Thai phụ Kenya “nghiện” ăn đá để thỏa cơn nghén
Phụ nữ mang thai có thể thích ăn những món mà bình thường họ không ăn. Song, kỳ lạ là các bà bầu Kenya lại “nghiện” một loại đá được gọi là odowa trong suốt thai kỳ.
Joyce Navtutu, một phụ nữ 29 tuổi, mẹ của 2 con chia sẻ, cô không thể cưỡng lại cơn thèm đá odowa trong cả hai lần mang thai. “Khi tôi đang mang thai, đặc biệt là lần mang thai thứ 2, có thời kỳ tôi thức dậy và cảm thấy muốn ăn đá odowa ngay lập tức. Tôi bắt đầu ăn, và ăn. Sau đó, tôi bị nghiện món này và không thể ngừng ăn được nữa”, bà mẹ trẻ odowa nói và giải thích thêm rằng, mùi vị của loại đá odowa hấp dẫn đến mức cô không thể cưỡng lại. Một phụ nữ bán đá odawa ở chợ Tượng tự, thai phụ Nancy Akoth đang mang bầu 4 tháng cho biết:”Dường như có một điều gì đó trong cơ thể thôi thúc tôi ăn odawa. Dù biết đó là hành vi bất thường nhưng tôi không thể cưỡng lại. Lần đầu tiên khi bạn đổ chút nước lên trên đá, bạn ngửi thấy một thứ mùi đặc biệt. Tôi đã cảm thấy bị thứ mùi của đá odawa hấp dẫn và tôi muốn ăn nó. Nhiều lần tôi thức giấc giữa đêm khuya vì thèm đá odowa. Khi tôi đi khám, bác sĩ nói rằng cơ thể tôi thiếu sắt. Nhưng sau khi uống thuốc bổ sung sắt, tôi vẫn thèm đá”. Navtutu và Akoth chỉ là hai trong số rất nhiều bà bầu Kenya “nghiện” ăn đá odawa trong suốt thai kỳ. Theo VOA News, ước tính, trung bình mỗi tuần, thai phụ ở thành phố Nairobi – thủ đô Kenya – tiêu thụ hết 4 tấn đá mềm odawa. Loại đá odowa tương đối mềm, được khai thác từ mỏ đá và được bán nhan nhản tại khắp các khu chợ, quán cóc ven đường và thậm chí, những trung tâm mua sắm ở các đô thị của Kenya trong bối cảnh nhu cầu của các bà bầu ngày càng cao. Cô Leah Adhiambo, một người môi giới cung cấp đá odowa cho các siêu thị cao cấp cho biết, nắm bắt được nhu cầu ăn đá để thỏa cơn nghén của các bà bầu ngày càng phổ biến, các siêu thị cao cấp cũng bắt đầu nhập hàng về bán. “Chúng tôi nhận ra nhu cầu rất cao của thai phụ ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp đối với loại đá này. Chúng tôi đóng gói đá để chúng trông hấp dẫn và thu hút hơn đối với một bộ phận khách hàng giàu có”, cô Adhiambo cho hay.
Đá odawa được bày bán khắp nơi ở Kenya và rất đắt hàng Người phụ nữ này cũng thừa nhận rằng, đá odawa luôn đắt hàng và đang trở thành một mặt hàng kinh doanh sinh lời. “Chúng tôi luôn chất đầy các kệ hàng và gần như sẽ hết sạch đá để bán mỗi tuần. Điều đó có nghĩa là chúng rất đắt hàng”, cô Adhiambo nói. Ông Setephen Ndirangu, một thương nhân bán đá cũng chia sẻ, công việc kinh doanh của ông ngày càng thuận lợi. “Người ta mua đá odawa của tôi để bán lại cho những phụ nữ mang thai. Mỗi bao đá nặng 90 kg được bán với giá 6 USD”, vị thương nhân tiết lộ. Ngoài ra, một số phụ nữ đã ngừng sinh và có con lớn vẫn không “cai được chứng nghiện” ăn đá. Bà Sylvia Moi đã ngừng sinh con từ 14 năm trước, nhưng vẫn không thể cưỡng lại sự cám dỗ của đá odawa. “Tôi chẳng thể làm được việc gì nếu không có đá mềm. Nếu không được ăn nó tôi cảm thấy mệt mỏi và đói. Tôi muốn từ bỏ thói quen điên rồ đó, nhưng không thể”, bà nói. Theo VOA News, cơn thèm ăn các món “phi thực phẩm” như đá odowa, đất sét, cát thậm chí là bụi khá phổ biến trong các thai phụ ở Kenya. Các nhà khoa học của Đại học Kenya từng phỏng vấn 1.071 thai phụ tại bệnh viện phụ sản Pumwani ở Nairobi. Ít nhất 800 người thừa nhận họ từng ăn đất, đá, xà phòng và nhiều thứ không phải là thức ăn bình thường trong thời kỳ mang bầu.
Đá odawa được đóng túi để bán cho các thai phụ Các chuyên gia cho biết, hiện tượng thai phụ Kenya “nghiện” món đá odowa phần lớn là vì thiếu hụt những khoáng chất cần thiết như canxi trong thời kỳ mang thai. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe. “Trong thời kỳ mang thai, nhiều bà bầu thường bị thiếu hụt canxi và các khoáng chất. Tôi cho rằng, họ nghén loại đá đó bởi vì chúng có chứa những loại khoáng chất mà cơ thể họ đang thiếu hụt”, bác sĩ Jane Mwangi, làm việc tại phòng khám Miliki Afya ở thủ đô Nairobi giải thích. Trong khi đó, Alice Ndong, một chuyên gia dinh dưỡng cho hay, đá odawa không đủ cứng để làm vỡ răng nhưng không có mùi vị gì đặc biệt: “Những viên đá ấy nhạt như bột mì sống”. Các chuyên gia và bác sĩ cũng nhấn mạnh về những hậu quả tai hại khi thai phụ “nghiện” ăn đá odawa. Theo bác sĩ Mwangi, thai phụ có khả năng bị nhiễm trùng và gặp các vấn đề sức khỏe khác nếu ăn đá vô tội vạ. Đồng thời, bà cũng cảnh báo, nếu thai phụ ăn đá không uống đủ nước, họ sẽ bị táo bón trầm trọng, tổn thương gan và thận. Hệ tiêu hóa cũng gặp khó khăn trong việc xử lý dạng “thức ăn” khó tiêu này. Ngoài ra, một cuộc nghiên cứu gần đây do Hội đồng Năng khiếu và Tài năng châu Phi (ACFGT) cũng cho thấy, việc ăn đá trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng học tập của những đứa trẻ sau này. |
Theo 24H