Tĩnh lặng – cảnh giới cao thượng của người trí huệ
Trên thế gian, âm thanh đẹp nhất chính là sự yên ắng, giống như cái gọi là ‘tĩnh thủy lưu thâm’. Con người cũng là như thế, khi đạt đến một cảnh giới nhất định, thì có thể hiểu được trí tuệ của sự tĩnh lặng.
Trải qua càng nhiều, thì càng thành thục, mà càng thành thục, thì sẽ càng tĩnh lặng.
Tĩnh lặng, không chỉ là sự tu hành của một người, mà còn là giai điệu thể hiện sự trưởng thành của người ấy. Những người thực sự trưởng thành không hề rời xa nơi huyên náo, mà chính tại trong tâm hồn của họ đang nuôi dưỡng một biển cả mênh mông.
Một kiếp làm người, thứ chúng ta cần đạt được không phải là năng lực kêu mưa gọi gió, mà chính là mang trong lòng tâm trạng bình thản. Giữ lại một phần bình lặng cho mình, cuộc sống tự nhiên sẽ có trời cao, mây trôi, gió nhẹ.
Sự truy cầu của nhân sinh, không gì ngoài sự giàu có về vật chất và tinh thần. Kỳ thực, cuộc đời của chúng ta, sự tiêu thụ vật chất vô cùng giới hạn, còn việc theo đuổi của cải tinh thần lại là vô hạn.
Kỳ thực, đồ vật trong thế gian này, một nửa là không đáng để tranh giành, còn một nửa là không cần phải tranh giành. Thứ mà chúng ta thật sự nên theo đuổi, không phải là giàu có hơn người khác, hay giỏi giang hơn người khác, mà chính là không ngừng vượt qua bản thân mình.
Vẻ đẹp của sinh mệnh, không nằm ở sự rực rỡ mà là ở sự bình yên. Sự rung động của sinh mệnh không nằm ở cảm xúc mạnh mẽ, mà là ở sự tĩnh lặng. Chỉ có bình yên mới thấy rõ sự bao la của cuộc đời, chỉ có tĩnh lặng mới cảm nhận được tính sâu xa của sinh mệnh.
Tĩnh lặng không phải là nhàm chán, không phải trống rỗng, cũng không phải sự cứng nhắc, mà là sự trật tự, rành mạch, phong phú trong nội tâm. Là một sự tự kiềm chế bản thân không để tâm đến việc được mất, tốt xấu từ thế giới bên ngoài.
Có câu nói: “Cơn nóng giận giống như đốm lửa trong tay, khi chưa kịp ném sang người khác nó đã đốt cháy tay chính mình”, hay như câu: “Không nên làm gì khi bạn nóng giận vì khi nóng giận mọi việc bạn làm đều không lý trí”.
Vì vậy, người có nội tâm tĩnh lặng sẽ không để ngọn lửa sân hận thiêu đốt chính mình và cũng không làm những việc khờ dại khi bất bình, bởi tâm họ lúc nào cũng “tĩnh như nước”.
Chúng ta biết rằng, mỗi một người đều có cảm xúc, nếu như khi gặp phải những chuyện không thuận tâm liền buông lơi bản thân, không làm chủ được cảm xúc, vậy thì sẽ chỉ khiến cho vấn đề ngày càng trở nên rối rắm, phức tạp mà thôi.
Tâm trạng rối bời cũng giống như chiếc xe đang lao nhanh xuống dốc, nếu không biết đạp thắng cho xe dừng lại ngay lúc đó, thì nó có thể sẽ lao xuống khe núi, xe hỏng người chết cũng là điều khó tránh khỏi.
Có một vị thiền sư từng nói: “Một người muốn tâm tĩnh như nước, thì điểm mấu chốt là có thể bỏ qua được những phiên não về danh lợi, vứt bỏ được những quấy nhiễu của sắc tình. Cho nên, muốn làm được điều ấy thì phải biết buông bỏ”.
Quả thực, trong cuộc sống không ngừng phân tranh, rất nhiều người tinh thần không yên tĩnh. Tâm không an định đều là bởi vì họ quá đặt nặng bản thân mình.
Bất kể khi nào, ở đâu, hoàn cảnh ra sao, chúng ta đều nên duy trì một tâm thái tĩnh lặng, bởi đó là một loại phẩm cách, có thể làm dịu đi những xốc nổi, bồng bột, là một loại trí huệ, có thể cảm ngộ sự đại từ đại bi của sinh mệnh.
Có được sự tĩnh lặng trong tâm, sẽ hiểu được cuộc sống không chỉ có thu hoạch và sở hữu, mà còn phải biết buông bỏ và cho đi vô điều kiện.
Trái tim tĩnh lặng sẽ làm cho những thứ ta muốn nghĩ, muốn thấy, muốn ngửi trở nên rõ ràng hơn. Với trái tim tĩnh lặng, mọi thứ sẽ an yên, không tăng không giảm, có thể dịu dàng lắng nghe tiếng hoa nở hoa tàn,…
Bất luận trải qua bao nhiêu phong ba, sóng gió, chỉ cần duy trì được một trái tim tĩnh lặng, xem nhẹ được mất và ân oán, buông bỏ những tranh chấp so đo, có lẽ chúng ta sẽ thu hoạch được một thứ khác, sẽ lĩnh ngộ được hàm ý sâu xa của cuộc sống này, đạt đến một cảnh giới mỹ diệu hơn.
Việt Anh (t/h)