Tiết lộ: Giang Trạch Dân là mầm mống cho nạn tham nhũng ở Tam Hiệp
Tập đoàn Trường Giang Tam Hiệp của sông Dương Tử là một “cứ điểm trọng yếu” của phe Giang Trạch Dân. Trước đó, tổ Thanh tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chỉ trích Tập đoàn Tam Hiệp vì “một số người thân của lãnh đạo cấp cao đã can thiệp vào việc xây dựng dự án, một số hoạt động đấu thầu mờ ám v.v.”. Dự án Tam Hiệp đã bị nhiều chuyên gia thủy lợi chất vấn và phản đối ngay từ ban đầu, nhưng Giang Trạch Dân vẫn khăng khăng yêu cầu khởi công xây dựng.
Uông Dương nghiệm thu công trình thu hút sự chú ý của dư luận
Vào ngày 4/7/2014, các phương tiện truyền thông Đại lục đã đưa tin rằng, dự án Tam Hiệp, sau 20 năm tiêu hao một số tiền lớn đầu tư xây dựng, sẽ phải tiến hành nghiệm thu công trình. Trước đó, Uông Dương, phó thủ tướng Quốc Vụ viện ĐCSTQ, lần đầu tiên xuất hiện trên phương tiện truyền thông với tư cách là Chủ nhiệm Ủy ban nghiệm thu công trình Trường Giang Tam Hiệp của Quốc Vụ viện, động thái này cho thấy Uông Dương đã chính thức tiếp quản công việc nghiệm thu Tam Hiệp.
Vào ngày 25/2/2014, một người ẩn danh nhiều lần tham gia đấu thầu dự án Tam Hiệp nói với các phóng viên của Epoch Times rằng: “Tổng quy mô của các dự án mà Tập đoàn Tam Hiệp mời thầu mỗi năm ít nhất là 10 tỷ nhân dân tệ (NDT). Trước năm 2014, hầu hết trong số này đều không được thông qua đấu thầu chính thức, không cần phải nói là hành động mờ ám, trên thực tế đó là những hành động ‘công khai’”.
“Cuộc thanh tra đã gây ra một chấn động lớn trong nội bộ tập đoàn. Trong nội bộ Tam Hiệp, chuyện các lãnh đạo và người thân tham gia đấu thầu dự án, chia sẻ lợi ích là nhiều không kể xiết, đó đã là một bí mật được công khai. Các nhà lãnh đạo, các phe phái và thậm chí cá biệt có trường hợp các nhà lãnh đạo cũ đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục can thiệp. Hiện tại mọi người trong tập đoàn ai nấy đều hoang mang, bất cứ lúc nào cũng có thể ‘một giọt nước làm tràn ly’, gây ra những rắc rối khác”. Một người giấu tên trong nội bộ của tập đoàn Tam Hiệp đã nói với phóng viên của Epoch Times.
Ngoài ra, báo cáo kiểm toán của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia đã liên tục chỉ ra rằng, dự án Tam Hiệp có nhiều vấn đề tài chính khác nhau như “Quản lý quỹ bất hợp pháp”, “Quỹ tín dụng cho người nhập cư bị tham ô” và “Hệ thống quản lý chi phí không hoàn thiện” v.v.
Giang Trạch Dân là mầm tham nhũng của Tam Hiệp
Như chúng ta đã biết, Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, được biết đến với việc cai trị đất nước bằng tham nhũng. Tập đoàn Trường Giang Tam Hiệp Trung Quốc là một “cứ điểm trọng yếu” của phe Giang. Trong dự án Tam Hiệp, có vô số những lỗ hổng, tham nhũng. Vấn đề tham nhũng của dự án Tam Hiệp gần như là một bí mật ‘công khai’ ở Trung Quốc Đại lục.
Trước đây, nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng dự án Tam Hiệp đã bị nhiều chuyên gia về thủy lợi chất vấn, phản đối trước khi được bắt đầu. Năm 1989, Giang Trạch Dân, người vừa giẫm lên máu của những sinh viên yêu nước trong sự kiện “Lục Tứ” (thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989) để lên cầm quyền. Ông đã vội vã thành lập liên minh với Lý Bằng, đích thân thúc đẩy dự án công trình Tam Hiệp để được Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ thông qua.
