Thỏa thuận Minsk và cú sốc mang tên tổng thống Ukraine
TPO – Thực trạng lệnh ngừng bắn Minsk 2 ở miền Đông Ukraine vừa được phơi bày qua bài viết của nhà báo Tom Burridge. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko ngày 11/5 tuyên bố, sẽ chiếm lại sân bay Donetsk bằng bất cứ giá nào.Tuyên bố này, khiến Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry phải giật mình cảnh báo, ông Poroshenko nên “động não” trước khi chiếm lại Donetsk.
Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko muốn dành lại sân bay Donetsk? Minsk 2 bị vi phạm trắng trợn
Hôm 12/5, BBC đã đăng tải bài viết của nhà báo Tom Burridge- người đã dành cả tháng ở khu vực giao tranh. Theo đó, các cuộc giao tranh vẫn diễn ra hàng ngày và mặc dù không bên nào phải chịu tổn thất quá cao kể từ giữa tháng Hai, nhưng hôm 6/5, quân đội Ukraine cho biết có 5 binh sĩ thiệt mạng và 12 binh sĩ bị thương chỉ trong một ngày. Làng Shyrokyne, phía đông thành phố cảng Mariupol đang phải hứng chịu những trận giao tranh khốc liệt nhất. Bên cạnh đó, tình hình ở phía tây bắc Donetsk, xung quanh làng Pisky (Ukraine kiểm soát) và làng Spartak (ly khai kiểm soát) cũng rất căng thẳng. Theo tuyên bố từ cả phía chính phủ và ly khai Ukraine cũng như thực thế giao tranh vẫn đang tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn thì nhiều người cho rằng việc xung đột bùng phát lại chỉ còn là vấn đề thời gian. Quân ly khai vẫn tiếp tục tuyên bố mục tiêu kiểm soát toàn bộ hai khu vực miền Đông Ukraine là Donetsk và Luhansk. Nhiều nguồn tin khác cũng khẳng định, dù thỏa thuận Minsk 2 đã được ký kết vào tháng 2 nhưng tiếng súng vẫn chưa ngừng ở miền Đông đất nước. Các bên liên tục tố cáo lẫn nhau phá hoại Hiệp định ngừng bắn, trong đó các tiểu đoàn tiễu phạt “tư nhân” do các tỷ phú Ukraine thành lập và đỡ đầu là trung tâm của những cáo buộc trên. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, Eduard Basurin cho biết, nhiều nhóm biệt kích phá hoại do quân đội và an ninh Ukraine thành lập đang hoạt động dọc theo biên giới giữa khu vực do Kiev và DPR kiểm soát. Một khu vực bị tan hoang vì đạn pháo ở Donetsk.
Tổng thống Ukraine muốn lấy lại sân bay Donetsk Ngày 11/5, Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko tuyên bố sẽ chiếm lại sân bay Donetsk bằng bất cứ bất cứ giá nào bất chấp thực tế rằng, nếu làm vậy sẽ trực tiếp vi phạm thỏa thuận Minsk. Tháng trước, trong một cuộc phỏng vấn, ông Petro Poroshenko cũng nhấn mạnh rằng: “Cuộc chiến tranh tại miền đông sẽ thực sự kết thúc khi Ukraine lấy lại Donbass và Crimea”. Trước những hành động của tổng thống Ukraine, trong cuộc họp báo hôm 12/5, Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry cảnh báo, bất kỳ hành động nào như vậy sẽ vi phạm các cuộc đàm phán hòa bình và sẽ không nhận được sự ủng hộ từ Washington. Trước đó, cả Hoa Kỳ và Nga đều nhất trí rằng, việc ủng hộ thỏa thuận Minsk là cách chắc chắn nhất để mang lại hòa bình cho Ukraine. Chính vì vậy, bất cứ hành động khiêu khích nào cũng không thể được chấp nhận. Bên cạnh đó, ngoại trưởng Kerry cũng kêu gọi tổng thống Poroshenko tôn trọng các thỏa thuận ngừng bắn và cần phải “động não” trước khi sử dụng lực lượng quân sự tại Donbass cũng như là phát ngôn trước giới truyền thông.
Xung đột ở miền Đông Ukraine có nguy cơ lớn bùng phát trở lại. Kế sách của Washington
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, nền kinh tế Ukraine sẽ giảm tới 5,5% trong năm nay. Nếu không có sự hỗ trợ đáng kể từ các đồng minh Mỹ và châu Âu, Ukraine sẽ rất khó có đủ tài chính để đối đầu với ly khai. Tình hình kinh tế ở khu vực do ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine cũng rất ảm đạm. Nhiều người trẻ tuổi đã rời bỏ nơi đây khiến cho số người trong độ tuổi lao động giảm mạnh. Trong khi đó, những người cao tuổi thì không thể nhận lương từ Kiev. Các ngân hàng đều dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Vì lẽ đó, Chính phủ Ukraine có thể sẽ chuyển những gánh nặng từ hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk cho Moscow. Trong khi đó, với tình hình kinh tế ảm đạm, ly khai có thể sẽ càng thêm quyết tâm chiếm thêm thành phố cảng Mariupol hoặc các khu vực có nền công nghiệp phát triển khác để khiến cho các khu vực mình kiểm soát có giá trị hơn. Tuy nhiên, một cuộc tấn công của quân ly khai có thể khiến mọi thứ thay đổi. Tổng thống Mỹ Obama có thể sẽ phải buộc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Hồi đầu tháng 5, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Italia Paolo Dzhentiloni tuyên bố, tuy nước này ủng hộ Kiev, nhưng trong tình trạng hiện nay, chính quyền Ukraine cần phải thực hiện các cải cách kinh tế và hiến pháp cần thiết, kể cả cấp quyền tự trị cho Donbass. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Italia thẳng thắn nhận định, tình hình ở Ukraine hiện nay rất bất ổn và không có dấu hiệu được cải thiện. Trong cuộc họp báo mới đây với Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định chính quyền Kiev là nhân tố chính trong việc giải quyết khủng hoảng ở Ukraine. “Sự thành công của thỏa thuận hòa bình Minsk phụ thuộc chủ yếu vào những người đang nắm quyền lực, đó là chính quyền Kiev. Đổi lại, Nga sẽ cố gắng tạo sự ảnh hưởng đối với chính quyền ly khai ở khu vực Donetsk và Lugansk. Chúng tôi tin rằng Kiev cần bỏ sự phong tỏa kinh tế với khu vực Donbass, khôi phục hệ thống ngân hàng và tiến hành cải cách hiến pháp với sự đóng góp ý kiến của khu vực đông nam đất nước”, Tổng thống Putin nói. |
Theo Tiền Phong