‘The Simpsons’ tiếp tục dự đoán chính xác Canada hợp pháp hóa cần sa
Dường như bộ phim hoạt hình “The Simpsons” lại một lần nữa đi trước thời đại, khi lời dự đoán về việc Canada sẽ cho phép sử dụng cần sa tự do từ 13 năm trước nay đã trở thành sự thực.
“Gia đình Simpson” (The Simpsons) là bộ phim hoạt hình kinh điển của nước Mỹ thu hút hàng triệu người xem trên toàn thế giới. Bộ phim hài gia đình này nổi tiếng với nội dung khá chua cay và thâm nho đối với các vấn đề xã hội, chính trị.
Ngoài nội dung thú vị, một trong những điểm thu hút của gia đình Simpson là việc bộ phim đã dự đoán được nhiều câu chuyện xảy ra trong tương lai. Mới đây, bộ phim này lại khiến nhiều người kinh ngạc khi đưa ra dự đoán chuẩn xác việc Canada hợp pháp hóa cần sa.
Cụ thể, ngày 17/10/2018 là ngày người dân Canada vui mừng vì luật hợp pháp hóa cần sa đã được thông qua và có hiệu lực chính thức. Mặc dù việc này được thảo luận mới cách đây 2 năm, nhưng nó lại được tiên tri từ 13 năm trước trong một tập phim “The Simpsons” năm 2005 có tên “Midnight Rx”.
Trong tập phim này, ông Montgomery Burns bắt đầu một loạt phản ứng dây chuyền làm giá thuốc ở thành phố Springfield, bang Illinois tăng lên một cách chóng mặt.
Homer và Grampa Simpson từ quê hương Springfield, Mỹ đến Canada để mua thuốc. Họ đi đến vùng đất Manitoba, Ontario, Canada để tìm kiếm các cửa hàng bán thuốc với giá rẻ hơn.
Ngoài ra, trong chuyến đi tiêp theo của họ còn có sự tham gia của Apu và Ned Flanders, người láng giềng sùng đạo gương mẫu.
Trong khi họ đang chuyển những thùng thuốc lên xe, Ned gặp được phiên bản Canada của mình, được xây dựng với mái tóc xoăn, và là ông chủ cửa hàng. Hai người nói chuyện rất hợp nhau, nhưng sau đó Ned lập tức thay đổi thái độ khi người đàn ông Canada rút một điếu cỏ hình dạng giống điếu cần sa ra khỏi túim, và mời gia đình Simpson hút: “Các ông có muốn làm hơi không? Nó hợp pháp ở đây đấy!“.
Ned nhanh chóng đáp rằng: “Họ cảnh báo với tôi, quỷ sa tăng rất quyến rũ. Đi nào!”.
Đáng chú ý là câu nói “Nó hợp pháp ở đây!” đã khiến nhiều người rùng mình vì sự tiên đoán như thần của các nhà biên kịch phim “The Simpsons”.
Trên thực tế, đây không phải là lần duy nhất The Simpsons dự đoán tương lai một cách kỳ lạ như vậy. Đáng chú ý nhất là từ tận năm 2000, bộ phim đã dự đoán ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Tập phim “Bart – the future” đã vẽ nên viễn cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng bằng cách đẩy câu chuyện tới thế giới tương lai. Lúc đó Lisa, cô em gái của Bart đã trở thành một thượng nghị sĩ, rồi liền đó trở thành Tổng thống nữ đầu tiên của nước Mỹ (với ngoại hình trùng khớp đến đáng sợ với bà Hillary Clinton).
Lisa cũng tuyên bố trong tập phim này rằng, chính quyền hiện tại đang được thừa hưởng rất nhiều tiền từ tổng thống tiền nhiệm, ngài… Donald Trump, với ẩn ý rằng ông Trump đã đắc cử trước mình một nhiệm kỳ.
Và vào hôm 17/10 vừa qua, người hàng xóm ở phía Bắc Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia phát triển đầu tiên hợp pháp hóa cần sa sau lệnh cấm gần một thế kỷ. Đây chính là kết quả của một sự thúc đẩy kéo dài 2 năm do chính quyền thủ tướng Justin Trudeau thực hiện.
Hầu hết những người nhiệt tình đã rất hồ hởi về việc chấm dứt lệnh cấm, nhưng một số khác lại bày tỏ sự thất vọng do không thể mua cần sa trong những ngày đầu tiên nó được hợp pháp hóa theo quy định.
Vì dù các cửa hàng phân phối cần sa đã tăng tốc sản xuất để theo kịp nhu cầu của người dân trong nước, nhưng họ vẫn buộc phải thông báo cháy hàng cho những người chậm chân đến mua. Và tình trạng này gần như xảy ra tại tất cả cửa hàng mua bán lớn nhỏ cần sa trong những ngày đầu tiên.
Một trở ngại khác nữa mà giá bán cần sa tương đối cao, từ 5,25 đô la Canada/gram tại thành phố Quebec cho đến 18,99 đô la Canada/gram ở thành phố Saskatchewan. Nhưng so với thị trường chợ đen thì giá bán trung bình trong năm 2017 giảm 6,79 đô la Canada/gram.
Thống kê cho thấy, vào ngày 17/10, tại tỉnh đông dân nhất của Canada là Ontario đã có đến 38.000 đơn đặt hàng cần sa được xử lý trong vài giờ đầu tiên. Cùng lúc đó, ở thành phố Quebec bên cạnh có hơn 42.500 đơn đặt hàng cần sa, trong đó có đến 30.000 đơn đặt hàng được giải quyết trực tuyến, trong khi 12.500 người còn lại phải đứng xếp hàng ở những nơi phân phối. Con số này đã vượt xa mọi dự đoán.
Ngay lập tức tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng cần sa đã được báo cáo ở các tỉnh Newfoundland và Saskatchewan, cũng như phần lãnh thổ Bắc cực của tỉnh Nunavut.
Một số nhà bán lẻ trực tuyến bao gồm cả cổng thông tin của chính phủ Ontario đã cảnh báo khách hàng rằng, ngay cả khi họ làm việc đến tận khuya với các đơn đặt hàng thì việc vận chuyển hàng vẫn có thể chậm trễ đến 5 ngày.
Tú Văn, theo Daily Mail