Thương mại điện tử: Đào vàng hay bán xẻng?
ICTnews – Giám đốc điều hành GrabTaxi Việt Nam cho rằng, trong khi mọi người đi đào vàng thì công ty anh đi bán xẻng.
Trong hội thảo Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trên di động: Future Now do Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công thương) tổ chức hôm 14/8/2015, Giám đốc điều hành GrabTaxi Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh có bài trình bày khá thu hút với lối nói chuyện hài hước và dễ hiểu. Ông Tuấn Anh mở màn bài phát biểu bằng việc so sánh sự bùng nổ TMĐT tại Việt Nam với hiện tượng cả nước Mỹ đổ xô đi đào vàng nhiều năm trước đây. Ông Tuấn Anh cho rằng trong khi mọi người đô xô đào vàng để làm giàu thì có những người khác đi bán cuốc, bán xẻng phục vụ nhu cầu đào vàng, và những người này cũng có thể trở nên giàu có. Dựa trên tư duy đó, ông Tuấn Anh cho rằng thay vì trực tiếp buôn bán, nhiều người vẫn có thể làm giàu khi triển khai các hình thức kinh doanh bổ trợ TMĐT như thanh toán, giao nhận, kho… Ông Tuấn Anh cho biết GrabTaxi ra mắt dịch vụ GrabExpress dựa trên triết lý kinh doanh trên.
Ông Tuấn Anh cho biết trong quá trình kinh doanh, GrabTaxi thấy nhiều cửa hàng buôn bán online tận dụng dịch vụ GrabBike để giao nhận hàng hóa nên từ đó công ty cho ra mắt dịch vụ GrabExpress. Đây là ứng dụng tương tự GrabTaxi nhưng phục vụ khách hàng là các cửa hàng buôn bán trên mạng, giúp những chủ cửa hàng này giao hàng cho khách mua hàng online. Ông Tuấn Anh cho rằng thay vì phục vụ giao hàng cho các đối tác lớn như Sendo.vn, Zalora… thì các công ty có thể chọn giao hàng cho khoảng 30 ngàn cửa hàng nhỏ lẻ đang kinh doanh trên mạng; đối với các hình thức kinh doanh khác cũng có thể áp dụng triết lý này. Di động là sống còn Nói tại buổi hội thảo, ông Trần Hải Linh – CEO sàn thương mại điện tử Sendo – cho rằng việc các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử xây dựng nội dung cho di động là yếu tố sống còn chứ không phải là nên làm hay không. Ông Linh dẫn số liệu cho biết hiện nay 60% khách hàng truy cập Sendo bằng điện thoại di động, ông dự báo trong năm 2016 ¾ khách hàng Sendo sẽ truy cập bằng điện thoại di động và có thể chiếm 50% doanh thu. Tuy vậy, theo ông Linh, đối với các cửa hàng nhỏ hay doanh nghiệp chưa có tiềm lực, việc xây dựng một ứng dụng dành riêng cho di động là chưa cần thiết. Để tham gia thương mại điện tử, theo ông Linh, người kinh doanh ban đầu chỉ cần xây dựng một responsive website (website có thể tự điều chỉnh để phù hợp với kích cỡ màn hình di động) để phục vụ đa số đối tượng người dùng. Sau đó, trong quá trình kinh doanh phải tư duy phục vụ người dùng di động trước tiên (think mobile), ví dụ phải thiết kế email quảng bá, nội dung web, quảng bá… phù hợp với nội dung di động. Cuối cùng, bước thứ 3, khi cảm thấy vẫn còn có thể mở rộng khách hàng và đủ tiềm lực thì mới bắt đầu xây dựng ứng dụng dành riêng cho di động.
Cùng triết lý think mobile như Sendo, mở màn hội thảo, bà Vũ Hoàng Yến – Giám đốc marketing sàn bán hàng thời trang Zalora – cho biết Zalora đã xây dựng ứng dụng dành riêng cho di động ngay từ rất sớm. Bà Yến cho biết khách hàng dùng ứng dụng cài trên điện thoại là những khách hàng trung thành, sẵn sàng bỏ tiền mua sản phẩm (vì những khách hàng này đã bỏ công cài ứng dụng). Tuy vậy, theo bà Yến, Zalora đã tốn khá nhiều chi phí quảng bá mới có thể thu hút khách hàng cài ứng dụng Zalora trên điện thoại. Bà Yến cho biết Zalora rất chú trọng đến người dùng di động khi nội dung quảng bá, đồ họa, hình ảnh, nội dung web đều được tối ưu để phục vụ người dùng di động. Bà Yến thông tin thêm, hiện nay người dùng truy cập di động và trên app cua Zalora đang chiếm khoảng một nửa tổng khách hàng, doanh thu từ lượng người dùng này cũng chiếm ½ doanh thu tổng.
Hội thảo Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trên di động: Future Now nằm trong khuôn khổ Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) do Bộ Công thương tổ chức. Năm nay, Ngày mua sắm trực tuyến tổ chức vào 4/12/2015. |
Theo ICTNews