Vào tháng 2/2013, tờ “Nhân dân Nhật báo”, phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã đăng một bài báo dựa trên những ghi chép về cuộc họp của cựu thủ tướng Lý Bằng, với nội dung giúp Lý Bằng xóa bỏ mọi trách nhiệm liên quan đến quyết sách về đập Tam Hiệp, bài báo chỉ ra rằng, Lý Bằng đã tiết lộ sự thật liên quan đến quyết sách về đập Tam Hiệp. Công trình đập Tam Hiệp là do Đặng Tiểu Bình khởi xướng, lúc đó Lý Bằng đương nhiệm phó thủ tướng Quốc Vụ viện, tổ trưởng tổ lãnh đạo trù bị công trình đập Tam Hiệp.
Sau khi Giang Trạch Dân lên làm Tổng Bí thư, nơi đầu tiên ông đi khảo sát chính là đập Tam Hiệp. Sau năm 1989, tất cả các quyết định liên quan đến dự án Tam Hiệp đều được đưa ra bởi Giang Trạch Dân.
Vào năm 2013, “Caixin”, tờ báo có liên quan mật thiết đến Vương Kỳ Sơn, đã đăng bài có tựa đề là “Ba chiếc ‘máy rửa tiền’ của Chu Tân”, tiết lộ rằng gia đình Chu Vĩnh Khang đã nhận được dự án thủy điện sông Đại Độ, dự án này được cho là có thu nhập hàng năm lên tới 900 triệu NDT. Dự án này ban đầu vốn dĩ thuộc quyền sở hữu của Trần Phi, tổng giám đốc tập đoàn Tam Hiệp, người lúc đó ở tập đoàn Điện lực Quốc gia, nhưng cuối cùng rơi vào tay của gia đình Chu Vĩnh Khang.
Những hoạt động mờ ám đem lại nhiều lợi ích cho tập đoàn Giang Trạch Dân
Vào ngày 12/3/2012, Tập đoàn Tam Hiệp, với tư cách là chủ thầu, đã ủy thác công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của mình là công ty đấu thầu quốc tế Tam Hiệp tiến hành mời thầu đối với dự án Trung tâm đào tạo đập Tam Hiệp, nội dung là đấu thầu xây dựng, trang trí nội thất và cải tạo cảnh quan xung quanh.
Trung tâm đào tạo này hiện nay đang được xây dựng, nhưng nhà thầu trúng thầu lúc đó, những nhân viên của công ty TNHH Trung Quốc Hoa Tây, lại không có mặt ở hiện trường, mà lại giao công trình này cho công ty khác.
Nhắc lại chuyện này, Lưu Hổ (tên giả), nhân viên của một công ty nào đó ở Vũ Hán, đến giờ vẫn cảm thấy rất tức giận: “Báo giá của chúng tôi là thấp nhất, chỉ hơn 70 triệu NDT, một công ty khác là 80 triệu NDT, nhưng cuối cùng bị một công ty cướp thầu với giá 100 triệu NDT. Điều đáng tức giận nhất là phía Tam Hiệp biết rằng công ty này đã đấu thầu bất hợp pháp nhưng vẫn để cho họ thắng thầu”.
Vào tháng 4 năm đó, Lưu Hổ đã gửi một lá thư tố giác đến Ủy ban đấu thầu của Tập đoàn Tam Hiệp, báo cáo rằng một trong những nhà thầu, công ty TNHH Trung Quốc Hoa Tây đã vi phạm các hồ sơ dự thầu, nhưng Tam Hiệp vẫn tuyên bố công ty Hoa Tây là đơn vị trúng thầu. Theo trí nhớ của Lưu Hổ, trong quá trình đánh giá thầu, các thành viên của ủy ban đánh giá thầu đã từng yêu cầu 1 triệu tiền hối lộ để đảm bảo được trúng thầu.
Năm 2014 là năm thứ 8 Trương Tây Xuyên (tên giả) thực hiện nhiều hạng mục khác nhau trong dự án Tam Hiệp. Tuy nhiên, anh quyết định dừng lại không làm nữa vì “không có quy tắc nào trong Tam Hiệp, môi trường đấu thầu quá tệ”. Trương nói rằng, do “quy định nội bộ” trong việc đấu thầu Tam Hiệp là quá “hiển nhiên” và nó gây ra sự không hài lòng giữa 8 công ty khác trong việc đấu thầu dự án cải tạo nhà máy Bảo trì Kết cấu Thép Điện lực Trường Giang ở Nghi Xương. Tập đoàn Tam Hiệp đã “bồi thường” cho mỗi công ty 60.000 NDT.
