Sẵn sàng cách chức, đuổi việc lãnh đạo trung tâm đăng kiểm tiêu cực
TT – Đó là khẳng định của ông Trần Kỳ Hình – cục trưởng Cục Đăng kiểm VN – trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ sau bài “Chung chi cho đăng kiểm” mà báo đã phản ánh.
* Đình chỉ chức danh đăng kiểm viên đối với ông Lê Đức Linh Ngày 13-7, Tuổi Trẻ đã có bài “”, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Ông Hình cho biết ngay trong sáng 13-7, Cục Đăng kiểm VN đã thành lập đoàn kiểm tra do phó cục trưởng Nguyễn Minh Cương làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới khu vực TP.HCM, đồng thời có văn bản gửi tất cả đơn vị đăng kiểm xe cơ giới chấn chỉnh công tác đăng kiểm xe. Cục cũng có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiểm tra, làm rõ sai phạm, kỷ luật nghiêm khắc các cá nhân liên quan và có báo cáo nhanh gửi bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về vụ này. Về xử lý, cục đã đình chỉ chức danh đăng kiểm viên đối với đăng kiểm viên Lê Đức Linh (Trung tâm đăng kiểm 5003V – TP.HCM), đình chỉ hoạt động đối với dây chuyền số 2 thuộc Trung tâm đăng kiểm 5003V, yêu cầu giám đốc các trung tâm đăng kiểm 5001S, 5003V và 5005V rà soát, làm rõ các hiện tượng tiêu cực trong đơn vị. * Chuyện tiêu cực trong đăng kiểm xảy ra kéo dài, lặp lại nhiều lần, sao Cục Đăng kiểm vẫn không xử lý triệt để được, thưa ông? – Đúng đây là vấn đề kéo dài dẫu cục đã tiến hành rất nhiều biện pháp mạnh. Cụ thể, cục đã thành lập bộ phận kiểm tra chuyên trách, độc lập do một lãnh đạo cục phụ trách cùng với bộ phận phòng ban chuyên môn thường xuyên trực tiếp thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các trung tâm. Nói thêm là ở giải pháp này, nhiều lần tôi yêu cầu bộ phận chuyên môn xuống các trung tâm bất kỳ để kiểm tra. Lãnh đạo cục cũng khuyến khích cách làm “tiền trảm hậu tấu”, nếu nghi vấn có tiêu cực hoặc vi phạm quy trình tại các trung tâm, các bộ phận chuyên môn được giao có thể đột ngột kiểm tra, sau đó về báo cáo sau. Ngoài ra, cục cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thực hiện giám sát nội bộ và tổ chức kiểm tra chéo, phúc tra kết quả đăng kiểm. Cục đã trang bị hệ thống camera IP trên toàn bộ 200 dây chuyền đăng kiểm thuộc trên 100 đơn vị đăng kiểm và chi nhánh trực thuộc để giám sát. * Trong bài báo Tuổi Trẻ đã phản ánh nói trên cho thấy hành vi tiêu cực được thực hiện rất công khai, thản nhiên? Có camera nhưng tại sao vẫn lọt những hành vi này? – Hệ thống camera IP được nối mạng truyền hình ảnh trực tiếp từ các trung tâm đăng kiểm tới phòng chuyên môn của Cục Đăng kiểm. Trong ba năm qua, nhờ thông qua hệ thống này mà cục đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp tiêu cực như bỏ qua nội dung kiểm tra, không bố trí đủ nhân lực, không kích, không kiểm tra hệ thống gầm… Riêng trường hợp báo Tuổi Trẻ phản ánh, lãnh đạo cục sẽ xem lại băng lưu và có kết luận chính thức, cá nhân nào bị phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc. Mục tiêu trang bị camera để Cục Đăng kiểm giám sát hoạt động kiểm định của giám đốc trung tâm đăng kiểm, truyền hình ảnh ra phòng khách hàng để khách nắm được và giám sát. Thông qua phòng giám sát tại cục, nếu phát hiện nghi vấn hoặc nhận được tin báo nghi vấn tiêu cực, các bộ phận kỹ thuật sẽ giám sát chặt, sau đó báo lãnh đạo cục để tiến hành kiểm tra, phát hiện tiêu cực. Hình ảnh cũng được lưu trong 30 ngày để sau này xác minh, đối chiếu. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tiêu cực có thể xảy ra ngoài phạm vi camera nên rất khó phát hiện.
* Như vậy vẫn có kẽ hở? – Trong các khâu kiểm định, khâu nào cũng được coi là nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực. Do đó có kẽ hở là khó tránh khỏi. Camera chỉ là thiết bị hỗ trợ, quan trọng nhất vẫn là con người. Thực tế việc kiểm định xe là kiểm định theo các quy trình kỹ thuật bắt buộc nhưng bước cuối cùng để kết luận, chốt các thông số vẫn là do con người. Có trường hợp tiêu cực được phát hiện nằm ngoài khu vực đăng kiểm. Nói vậy để hiểu nếu có sự thông đồng, câu kết theo tập thể trong nội bộ thì rất khó phát hiện. * Còn hoạt động hậu kiểm ra sao? – Cục Đăng kiểm có tham gia các đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra tại các bến xe, đơn vị vận tải, phối hợp với lực lượng CSGT để phát hiện các xe vi phạm. Cụ thể, nếu các xe có chứng nhận kiểm định đạt yêu cầu nhưng khi kiểm tra cho thấy chưa đạt yêu cầu, trung tâm đăng kiểm liên quan sẽ bị xử lý. *Các đối tượng “cò” là một mắt xích trong tiêu cực tại trung tâm đăng kiểm. Cục có giải pháp nào xử lý các đối tượng này? – Cục đã có nội quy yêu cầu các đơn vị phải tăng cường giám sát, không được để người ngoài đơn vị, người không có nhiệm vụ vào trong khu vực đăng kiểm, đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, quan trọng là sự tự giác và nghiêm khắc của người điều hành các trung tâm. Riêng trường hợp báo Tuổi Trẻ nêu, cục sẽ làm việc với chính quyền và công an địa phương đề nghị điều tra, xác minh để xử lý theo quy định. Tại trung tâm đăng kiểm mà báo Tuổi Trẻ phản ánh, nếu phát hiện sự câu kết giữa “cò” và nhân viên đăng kiểm, nhân viên đó sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
LÂM HOÀI thực hiện
|
Theo Tuổi Trẻ