Tận thấy “Cổng địa ngục” chim bay qua là chết ở Thổ Nhĩ Kỳ
Từ đống đổ nát ở tây nam Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà khảo cổ học người Ý đã tìm thấy “cổng địa ngục”. Theo truyền thuyết, những con quạ bay qua đây lập tức rơi xuống đất và trút hơi thở cuối cùng…
“Cổng địa ngục” được nhắc tới rất nhiều trong những câu chuyện thời cổ đại. Dựa vào các tài liệu sử học, người ta có thể xác định cánh cổng này nằm ở thành phố Hierapolis ở đất nước Phrygia cổ đại mà ngày nay là thành phố Pamukkale của Thổ Nhĩ Kỳ. Cánh cổng được miêu tả trong các sách cổ là một nơi huyền ảo với những làn khói mờ bao phủ.
Trong cuốn sách của nhà địa chất học Hy Lạp Strabo viết trong khoảng thời gian từ năm 63 trước công nguyên – năm 24 sau công nguyên có đoạn: “Nơi đây đầy khói sương ẩm ướt tới nỗi người ta chẳng thể nhìn thấy mặt đất. Bất cứ con vật nào bước vào vùng đất này đều sẽ chết ngay lập tức. Đứng trước cổng địa ngục, tôi tung những con quạ bay vào vùng đất thiêng, ngay lập tức chúng trút hơi thở cuối cùng và rơi xuống đất.”
Tại một cuộc họp báo trong năm 2013 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà khảo cổ học đến từ trường Đại học Salento của Ý đã chính thức công bố phát hiện này. Đoàn nghiên cứu được dẫn đầu bởi giáo sư Francesco D’Andria. Giáo sư D’Andria cho biết ông đã thực hiện nghiên cứu khảo cổ học tại thành phố cổ Hierapolis – địa danh được xếp vào hàng Di sản Thế giới từ nhiều năm nay. Hai năm trước, đoàn nghiên cứu do ông dẫn đầu đã tìm thấy mộ của Thánh Philip – một trong 12 tông đồ của Chúa Giê-su.
Thành phố cổ Hierapolis bắt đầu tồn tại từ khoảng năm 190 trước công nguyên. Nơi đây từng là một thành phố thịnh vượng dưới sự cai trị của đế chế La Mã với vô số đền thờ, nhà hát và là một trung tâm chữa bệnh nổi tiếng với nhiều suối nước nóng. Giáo sư D’Andria chia sẻ: “Chúng tôi tìm thấy cổng địa ngục trong quá trình khơi lại dòng chảy của một suối nước nóng.” Khi tiếp cận được với đống đổ nát của công trình năm xưa, các nhà nghiên cứu dự đoán có thể nó đã bị phá hủy bởi nhiều trận động đất. Trong đống đổ nát có những cột trụ khổng lồ và những bia đá nói về các vị thần cai quản âm phủ – thần Pluto (Diêm vương) và vợ của ngài là nữ thần Kore (Diêm hậu).
Trước cánh cổng được tìm thấy là một hồ nước, điều này hoàn toàn trùng khớp với những gì mà các tài liệu cổ xưa từng nói tới. Trong quá trình nghiên cứu phế tích, các nhà khảo cổ còn tìm thấy xương của những loài vật hiến tế. Khi bay vào “vùng đất dữ” này, đa số chúng đều sẽ chết bởi hít phải khí độc carbon dioxin – làn khói mờ hư ảo mà các tài liệu cổ miêu tả.
Theo giáo sư D’Andria, “cổng địa ngục” là nơi diễn ra những nghi lễ chào đón cái chết. Những thầy tu tới hành lễ ở đây thường dùng nước ở hồ nhỏ phía trước “cổng địa ngục”, họ còn ngủ lại trên vùng đất dữ và bắt đầu thu nhận khí độc vào mình.
Những hình ảnh họ gặp trong mơ khi ngủ lại trên vùng đất dữ thường được coi như những lời tiên tri, sấm truyền của đấng thần linh nhưng kỳ thực đó chỉ là hiện tượng ảo giác sinh ra do hít phải khí độc thoát ra từ mạch nước ngầm dưới lòng đất. Theo Dân trí |
Theo Giao Thông