Tham quan Trung Quốc chết hàng loạt: Là tự sát hay bị diệt khẩu?
Trong bối cảnh ông Tập Cận Bình không ngừng đẩy mạnh chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, rất nhiều quan tham Trung Quốc đã chọn cách tự sát. Ngoại giới phân tích rằng, nguyên nhân có thể do sợ tội mà tự sát, hoặc bị diệt khẩu.
Chiến dịch chống tham nhũng được bắt đầu từ sau Sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), từ đó đến nay số lượng quan chức tự sát hoặc chết bất thường tăng vọt. Theo tin từ “Trung tâm thông tin nhân quyền dân chủ Trung Quốc” tại Hong Kong, chỉ trong năm 2016, có đến 1700 quan chức tự sát hoặc chết bất thường.
Trung tâm này còn cho biết, theo nhiều nguồn tin khác nhau và qua điều tra kiểm chứng đối với tình hình quan chức ĐCSTQ tự sát.
Năm 2015, số quan chức chết do tự sát là 1500 người; năm 2016 tăng lên 1700 người; còn 2017, dù chưa hết năm nhưng tình hình vẫn có chiều hướng tăng hơn so với năm trước.
Chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền là việc chưa từng có tiền lệ, quan chức tại Trung Quốc tự sát trở thành “phong trào”, tỷ lệ tự sát hàng năm tăng nhanh. Mặc dù trong thông báo được phía chính quyền đưa ra để giải thích nguyên nhân quan chức tự sát luôn nói là “do áp lực quá nhiều” hoặc “do chứng trầm cảm”, nhưng những lý do này không thể khiến công chúng tín phục.
Có nhiều đồn đoán được truyền tai nhau về nguyên do quan chức tự sát như “sợ tội tự sát”, “giết người diệt khẩu” và “nhân quả báo ứng”.
Tháng 1/2016, trên mạng xã hội Wechat đăng một bài viết có tựa đề “Xảy ra chuyện lớn và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật sắp đến rồi, những quan chức này có ‘n’ lý do tìm đến cái chết”, trong đó có đoạn: “Xảy ra chuyện lớn, nhưng quan chức lại chết rồi, chuyện lớn không chỉ giới hạn trong các vụ tai nạn, mà còn liên quan tới vụ án tham nhũng. Liên quan tới quan chức tham nhũng, sau khi họ để lộ tin tức hoặc dự cảm được bất trắc liền lựa chọn cái chết thảm”.
Bài viết lấy ví dụ, ngày 9/7/2014, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc, Lý Hải Hoa ngã từ phòng làm việc xuống và tử vong tại chỗ. Trùng hợp là, trong ngày hôm đó, Ủy ban kiểm tra kỷ luật tỉnh Hồ Bắc sẽ dẫn ông Lý Hải Hoa đi để điều tra.
Sau khi ông Lý nhảy lầu chết, Cục Công an thành phố Hiếu Cảm lên tiếng xác nhận, tại hiện trường ông có để lại di thư nói “bản thân mắc nhiều bệnh, thường xuyên cảm thấy khó chịu, nên chỉ có thể tự giải thoát”. Trong khi đó, có người nắm rõ tình hình lại cho biết, thực ra trong di thư, ông Lý yêu cầu chính quyền đối đãi tốt với người nhà của mình.
Bài viết còn nói, dù chết do tai nạn hay do bị điều tra, những người này lại lựa chọn tự kết kết liễu mạng sống trong khi sự việc vẫn trì hoãn chưa được giải quyết. “Nguyên nhân e là có rất nhiều, các vị đều nên hiểu. Năm 2016 vẫn tiếp tục ‘đả hổ diệt ruồi’, vẫn cần phải chú ý những con rắn mối này, nó rất đáng sợ”.
Trong dân chúng cũng đưa ra nhiều đồn đoán: “Đối với cái chết của những quan chức này, trên bề mặt dường như lấy cái chết để trốn tránh tội, nhưng nguyên nhân đằng sau có thể là vì để bảo vệ những tham quan có chức vị cao hơn; hoặc là bị thế lực có quyền thế cao hơn bức ép; hoặc là bị diệt khẩu, v.v”.
