Thảm sát 6 người ở Bình Phước: Nhóm công nhân ‘bị đuổi việc’ nói gì?
** Ông bà chủ đối xử rất tốt với công nhân
Nhóm công nhân cho biết mình tự động nghỉ việc vì tự ái do bị kỹ thuật cáu gắt vì cưa xẻ gỗ không đúng quy cách (từ trái qua phải: Thanh – Xuyến – Phú, sau lưng là Lẫy). Nhóm công nhân này gồm: Bùi Phong Phú (21 tuổi, ngụ Minh xã Hưng, huyện Chơn Thành Bình Phước, tổ trưởng bộ phận cưa xẻ), Phạm Văn Xuyên (19 tuổi, quê An Giang), Trần Văn Xoài, Nguyễn Xi Núc (cùng quê Đồng Tháp), Thạch Thanh (quê Bạc Liêu), Thượng Chế Lẫy ( quê H. Hớn Quản, Bình Phước) và anh Hiếu (xã Minh Hưng, H.Chơn Thành).
Phóng viên: Các anh làm việc tại Công ty Quốc Anh của ông Lê Văn Mỹ bao lâu rồi ? Ông bà chủ đối xử với các anh như thế nào?
Nhóm công nhân: Chúng tôi người thì vào trước người vào sau. Làm lâu nhất là anh Phú (7 năm), còn những người khác từ 3 – 4 năm. Còn tổ cưa xẻ gồm 7 người chúng tôi thì bắt đầu làm từ đầu năm 2015 đến nay do máy này mới lắp đặt. Ông bà chủ đối với chúng tôi rất tốt, không hề có xích mích hay đòi đuổi việc chúng tôi.
Vì sao các anh bị đuổi việc và cả 7 người đều bỏ việc một lúc?
Chiếc xe đẩy mà con của vợ chồng anh Phú là do bà chủ xấu số mua tặng. Chúng tôi không bị đuổi. Làm ở công ty thì rất thoải mái, lương trung bình từ 7 – 8 triệu nên sống cũng được, ông bà chủ cũng tốt nữa. Nhưng do chúng tôi cưa xẻ gỗ không đúng quy cách nên thường bị anh kỹ thuật nói “nghỉ, nghỉ đi cho rồi”. Chúng tôi vốn không ưa anh này từ lâu nên khi nghe nói vậy thì tự ái nổi lên và cùng nhau bỏ việc chứ không phải bị đuổi.
Sau khi bỏ việc các anh làm gì?
Chúng tôi nghỉ làm từ ngày 17.6, ở nhà mấy ngày rồi đi xin chỗ khác làm. Tôi (anh Phú) cùng với Xuyên, Xoài, Thanh tới xin làm xưởng gỗ của một công ty ở xã Thanh An (H. Hớn Quản, Bình Phước). Còn anh Hiếu, Xi Núc ở lại xưởng gỗ Quốc Anh nhưng làm ở máy khác. Riêng anh Lẫy thì làm ở xưởng gỗ Phước Hải (xã Tân Khai, H. Hớn Quản, Bình Phước).
Hôm xảy ra án mạng ở Công ty Quốc Anh (rạng sáng ngày 7.6) các anh đi đâu? Tới khi nào thì biết tin về vụ án mạng?
Ngày 6.7 chúng tôi gồm Phú, Xuyên, Xoài, Thanh và một số người khác tới xưởng gỗ ở xã Thanh An làm việc. Nhưng do thiếu người nên chúng tôi không làm mà ở lại sửa máy tơí10 giờ cùng ngày thì nghỉ. Cả chiều ngày 6.7 chúng tôi đi làm việc riêng mỗi người một nơi, tối thì về ngủ ở phòng trọ chứ không đi đâu. Khoảng 8 giờ 30 sáng 7.7, khi tới xưởng gỗ ở Thanh An làm việc thì được vợ báo là cả nhà ông Mỹ đã chết. Chúng tôi bỏ việc chạy về thì thấy cảnh tượng cả gia đình bị giết quá kinh hoàng và dã man.
Con đường ông chủ Công ty Quốc Anh triển khai làm đang trong giai đoạn dang dở thì cả gia đình gặp nạn
Trước thông tin nghi vấn các anh có liên quan đến vụ án mạng, các anh nghĩ sao?
Công an có tới đây hỏi rồi, có thế nào chúng tôi khai như thế chứ chúng tôi gan nào dám làm những chuyện tày đình như vậy. Cả nhóm 7 người đều làm công nhân, lo làm cả ngày tối mệt về nghỉ chứ cũng không có chuyện rượu chè, cờ bạc gì. Hơn nữa ông bà chủ sống cũng rất tình cảm, lương bổng luôn sớm hơn hoặc đúng hẹn chứ không có lăn tăn khiến chúng tôi phải mâu thuẫn.
Chị Trần Thị Nhạn, vợ anh Bùi Phong Phú cho hay, vợ chồng anh làm việc tại công ty gần 7 năm nay. Khi chồng nghỉ việc, chị vẫn làm ở xưởng gỗ của ông Mỹ. Làm ở công ty nếu không làm được bị đuổi việc là chuyện thường xuyên. Một số bị đuổi vài tháng lại xin vô làm lại bình thường. Lúc đuổi chẳng qua là do ông bà chủ bực tức nhất thời, nhưng sau này thì xí xóa không để ý nên nhận vô làm tiếp. Xưởng gỗ của ông Mỹ làm nhiều cây, hàng nhiều nên không lo thất nghiệp.
“Khi tôi mang thai và cả lúc sinh con bà chủ vẫn thường qua cho tiền và quà. Mỗi lần bà ấy đi công tác về là lại mang quà qua cho. Ngay cả chiếc xe đẩy cho con tôi đang dùng cũng là của bà chủ mua cho”, chị Trần Thị Nhạn tâm sự.
Con đường nội bộ tại tổ 3, ấp 2, xã Minh Hưng (ở sát xưởng gỗ của Công ty Quốc Anh) dài khoảng 600 m đã được ông Lê Văn Mỹ, chủ công ty đầu tư tiền làm. Khoảng 200m đường đã đổ bê tông láng bóng, 400m còn lại đã được đổ đá dăm, kê nền đường lên cao. Khi công trình đang dang dở thì cả nhà gặp nạn.
Ôn Dũng, một người dân tại tổ 2 chia sẻ: “ Ông Mỹ bỏ tiền phối hợp với chính quyền xã làm, người dân chúng tôi không phải bỏ tiền. Con đường trước đây mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi bặm, ổ gà ổ vịt. Ông Mỹ đầu tư vừa có đường cho xe nhà ổng đi, người dân cũng được hưởng lợi chung”.
Tiểu Thiên |
Theo Thanh Niên