Tết Đoan Ngọ nhớ chuyện Khuất Nguyên nỗ lực bài trừ tệ quan liêu tham nhũng
Tết Đoan Ngọ hay còn được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã hơn là Tết Giết sâu bọ. Ngày lễ truyền thống này còn gắn liền với câu chuyện ý nghĩa về thi nhân Khuất Nguyên – Người nỗ lực bài trừ tệ quan liêu tham nhũng tại nước Sở thời Chiến Quốc.
Lễ hội Đoan Ngọ, hay còn gọi là Tiết Đoan Ngọ, được coi là lễ hội Trung Hoa truyền thống quan trọng thứ ba, theo sau Lễ hội Năm Mới và Lễ hội Trung Thu. Tiết Đoan Ngọ luôn diễn ra vào ngày 5/5 Âm lịch, do đó người Trung Hoa thường gọi lễ hội này là Tiết Trùng Ngũ. Năm nay Tiết Đoan Ngọ rơi vào ngày 9/6.
Cuộc đời thi nhân Khuất Nguyên
Trải qua nhiều năm, lễ hội này đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau dựa vào những tập tục và tưởng niệm khác nhau tại các địa phương. Đối với người phương Tây thì tên gọi thông dụng nhất của dịp này là Lễ hội Thuyền Rồng (Dragon Boat Festival).
Giống như các lễ hội Trung Hoa khác, cũng có rất nhiều truyền thuyết về Tiết Đoan Ngọ. Trong những câu chuyện về nguồn gốc của dịp lễ này, thì chuyện về thi nhân Khuất Nguyên thời Chiến Quốc (475–221 TCN) được nhắc đến nhiều nhất.
Theo truyền thuyết, Khuất Nguyên (340–278 TCN) là một vị đại thần tài trí, nhân đức và chân thành. Ông đã có đóng góp rất nhiều trong việc bài trừ tệ quan liêu tham nhũng tại nước Sở thời Chiến Quốc. Đây là quãng thời gian mà Hàn, Ngụy, Sở, Tần, Tề, Triệu, Yên, bảy nước nước lớn tranh hùng.
Là một người tài trí và uyên bác, Khuất Nguyên rất được Sở Vương trọng vọng và nước Sở ngày càng hùng cường với sự phò trợ của Khuất Nguyên. Sự thành công của Khuất Nguyên, đặc biệt là khả năng đấu tranh với tham nhũng, khiến những quan viên khác thù ghét và ghen tị.
Họ vu khống và dựng chuyện về sự nghiệp của Khuất Nguyên, và do đó gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên nhà vua. Vì thế Sở vương ngày càng không nghe theo lời khuyên của Khuất Nguyên, thậm chí còn lưu đày ông.
Trong thời gian bị lưu đày, Khuất Nguyên đã rất lo lắng cho tình hình nước Sở. Lúc ấy, nước Tần đã trở nên hùng mạnh và nước Sở đang lâm nguy. Trước đây Sở vương đã bỏ ngoài tai lời khuyên liên minh với nước Tần của Khuất Nguyên.
Ngày kia, Sở vương nhận được lời mời tương hội cùng nước Tần. Không có Khuất Nguyên bên cạnh bảo ban, nhà vua đã thân chinh đến cuộc hội và lập tức bị bắt giam. Vài năm sau, nhà vua đã chết trong ngục tối nước Tần.
Sau khi Sở vương băng hà, con trai ông lên ngôi. Mặc dù bị trục xuất, Khuất Nguyên vẫn vội vàng quay về nước Sở ngay khi được triệu hồi trợ giúp tân vương.
Khuất Nguyên khuyên tân vương liên minh với những nước khác để kháng Tần, nhưng một lần nữa ông lại bị những vị quan khác cự tuyệt và ruồng bỏ. Tân vương không những không chịu nghe theo lời Khuất Nguyên mà thay vào đó còn ký kết một hiệp ước hòa bình đáng cười với nước Tần. Khuất Nguyên sau đó còn bị lưu đày đến một nơi còn xa hơn trước kia.
Nhưng Khuất Nguyên vẫn không bỏ cuộc. Ông đi khắp nơi để giảng thuyết và ghi chép những ý tưởng của mình, với ước muốn thức tỉnh nhà vua và cứu lấy nước Sở.
Năm 278 TCN, quân nước Tần đã chiếm được kinh đô nước Sở. Trước sự thực mất nước, Khuất Nguyên tuyệt vọng trầm mình tự vẫn trên dòng Mịch La Giang. Ngày định mệnh ấy là ngày 5/5 Âm lịch.
Khi biết đến sự ra đi của Khuất Nguyên, người dân nước Sở rất đau buồn. Họ đến dòng sông Mịch La để bảy tỏ niềm tôn kính đối với tấm lòng trung của Khuất Nguyên. Để xua đuổi cá và ma quỷ lai vãng quanh xác Khuất Nguyên, các thuyền nhân đã dùng mái chèo khua trên dòng sông. Một số người ném bánh gạo hấp được gói trong lá tre xuống sông làm mồi cho lũ cá để chúng không ăn xác Khuất Nguyên. Những người khác đánh trống để đuổi cá đi. Thầy thuốc thì đổ rượu hùng hoàng xuống sông để “đầu độc” ma quỷ và bảo vệ xác Khuất Nguyên.
Từ đó về sau, người ta tưởng niệm Khuất Nguyên bằng cách tổ chức lễ hội vào ngày ông mất với những hoạt động bao gồm đua thuyền rồng đánh trống, ăn tống tử (một loại bánh gạo hấp gói là tre), và uống rượu hùng hoàng, cùng nhiều hoạt động khác. Vì thế mà lễ hội này có những tên khác như là Lễ hội Thuyền Rồng và Lễ hội Tống tử.
Khuất Nguyên có thể được xem là nhà thơ lớn đầu tiên của Trung Quốc và là người khai thủy cho thơ phú Trung Hoa. Sự trung thành và lòng yêu nước không lay chuyển thể hiện trong những áng văn của ông hàm chứa những lý tưởng của Khổng Phu Tử và cho đến ngày nay vẫn được xem là chuẩn mực cho giới trí thức Trung Hoa. Văn thơ và lòng yêu nước của ông đã có tác động sâu sắc đến những người Trung Quốc thế hệ sau.
Hai nghìn năm qua, tinh thần yêu nước của Khuất Nguyên đã ảnh hưởng đến nhiều người và ông vẫn được người dân Trung Quốc trên toàn thế giới tôn kính. Đây chắc chắn là động lực khiến Tiết Đoan Ngọ trở thành một dịp lễ hội lớn với nhiều niềm vui.
Nhiều người nhân dịp này để dọn dẹp nhà cửa và đặt lá ngải cứu và cây mây ở trên cửa để ngăn ngừa tật bệnh. Thân và lá của những cây này phát ra mùi hương có thể xua đuổi ruồi muỗi và tẩy uế, và do đó dễ hiểu là tập tục này rất phổ biến. Ở một số khu vực, đây cũng là ngày để tăng sức đề kháng và xua đuổi bệnh tật.
Một số địa phương thì tập trung vào việc xua đuổi những loại sâu bọ nguy hiểm, như là bọ cạp, rắn, rết, thằn lằn, và cóc.
Theo Đại Kỷ Nguyên