Tầm quan trọng của các bức tượng động vật trong Tử Cấm Thành
Những bức tượng động vật trong Tử Cấm Thành đều có ý nghĩa riêng. Mỗi bức tượng được đặt ở một vị trí cố định hàng thế kỷ qua với mong muốn khẩn cầu trời cao bảo hộ và ban cho triều đại cầm quyền sự thịnh vượng bền lâu.
Sư tử
Hai bên lối vào Điện Thái Hòa của Tử Cấm Thành được đặt 2 con sư tử bằng đồng ngồi trên khối đá cẩm thạch, một con sư tử đực ở phía bên phải, bên kia là một con sư tử cái. Chúng có nhiệm vụ bảo vệ cung điện chính này. Con đực giữ một quả cầu dưới chân trước, tượng trưng cho quyền lực hoàng gia và sự hợp nhất trên thế giới. Con cái đang chơi với một sư tử con bên chân trái, tượng trưng cho dòng dõi con cháu đông đúc của hoàng đế.
Sư tử được coi là chúa tể muôn loài. Chúng thường xuất hiện trong văn học cổ điển và tác phẩm nghệ thuật của Phật giáo. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, một vị Bồ Tát tượng trưng cho trí huệ, được miêu tả là cưỡi trên một con sư tử. Vì vậy sư tử càng được xem là một linh vật mang đến điềm lành.
Rùa và sếu
Rùa là một biểu tượng của tuổi thọ. Từ thời cổ đại, rùa đã được coi là một trong tứ linh vật. Mỗi loài vật đại diện cho một hướng và một mùa trong năm. Thanh Long (rồng xanh) ứng với phương Đông và mùa xuân, Chu Tước (chim đỏ) ứng với phương Nam và mùa hạ, Bạch Hổ ứng với phương Tây và mùa thu, Huyền Vũ (con rắn quấn quanh rùa đen) ứng với phương Bắc và mùa đông.
Rùa có sức lớn thường có thể mang theo nhiều vật nặng. Vì lý do này, tượng rùa thường được dùng làm chân đế cho các công trình lớn.
Tuy nhiên, tượng rùa bằng đồng bên ngoài Điện Thái Hòa không mang bất kỳ vật nặng nào. Nó ngồi như thể ở trên ngai cao, vươn cổ, nhìn lên bầu trời đầy kiêu hãnh.
Một biểu tượng khác của tuổi thọ là sếu. Sếu được người xưa coi trọng vì có đời sống dài và được coi là biểu tượng của sự bất tử.
Phía trước Điện Thái Hòa được đặt một cặp rùa và một cặp sếu bằng đồng. Chúng đại diện cho tuổi thọ và vương triều vĩnh cửu của hoàng đế. Mỗi bức tượng được làm một cách khéo léo với phần bụng rỗng và một lỗ trên thân.
Trong các buổi lễ được tổ chức tại điện, người ta sẽ đốt hương trong bụng các bức tượng và hương khói sẽ bay ra từ miệng các bức tượng này, tràn vào mặt tiền sảnh, lan tỏa đến các cung điện xung quanh, tạo nên một bầu không khí trang nghiêm tôn kính.
Hồng Liên, theo Vision Times