Theo Trương Tây Xuyên, công trình Tam Hiệp có nhiều hoạt động mờ ám, những người trúng thầu được quy định từ trước là vô cùng phổ biến. Ví dụ, Tòa nhà Tam Hiệp, một trong bốn trụ sở của Tam Hiệp nằm ở khu vực Thành Đô, tiêu tốn tới 400 triệu NDT chỉ để trang trí sang trọng, có ít nhất hai vấn đề về đấu thầu.
“Ngoài ra, tòa nhà Tam Hiệp ở Thành Đô là một trò cười trong ngành công nghiệp xây dựng, bởi vì tính đến cuối năm ngoái, Cục Xây Dựng vẫn chưa nghiệm thu và cấp giấy phép xây dựng, nhưng các nhân viên của Tam Hiệp đã chuyển đến làm việc, tức việc xây dựng tòa nhà này là bất hợp pháp.”
Hơn nữa, một người giấu tên đã tiết lộ với các phóng viên rằng, các quỹ khổng lồ của Tập đoàn Tam Hiệp đã được chuyển hướng để đầu tư vào bất động sản, và còn bí mật chia sẻ lợi ích cho quan chức cấp cao Đảng Cộng sản, trong đó có nhiều khoản chảy vào tập đoàn Giang Trạch Dân.
Hao người tốn của mãi không dừng, để lại hậu họa cho con cháu
Một bài viết của Vương Duy Lạc, một chuyên gia công trình thủy lợi hiện đang sống ở Đức tiết lộ rằng, tổng chi phí xây dựng của dự án Tam Hiệp năm 1992 là 57,1 tỷ NDT. Đến cuối năm 2008, tổng chi phí của dự án này đã vượt quá 200 tỷ NDT, hơn nữa thang nâng tàu thủy vẫn chưa được hoàn thành. Hơn một nửa số tiền cho dự án Tam Hiệp là từ Quỹ Tam Hiệp, được trả bởi hóa đơn tiền điện của dân thường. Đây là một loại thuế đặc biệt được đánh thuế bởi Quốc vụ viện ĐCSTQ dành riêng cho dự án Tam Hiệp, không cần phải trả lại vốn hoặc lãi.
Theo ước tính của giới truyền thông, từ năm 1992 đến nay, số tiền mà người dân cả nước đã đóng góp cho dự án Tam Hiệp là hơn 500 tỷ NDT. Tổng chi phí xây dựng của dự án Tam Hiệp đã tăng từ 57,1 tỷ NDT lên 500 tỷ NDT. Tiền này đã chảy vào túi của ai?
Không chỉ như vậy, việc đập Tam Hiệp được biến thành một cỗ máy kiếm lợi nhuận cho tư nhân mới khiến mọi người cảm thấy đau lòng. Theo báo cáo của Tổ Thanh tra và văn phòng Kiểm toán, nhân viên nội bộ của tập đoàn Tam Hiệp đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để chiếm đoạt tài sản nhà nước, độc quyền các nguồn lực công cộng, tham nhũng, lãng phí, chia lợi nhuận, gần như đến mức độ khó lòng kiểm soát.
Kể từ ngày 14/12/1994, dự án Tam Hiệp đã chính thức khởi công. Sau khi hồ chứa Tam Hiệp trữ nước, công trình Tam Hiệp không thể giúp tàu thủy vạn tấn đi thẳng đến Trùng Khánh như lời khoe khoang lúc đầu, Thay vào đó, đập Tam Hiệp cản trở dòng chảy tự nhiên của sông Dương Tử. Đập Tam Hiệp mà ĐCSTQ quảng bá rộng rãi là sẽ đóng góp vào việc phát điện, điều tiết dòng nước ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử, trên thực tế cũng đều không hiệu quả.
Kim Vĩnh Đường, chuyên gia thủy lợi nổi tiếng, người ngay từ đầu đã phản đối dự án Tam Hiệp, đã nói thẳng rằng, các vấn đề hiện nay của Tam Hiệp nghiêm trọng hơn so với ước tính ban đầu. Vương Duy Lạc, một chuyên gia công trình thủy lợi sống tại Đức dự đoán rằng, sau khi dự án Tam Hiệp hoạt động được 30 năm, lượng phù sa sẽ vượt quá 4 tỷ tấn, chặn ở giữa trung lưu và hạ lưu của dòng sông.
Chuyên gia thủy lợi Hoàng Vạn Lý dự đoán rằng, việc sửa lại đập Tam Hiệp cuối cùng sẽ khiến nó vỡ tung. Giờ đây, những mối nguy hiểm của dự án Tam Hiệp, điều mà đã được nhiều chuyên gia dự đoán từ trước, đang xuất hiện từng cái một.
Minh Huy (Theo Secretchina)