùng một giỏ” đề phòng chúng bị tấn công.
Đưa ra những số liệu khá chi tiết về vũ khí hạt nhân, nhưng Kristensen và Morris thừa nhận không có một số liệu chính xác nào về tiềm lực hạt nhân của Bình Nhưỡng dù giới chức Triều Tiên tiến hành 3 vụ thử vũ khí hủy diệt. Trong khi đó, Bình Nhưỡng có ít vũ khí hạt nhân hơn những nơi có khả năng lưu trữ.
5 mối họa lớn nhất đối với sự tồn tại của loài người
Nga đang cắt giảm mạnh số vũ khí hạt nhân cùng các nhà máy nguyên tử. Moscow có 500 cơ sở hạt nhân đầu thập niên 1990, giảm xuống 250 cơ sở giữa những năm 90 và còn 100 cơ sở trong nửa cuối thập niên này. Hiện tại, Nga duy trì 40 cơ sở hạt nhân trên khắp đất nước. Trong khi đó, Mỹ có 18 cơ sở hạt nhân nằm ở 12 tiểu bang và 5 quốc gia khác. Số lượng đầu đạn và bom hạt nhân của Mỹ và Nga là tương đương.
Các cường quốc hạt nhân hiện nay gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Phương Tây cáo buộc Iran đang phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng Tehran luôn khẳng định chỉ nghiên cứu công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Bom hạt nhân nổ dưới đáy biển
Theo Zing News