“Tiền làm thêm giờ” của cảnh sát Hồng Kông trong nửa năm gần 1 tỷ nhân dân tệ
Kể từ khi phong trào phản đối dự luật dẫn độ diễn ra đến nay, tình trạng bạo lực của cảnh sát Hồng Kông đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Ngày 13/12, khi Hội Lập pháp thảo luận về đề xuất tăng lương cho công chức, họ cũng công bố rằng, từ tháng 6 đến tháng 11 năm nay, cảnh sát Hồng Kông đã nhận được “tiền làm thêm giờ” là 1 tỷ nhân dân tệ (NDT).
Sáng 13/12, Ủy ban tài vụ Hội Lập pháp đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận về việc tăng lương công chức do Chính phủ Hồng Kông đề xuất. Theo tờ “Stand News”, các tài liệu do Chính phủ Hồng Kông đệ trình cho thấy, từ tháng 6 đến tháng 11 năm nay, cảnh sát đã nhận được khoản trợ cấp trung bình hàng tháng là 160 triệu NDT cho công việc ngoài giờ, với tổng chi khoảng 950 triệu NDT. Với 11.000 người, bình quân mỗi người nhận được hơn 14.000 NDT mỗi tháng (tương đương 46,5 triệu VNĐ), có thể nhận được hơn 86.000 NDT thu nhập ngoài giờ trong trung bình 6 tháng.
Cục Bảo an tiết lộ tại cuộc họp, từ năm 2019 đến năm 2020, Lực lượng cảnh sát sẽ nhận được 20,2 tỷ NDT chi phí hoạt động. Có nghị viên đã đặt ra câu hỏi, liệu có nên có hạn mức tối đa hay chỉ dẫn có liên quan cho những cảnh sát làm thêm giờ hay không? Người phát ngôn của Cục Bảo an trả lời:
“Công việc làm thêm giờ của sĩ quan cảnh sát sẽ chỉ được thực hiện trong những trường hợp không thể tránh khỏi, và sẽ bị hạn chế nghiêm ngặt bởi ‘Quy lệ sự vụ công vụ viên’, ‘Thông cáo cục sự vụ công vụ viên số 18/2000’ và các yêu cầu của cảnh sát nội bộ có liên quan.
Bình thường công việc làm thêm giờ sẽ được bồi thường bằng ngày nghỉ phép thêm, nếu không còn cách nào hay không có khả năng tiến hành nghỉ phép trong vòng 30 ngày kể từ khi làm ngoài giờ, chính quyền có thể sẽ phê duyệt trợ cấp làm việc ngoài giờ cho nhân viên đủ điều kiện”.
Cục Bảo an cũng tuyên bố rằng, “Quy lệ sự vụ công vụ viên” quy định rằng công chức có thể làm việc ngoài giờ nhiều nhất tới 60 giờ trong một tháng, tuy nhiên, “Thông tư” cũng quy định rằng các ban ngành “phải có tính linh hoạt, có thể làm thêm quá giờ giới hạn trong những tình huống khẩn cấp, thực sự cần thiết”.
Cục Bảo an cho rằng, kể từ tháng 6 đến nay, Hồng Kông đã xảy ra hơn 900 vụ biểu tình và các hoạt động quần chúng khác, và mô tả “trong đó có rất nhiều vụ biến thành hành vi vi phạm pháp luật, bạo lực”, cho rằng các sĩ quan cảnh sát phải làm thêm giờ để đáp ứng nhu cầu hoạt động.
Theo các tài liệu do Chính phủ Hồng Kông đệ trình lên Hội Lập pháp, nếu việc điều chỉnh lương cho công chức được Ủy ban Tài vụ phê duyệt vào năm 2019-2020, chi tiêu tài chính của chính phủ cho năm đó sẽ tăng thêm 12,4 tỷ NDT, trong đó tỷ lệ của lực lượng cảnh sát là 8,1% (khoảng 1 tỷ NDT). Chính phủ Hồng Kông cũng đã từ chối đề nghị xem xét độc lập chi tiêu của cảnh sát.
Tin tức liên quan đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi giữa người dân Hồng Kông, họ phản đối Hội Lập pháp thông qua các khoản chi. Có người dân Hồng Kông cho rằng, trong nửa năm nay, cảnh sát không chỉ sử dụng bạo lực quá độ, nhiều lần đánh đập, đàn áp những người dân tay không tấc sắt, mà còn điều động một số lượng lớn cảnh sát phòng thủ mỗi khi có những hoạt động quần chúng, mức độ vũ lực được áp dụng hoàn toàn không tương thích với hành vi của người dân, “Đưa cho bọn họ tiền làm thêm giờ để họ đánh đập người dân hăng say hơn”.
Cũng có người dân nhắc đến chuyện những tháng gần đây có những trường hợp nghi ngờ về quân đội đồn trú và công an Trung Quốc đóng giả cảnh sát Hồng Kông, “Nói không chừng đều lấy tiền phát lương cho bọn họ rồi”.
Có người dân đề cập đến một cuộc thăm dò do “Sở nghiên cứu dân ý Hồng Kông” thực hiện cách đây vài tháng: “40% người Hồng Kông đánh giá 0 điểm cho cảnh sát, còn dùng số tiền của người nộp thuế đi nuôi họ, các ông khiến những công chức khác làm sao chịu nổi”;
“Không cần chịu trách nhiệm cho việc đánh người, giết người, cưỡng hiếp, cướp bóc, Chính phủ Hồng Kông dùng công quỹ hỗ trợ cho cảnh sát gây hại hoặc thậm chí là giết người dân, công lý ở đâu! Người Hồng Kông nhất định phải phản kháng!”.
Minh Huy (Theo Secretchina)