Tiết lộ về Chén Thánh của Chúa Giê-su trong Bữa tối cuối cùng
Hàng đoàn khách kéo về bảo tàng thuộc nhà thờ ở San Isidoro (Tây Ban Nha) khi cuốn sách “King of the Grail” mới xuất bản tuần qua tiết lộ chiếc chén cổ ở đây là Chén Thánh mà chúa Giê-su đã dùng trong Bữa tối cuối cùng.
Chiếc chén cổ được đúc bằng vàng, gắn mã não cùng nhiều loại đá quý khác. Chiếc chén này từng thuộc quyền sở hữu của công chúa cả Dona Urraca, con gái nhà vua Tây Ban Nha Fernando I ở thế kỷ XI.
Nhà nghiên cứu lịch sử trung cổ Margarita Torres và nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Jose Manuel Ortega del Rio nhận định đây chính là chiếc Chén Thánh trong cuốn sách mới xuất bản tuần trước có tên “Kings of the Grail”.
Hai nhà nghiên cứu cho biết những manh mối từ hai cuộn giấy cổ Ai Cập đã đưa họ đến cuộc tìm kiếm Chén Thánh trong 3 năm qua.
Theo một số tài liệu viết bằng tiếng Ả rập, Chén Thánh bị các tín đồ Hồi giáo đánh cắp khỏi Jerusalem và lưu lạc trong cộng đồng tín đồ Kitô giáo sinh sống ở Ai Cập. Nhiều thế kỷ sau (khoảng năm 1050), Hoàng gia Ai Cập đã dùng nó tặng cho vua Tây Ban Nha như lời cảm ơn vì vị vua này ra tay cứu giúp dân Ai Cập vượt qua nạn đói.
Chén thánh được mạ vàng bên trong và bên ngoài có những hình chạm khắc tinh tế, trang trí bằng ngọc lục bảo, ngọc trai… Có lẽ, chén đã được vua Ai Cập thiết kế lại trước khi tặng cho vị chủ nhân mới. Từ năm 1950, nó được lưu giữ và trưng bày tại nhà thờ San Isidoro.
Tác giả cuốn sách, bà Torres, nói: “Chén thánh này chính là chén thánh trong đạo Kitô, nó đã đi qua Cairo đến Leon. Phát hiện này rất quan trọng vì đã giải quyết được một vấn đề lớn. Chúng tôi tin rằng đây có thể mở đầu cho một giai đoạn nghiên cứu tuyệt vời”.
Bộ phim “Indiana Jones And The Last Crusade” (Cuộc thập tự chinh cuối cùng – 1989) cũng được thực hiện dựa trên giả thuyết này. Trong đó, quân Đức từng tới Tây Ban Nha thời Thế chiến II với niềm tin rằng chiếc Chén Thánh đang được cất giữ tại tu viện Montserrat gần Barcelona.
Đây không phải là lần đầu tiên một nhà thờ hay viện bảo tàng khẳng định mình đang nắm giữ chiếc Chén Thánh. Nhà thờ Đức Mẹ Mary ở TP Valencia, Tây Ban Nha cũng từng khẳng định mình đang nắm giữ một báu vật như vậy.
Theo vi.aroundvn