Tất cả các quốc gia G-20 đều không thể thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu
Một báo cáo mới đây của tổ chức Minh bạch Khí hậu (Climate Transparency) đã cho thấy hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu 2015 chỉ là trò dối trá. Thậm chí, rất nhiều nước công nghiệp hóa trong nhóm G-20 cũng không tuân thủ những gì họ đã hứa trước đó.
Năm 2016, khi hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực, tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama tuyên bố rằng “lịch sử có thể đánh giá đây là bước ngoặt cho hành tinh của chúng ta“.
Có lẽ, đó là bước ngoặt về mức độ hùng biện sáo rỗng. Nhưng nó sẽ không tạo ra chút khác biệt nào cho hành tinh này.
Trò hề này đã hiển lộ rất rõ ràng trong một báo cáo thường niên của tổ chức Minh bạch Khí hậu – một nhóm quốc tế tập trung nghiên cứu về các quốc gia thuộc nhóm G-20.
Những lời hứa suông
Báo cáo đã phát hiện điều gì? Đó là “không quốc gia nào trong G-20 có mục tiêu phát thải khí C02 phù hợp với Thỏa thuận Paris”. Báo cáo cho thấy một khoảng cách rất lớn giữa những gì mà các nước đã cam kết sẽ làm, và mức phát thải khí CO2 còn cách quá xa với mức thấp mà Liên Hợp Quốc (LHQ) nói là cần thiết để giữ cho hành tinh của chúng ta không bị nóng lên thêm 2 độ C vào năm 2030.
Nói cách khác, ngay cả khi mọi quốc gia cam kết theo hiệp ước Paris, điều đó cũng sẽ không thể giúp ngăn chặn “sự nóng lên thảm khốc“.
Thực tế mà báo cáo cho thấy thậm chí còn tồi tệ hơn. Hầu hết các nước trong nhóm G-20 không đi đúng lộ trình để đáp ứng mức giảm khí nhà kính khiêm tốn mà họ đã cam kết sẽ đạt được vào năm 2030.
Báo cáo của Climate Transparency lưu ý rằng Liên Minh Châu Âu (EU) “không trên đà để đạt được mục tiêu vào năm 2030 của mình“. Điều tương tự cũng xảy ra với Mexico, Úc, Brazil, Canada, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số quốc gia thuộc G-20 thực sự đã tăng lượng khí thải của họ vào năm 2017, trong đó có Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Nga, Ả Rập Saudi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn nữa: Khí thải của Ả Rập Saudi vào năm 2030 so với năm 2014 có thể sẽ tăng gấp đôi. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tăng công suất điện than mặc dù điều này “đi ngược lại” với cam kết của họ. Nhật Bản cũng có một số nhà máy điện than. Tỷ lệ phá rừng của Brazil đã tăng lên, mặc dù họ hứa hẹn trong hiệp ước Paris điều ngược lại. Mục tiêu của Nga “quá yếu đến nỗi không đòi hỏi sự giảm thải khí nhà kính so với mức hiện nay”.
Và báo cáo cho biết, tệ nhất là phát thải khí CO2 ở Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới này đã trở thành nước phát thải khí C02 lớn nhất hành tinh và có khả năng sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2030. Báo cáo lưu ý rằng, tiêu thụ than ở Trung Quốc cũng “tăng trở lại vào năm 2017“.
Kịch bản lỗi về ngày tận thế
Tờ Investor’s Business Daily (IBD) từ lâu đã bày tỏ sự hoài nghi về tất cả các kịch bản ngày tận thế liên quan đến biến đổi khí hậu. Họ cho rằng tất cả các kịch bản đều dựa trên dự báo 100 năm được thực hiện bởi các mô hình máy tính và gặp khó khăn trong việc dự đoán những gì đã xảy ra. Và tiếp đó có một thực tế khác là các nhà khoa học khí hậu của LHQ bị phát hiện đưa ra các số liệu gây hiểu nhầm và mắc nhiều lỗi toán học cơ bản. Theo IBD, tin không chính xác mới nhất liên quan đến một nghiên cứu được công bố công khai về sự nóng lên của đại dương. Những lỗi này, bằng cách này, dường như luôn đi theo một hướng: Làm “sự nóng lên toàn cầu” trông đáng lo ngại hơn.
Nhưng ngay cả khi giả định dự đoán về thảm họa môi trường là đúng, thì việc cố gắng cắt giảm lượng phát thải CO2 để ngăn chặn thảm họa đó là vô nghĩa. IBD cho biết, LHQ nói rằng, lượng phát thải CO2 toàn cầu phải được cắt giảm một nửa trong vòng 12 năm và giảm xuống còn 0 trong 32 năm. Bây giờ rõ ràng là không một quốc gia nào trong nhóm G-20 coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu bất chấp họ rao giảng thế nào về nó và cho dù họ có hứa hẹn bao nhiêu đi nữa.
Một cách tốt hơn để đối phó với biến đổi khí hậu
IBD cho rằng, Tổng thống Trump đã hành động đúng đắn khi kéo Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris thay vì tiếp tục đặt niềm tin vào trò hề này. Hành động đó của ông Trump giúp nước Mỹ không phí phạm ngân sách vô nghĩa.
Theo IBD, có một cách tiếp cận tốt hơn, hợp lý hơn và tiết kiệm hơn để đối phó với “biến đổi khí hậu”. Hãy quên đi việc lãng phí tiền bạc vào nỗ lực vô ích nhằm nhanh chóng loại bỏ C02 trong mọi nền kinh tế trên hành tinh này. Thay vào đó, hãy xử lý các biến đổi ở mỗi địa phương nếu chúng xảy ra. Việc thích ứng với khí hậu không thuận lợi là điều mà nhân loại đã chứng minh chúng ta có thể làm được ngay cả khi không có công nghệ hiện đại. Hạn chế duy nhất của phương pháp này là các chính trị gia sẽ không thể tiếp tục tung hô nhau vì “cứu địa cầu”.
Theo Trithucvn