Thời cơ đã điểm, liệu Việt Nam có chớp lấy để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc?
Cùng là nạn nhân của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam – vùng đất “Thăng Long” hiện đang nổi lên như một lựa chọn hàng đầu của Ấn Độ để thay thế Trung Quốc. Vậy, chúng ta nên làm gì để nắm bắt thời cơ hiếm hoi này và thoát khỏi sự lệ thuộc vào chính quyền Trung Quốc?
Kể từ cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Ladakh, chính phủ Ấn Độ mạnh mẽ kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng áp đặt các quy định chặt chẽ hơn về chính sách nhập khẩu đối với sản phẩm từ chính quyền độc tài.
Dù vậy, bởi vì quá phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc để phát triển điện tử và viễn thông, chính phủ Ấn Độ mới đây cũng vấp phải những lập luận phản đối việc tách khỏi chính quyền Trung Quốc.
Để giảm sự phụ thuộc nhập khẩu vào Trung Quốc, Ấn Độ có thể tìm các giải pháp thay thế Trung Quốc hoặc phát triển chuỗi cung ứng nội địa bằng cách tăng sản lượng, hoặc là kết hợp cả hai phương án.
Thay thế nhập khẩu sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất tại nước tiêu thụ và có thể tạo ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong nước, giúp họ bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài để chuyển giao công nghệ và tránh rủi ro đầu tư vốn.
Trong khi đó, các mặt hàng của Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong giao dịch xuất nhập khẩu với Trung Quốc.
Tính riêng 5 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch Vũ Hán, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đạt hơn 44,35 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nông sản… là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, tình hình nhập khẩu sang Trung Quốc hiện đang “không mấy sáng sủa”, đơn cử một ví dụ mới đây là tình trạng xuất, nhập khẩu than của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Việt Nam nhập than nhiều nhất từ 3 thị trường lớn là Indonesia, Nga và Trung Quốc. Trong đó, lượng than nhập từ Trung Quốc về Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 với giá khoảng 6,2 triệu đồng/tấn, tức là gấp gần 5 – 6 lần so với giá than mà Indonesia cung cấp (1,1 triệu đồng/tấn).
Làm thế nào để Việt Nam nắm bắt thời cơ này?
Giữa bối cảnh quan hệ hai nước Việt – Ấn với Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng, Việt Nam đang nhanh chóng “nổi lên” như một sự thay thế cho Trung Quốc.
Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ (US Census Bureau), nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng 33% trong nửa đầu năm 2019. Giá nhân công thấp (thấp hơn gần 50% so với Trung Quốc) là một trong những đặc điểm thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Điều đáng chú ý là, chuyên môn lớn nhất của Việt Nam là sản xuất điện tử, vừa hay lại đáp ứng nhu cầu rất cấp thiết của Ấn Độ để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, khi mà có khoảng 38 – 39% tổng kim ngạch nhập khẩu thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông của Ấn Độ là từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sở hữu các chuyên môn khác như dệt may và đồ nội thất…
Hơn nữa, quan hệ Việt – Ấn đã đạt được một bước ngoặt lịch sử khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viếng thăm Việt Nam vào tháng 9/2016, đây là chuyến công du đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tại Việt Nam sau 15 năm.
Hiện tại, quan hệ Việt – Ấn cũng đang “bùng lên” mạnh mẽ, khi mà cả hai quốc gia đều trở thành “nạn nhân” của chính quyền Trung Quốc trên Biển Đông.
Như vậy, xét cả về lợi ích trong mối quan ngoại giao, chuyên môn cũng như chi phí cho công nhân tại Việt Nam, Việt Nam đang chiếm thế thượng phong để có thể trở thành đối tác hàng đầu của Ấn Độ, đặc biệt là khi hai quốc gia chọn lựa cùng đi trên một con thuyền, tức là Việt Nam cắt đứt mối quan hệ với chính quyền Trung Quốc.
Lương Phong (t/h)