Thủ tướng Merkel trì hoãn cho Huawei tham gia mạng 5G ở Đức
Hôm 20/1, Reuters dẫn các nguồn tin thân cận với chính phủ Đức cho biết, Thủ tướng Angela Merkel đã yêu cầu các nhà lập pháp đợi đến hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 3 rồi mới đưa ra quan điểm về việc Huawei có thể tham gia triển khai mạng 5G tại Đức hay không.
Theo Sputnik, bà Merkel đã yêu cầu các nghị sĩ chờ đợi thêm và cho biết chỉ đưa ra quyết định về vấn đề Huawei sau hội nghị Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào tháng 3 tới tại Bỉ. Trong hội nghị này, các lãnh đạo EU sẽ thảo luận về việc có cho phép Huawei tham gia mạng viễn thông châu Âu hay không.
“Bà Merkel cho rằng sự phối hợp của EU về vấn đề này rất quan trọng và bà hiện chưa vượt qua được những bất đồng trong liên minh cầm quyền về Huawei”, nguồn tin cho hay.
Được biết, bà Merkel dường như đã thay đổi ý kiến xung quanh câu chuyện Huawei. Do không tìm được tiếng nói chung với các thành viên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) nên bà đã quyết định hoãn lại quyết định cấp phép cho Huawei được tham gia vào xây dựng hạ tầng mạng 5G ở Đức. Bà cũng ủng hộ các yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt đối với mạng 5G.
Hồi tháng 2/2019, bà Merkel đã đưa ra điều kiện với Huawei. Đức cần Huawei đảm bảo rằng hãng này sẽ không bàn giao dữ liệu cho Trung Quốc trước khi được cấp phép tham gia thầu hạ tầng mạng 5G ở Đức.
Bà Merkel cho rằng vấn đề an ninh là quan trọng nếu các công ty muốn làm việc ở Đức và phải làm rõ rằng Bắc Kinh không thể truy cập tất cả dữ liệu trong các sản phẩm của Trung Quốc.
Bà Merkel từng được cho là chính trị gia phân minh và khéo léo khi muốn làm vừa lòng các bên gồm Mỹ và Trung Quốc. Chính phủ Đức đến nay vẫn chưa đạt được lập trường chung về việc có nên theo các quốc gia phương Tây khác trong việc loại bỏ Huawei khỏi thị trường vì an ninh quốc gia hay cho phép hợp tác với tập đoàn này.
Mạng 5G là thế hệ tiếp theo của công nghệ Internet di động, được thiết kế để cung cấp tốc độ dữ liệu siêu nhanh. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về các nhà cung cấp công nghệ 5G đã bị chính trị hóa trong thời gian đây, với việc các quan chức ở Anh và Mỹ và một số các quốc gia khác, bày tỏ lo ngại rằng các nhà cung cấp như Huawei có thể gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia.
Huawei, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới đang bị Mỹ nghi ngờ có cơ chế “cửa sau” cho phép tin tặc chính phủ Trung Quốc đánh cắp thông tin. Mối lo ngại này là có cơ sở vì các cơ quan an ninh Hoa Kỳ cho rằng Huawei từng có ”tiền án tiền sự” liên quan đến đánh cắp thông tin và công nghệ của nước này.
Với nguy cơ rò rỉ dữ liệu cùng khả năng trở thành công cụ gián điệp, các sản phẩm điện thoại của Huawei ngày càng mất điểm trên đất khách. Hồi tháng 10/2019, Australia cũng đã ngăn cấm Huawei tham gia dự án xây dựng hạ tầng mạng 5G tại nước này.
Ngoài ra, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước phương Tây như Anh, Pháp, Canada và New Zealand cũng tuyên bố không cho phép Huawei tham gia vào các dự án mạng 5G vì nghi ngờ chính phủ Trung Quốc dùng các sản phẩm của Huawei để theo dõi người dân trên toàn thế giới.
Thiện Thành (t/h)