Nhà bình luận thời sự Hoành Hà cũng đưa ra phân tích về “phong trào” quan chức Trung Quốc tự sát, nguyên nhân bên trong chủ yếu cũng có thể do tự sát hoặc là do người khác ép buộc phải chết.
Hoành Hà nhận định, nếu nói là tự sát, nguyên nhân có thể nói là do áp lực chính trị lớn, ví dụ như bị điều tra, nhưng tình huống như thế này không có nhiều. Nguyên nhân tự sát như thế này thời Cách mạng Văn hóa có nhiều, bởi vì đa số là bị oan, nên trong tâm khó có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, hiện nay đa số quan chức ĐCSTQ đều biết rõ bản thân mình có tội.
Một nguyên nhân nữa có thể là do chịu tội thay người khác. Các phe phái trong nội bộ ĐCSTQ được hình thành chủ yếu là sự kết hợp nhóm lợi ích, do đó quan chức không thể nào vì lợi ích mà đi tự sát để bảo vệ người khác. Vì vậy, nếu như tự sát vì chịu tội thay người khác, có thể là do bị lấy tính mạng của người nhà hoặc tiền đồ con cái ra uy hiếp, nên bắt buộc phải đi tự sát.
Ông Yuan Yulai, một luật sư nổi tiếng ở tỉnh Chiết Giang cho biết, ông không ngạc nhiên khi nhiều quan chức, cán bộ nhà nước tự sát trước khi họ bị các thanh tra tham nhũng của ĐCSTQ thẩm vấn. Theo ông Yuan, quá trình thẩm vấn nghi phạm tham nhũng của Bắc Kinh, được gọi là song quy đặc biệt hà khắc.
Các quan chức bị cáo buộc tham nhũng thường bị xử lý bởi cơ quan Kiểm tra Kỷ luật (CCDI) của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Họ bị giam giữ biệt lập và bị thẩm vấn trước khi được bàn giao cho các công tố viên. Các công tố viên sau đó hỗ trợ điều tra hình sự và truy tố nghi phạm.
Trong quá trình “song quy” này, các quan chức có thể bị giam giữ trong thời gian dài để thẩm vấn mà không hề có bất cứ một lệnh bắt chính thức nào, khi cơ quan điều tra của đảng có quyền chỉ định cả thời gian và địa điểm để thẩm vấn các đảng viên bị nghi ngờ dính dáng đến tham nhũng và các hành vi vi phạm khác.
Một số quan chức từng làm việc với các Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật cấp địa phương cho hay Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của các tỉnh ủy, thành ủy có những biện pháp thẩm vấn khá “thô thiển”.
Đã có nhiều quan chức cấp tỉnh kể về việc bị đánh đập, bị dí tàn thuốc lá, bị nhấn nước và không được ngủ trong nhiều ngày trời khi bị triệu tập tới cơ quan điều tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật. Nhiều người trong số họ đã tự tử vì không chịu được áp lực, hoặc chết một cách bí ẩn trong quá trình thực hiện “song quy”.
Đối với một số quan chức tham nhũng, việc tự sát có thể là biện pháp cuối cùng để bảo vệ gia đình, người thân. Theo luật pháp Trung Quốc, một quan chức bị cáo buộc tham nhũng nếu qua đời trước khi vụ án được đưa ra xét xử thì việc truy tố sẽ tự động chấm dứt ngay lập tức.
“Một khi nghi phạm đã chết, các cơ quan tư pháp sẽ ngừng việc điều tra trách nhiệm hình sự hoặc ngừng phiên tòa xử họ”, theo Bộ luật hình sự Trung Quốc. Theo đó, bằng cách tự sát, các quan tham Trung Quốc có thể khép lại vụ án của họ, tránh để người thân, gia đình bị điều tra và liên lụy.
TinhHoa tổng hợp