Thị trường toàn cầu “đỏ lửa” sau trưng cầu dân ý ở Hy Lạp
“Cú sốc” từ kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp đã khiến thị trường tài chính châu Á biến động mạnh sáng ngày 6/7…
Ngay lúc mở cửa, chỉ số Nikkei của thị trường chứng khoán Nhật đã mất 1,6% – Ảnh: AP. “Cú sốc” từ kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp đã khiến thị trường tài chính châu Á biến động mạnh sáng ngày 6/7. Giá dầu thô, đồng Euro, và các chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm sâu, trong khi giá các tài sản an toàn đi lên.
“Tâm lý lo ngại rủi ro đang chiếm ưu thế khi thị trường phản ánh trước vào giá các tài sản khả năng Hy Lạp phải ra khỏi khối Eurozone”, ông Tim Condon, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á của ngân hàng ING, nhận xét. Theo ING, khả năng Hy Lạp ra khỏi khối sử dụng đồng tiền chung đã lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 50%. Ngay lúc mở cửa, chỉ số Nikkei của thị trường chứng khoán Nhật đã mất 1,6%, dẫn đầu là sự sụt giảm của cổ phiếu các công ty xuất khẩu và ngân hàng lớn. Tuy nhiên, sau đó, mức giảm của chỉ số này đã thu hẹp sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tuyên bố sẽ có biện pháp chống lại biến động mạnh của thị trường. Thống đốc BoJ Kuroda nói rằng các định chế tài chính của Nhật Bản nắm giữ không đáng kể nợ của Hy Lạp và rằng Chính phủ Nhật đang thảo luận các biện pháp nhằm đảm bảo phản ứng “êm dịu” của thị trường trước cuộc khủng hoảng nợ của Athens. Tại thị trường Australia, chỉ số S&P ASX 200 mất gần 2%, với sự sụt giảm mạnh nhất thuộc về các cổ phiếu ngành khai mỏ như BHP Billiton và Fortescue Metals. Trái với xu hướng giảm điểm của các thị trường lớn trong khu vực, chứng khoán Trung Quốc tăng điểm mạnh phiên sáng nay sau khi nhà chức trách nước này vào cuối tuần vừa rồi tung loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ vào cuối tuần nhằm ngăn đà sụt giảm chóng mặt của giá cổ phiếu. Chỉ số Shanghai Composite Index có thời điểm tăng 7% trong phiên giao dịch buổi sáng, sau khi giảm gần 30% trong 3 tuần qua. Trên thị trường hàng hóa cơ bản, mức giảm mạnh nhất thuộc về dầu thô. Đầu ngày, giá dầu thô ngọt nhẹ giao dịch điện tử trên sàn NYMEX ở New York giảm hơn 3%, còn 54,44 USD/thùng. Giá dầu Brent thị trường London giảm gần 1%, còn 59,35 USD/thùng. Hiện giá dầu đang ở mức thấp nhất trong khoảng 2 tháng. Không chỉ bi quan với tin từ Hy Lạp, giới đầu tư “vàng đen” còn lo ngại trước số liệu công bố hôm thứ Sáu cho thấy hoạt động khoan tìm dầu của Mỹ tăng trong tuần trước, đánh dầu tuần tăng đầu tiên sau 29 tuần giảm liên tục. Trong cuộc trưng cầu dân ý mang tính quyết định đối với số phận của Hy Lạp được tổ chức ngày 5/7, người dân nước này đã bỏ phiếu chống lại đề xuất của chủ nợ về tăng cường chính sách “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy tiền cứu trợ. Nhu cầu nắm giữ vàng có chiều hướng tăng lên trước bất ổn ở Hy Lạp. Giá vàng sáng nay có lúc tăng 0,6%, sau đó mức tăng thu hẹp còn khoảng 0,2% và vàng giao ngay tại châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.170 USD/oz. Trong nước, giá vàng miếng giảm nhẹ so với cuối tuần. Giá vàng SJC tại Tập đoàn DOJI lúc 9h30 đứng ở 34,28 triệu đồng/lượng (mua vào) và 34,32 triệu đồng/lượng (bán ra), thấp hơn 10.000 đồng/lượng so với cuối tuần. Giá vàng trong nước hiện đang thấp nhất từ đầu tháng 11/2010, tức là trong hơn 4 năm rưỡi trở lại đây. So với giá vàng quốc tế quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng. Trên thị trường ngoại hối, đồng Euro mất giá 1% so với cả đồng Yên và đồng USD. Tỷ giá đồng Euro so với Yên đã giảm xuống 133,67 Yên/Euro, mức thấp nhất trong 6 tuần; tỷ giá Euro so với USD còn dưới 1,1 USD/Euro, gần thấp nhất trong 1 tháng. Hai đồng tiền an toàn là Yên và Franc Thụy Sỹ cùng tăng giá. Trong đó, đồng Yên có lúc tăng lên mức 121,72 Yên đổi 1 USD, còn đồng Franc Thụy Sỹ tăng giá 0,3% so với đồng bạc xanh. Trong nước, giá USD niêm yết tại Ngân hàng Vietcombank ổn định ở mức 21.770 đồng (mua vào) và 21.830 đồng (bán ra). 62% cử tri Hy Lạp nói “không” với đề xuất mới nhất của chủ nợ về cắt giảm chi tiêu và tăng thuế… Cuộc khủng hoảng nợ đang đẩy Hy Lạp tới bờ vực phá sản và khiến cuộc sống của người dân nước này bị đảo lộn hoàn toàn… Trong trường hợp Hy Lạp rời Eurozone, khoản nợ này sẽ trở thành gánh nặng với các nước khác trong khối… |
Theo VnEconomy