Sài Gòn xưa và những điều chưa kể

02/01/19, 10:43 Khoa học, Tri thức

Sài Gòn một thuở là hình ảnh khác xa những gì đang có ngày hôm nay…Có nhiều lắm những điều tốt có, xấu có của một Sài Gòn thời xa xưa… Nhưng dù ở mặt nào, Sài Gòn vẫn có nhiều điều để nhớ, nhiều cái không thể nào quên…

Nét cà phê của người Sài Gòn xưa, đại lộ Lê Lợi, 1961. (Ảnh qua Dongsongcu)

Phong cách Sài Gòn

>>> Chùm ảnh Sài Gòn xưa: Hòn ngọc viễn đông của thuở nào

Ở đây muốn nói đến phong cách rất riêng của người Sài Gòn vào thời xa xưa ấy mà mãi đến nay vẫn còn có thể bắt gặp ở đâu đó. Chỉ xin kể một mặt nho nhỏ thôi: Cái cách kiếm tiền và cách sống.

Thời đó (cách 50 năm về trước), cụm từ “tay làm, hàm nhai” đối với người Sài Gòn là một ý nghĩa “lãng mạn”, dân lao động Sài Gòn đã làm và nhai có khác hơn các nơi trong nước. Một người đạp xích lô (trước kia là xe kéo) lam lũ, cực nhọc “cuốc” từng cuốc, kiếm từng đồng, từng cắc, vậy mà chiều chiều vẫn lai rai “ba sợi” với vài chai “la-de” (la bière La rue – hiệu bia nổi tiếng của hãng BGI thời đó) với tôm khô củ kiệu. Và sáng nào, dù “túng” hay không, bác phu xe vẫn thong thả chất “má bầy trẻ” cùng hàng lố con cái, ra ngồi “tiệm nước” (quán bán cà phê và thức ăn) để chén một bữa no nê. Hôm nào trúng mánh thì cà phê sữa, bánh bao hay hủ tiếu, còn như “thất” thì cũng cho mỗi nhóc tì một cái “giò cháo quẩy” chấm cà phê! Có người hỏi anh ta, tại sao không dành dụm, lại “hàm nhai” hết như thế? Anh ta vô tư trả lời: “Ăn hết rồi kiếm nữa, lo gì!”.

Đó là dân lao động, còn dân thầy, dân cậu thì sao? Tầng lớp này được chia ra làm mấy hạng: Loại “dân cậu” là thành phần giàu, ăn chơi sang, đi cao lâu (restaurant) nhảy đầm, đánh bạc. Loại “thầy chú” gồm đa số công chức, tư chức và “thầy chú” còn để ám chỉ dân áp phe, dân “cò bót” (cảnh sát, công an chìm, nổi). Có một khu vực rất đặc biệt ở Sài Gòn, mà ai đi sớm ngang qua đó, là thấy các “thầy chú” ngồi đầy ở các quán nước. Đó là khu Nguyễn Công Trứ (trước gọi là đường Le Fèvre) và chợ cũ đường Hàm Nghi (thời đó gọi là boulevard de la Some). Như một thông lệ, sáng nào họ cũng tụ tập, không thiếu mặt nào của dân áp phe kinh tế tài chánh, vì quanh đó là trụ sở các ngân hàng (có thời nó được gọi là Wall Street của Sài Gòn).

Một góc phố Sài Gòn. (Ảnh: Life)

Còn một nơi tụ hội nữa của các “thầy chú” có thời được gọi là “Radio Catinat”, là các quán ở đường Catinat (Đồng Khởi bây giờ). Quán La Pagode, Continental, Givrai, Brodard là bốn nơi ngày nào cũng có mặt các tay thuộc cánh áp phe chính trị, dân nhà báo trong, ngoài nước. Họ gặp mặt trao đổi tin tức, tung tin thật có, vịt cồ có, đủ loại trên đời, để rồi từ đó truyền đi khắp nơi. Bởi vậy, dân Sài Gòn gọi đó là trụ sở của đài phát thanh, hay dễ nhớ hơn với cụm từ “Radio Catinat”.

Sài Gòn với những món ăn

Người Sài Gòn làm nhiều, tiền nhiều, nhưng khoản ăn chơi đã chiếm một phần quan trọng trong sinh hoạt thường ngày của họ. Xích lô, xe kéo còn có máu ăn chơi kiểu đó, nói gì thành phần khác. Sài Gòn bốn mươi năm trước không có nhiều chốn ăn chơi như ngày nay. Nói về quán ăn thì có thể điểm tên một số “cao lâu” của người Hoa như: Đồng Khánh, Ngọc Lan Đình, Ái Huê, Đại La Thiên, Soái Kình Lâm, Á Đông, Bát Đạt, Tân Lạc Viên… và không thể không kể tới các quán “bò bảy món”. Đây là một đặc trưng của món ăn Sài Gòn, cũng như Hà Nội có chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây…

“Đi ăn ngoài” của người Sài Gòn thời trước không kể các quán cơm thố của người Hoa thì hầu như người nào cũng thích đưa vợ con, bạn bè đi ăn bò bảy món. Nổi tiếng nhất và lâu đời nhất ở Sài Gòn từ trên nửa thế kỷ trước, là quán Au Pagolac (Chợ Lớn) và sau đó là Ánh Hồng (Phú Nhuận). Có người nhận xét rằng, nếu nói về món ăn chơi thì bò bảy món mới đúng nghĩa là để ăn chơi, vì với bảy món trong một bữa, mỗi món chỉ cần ăn một ít, ăn qua một lượt đã tới món khác, do đó, dù bảy món cùng một thứ thịt bò, vậy mà một người có thể thanh toán trọn vẹn cả repas (bữa ăn) một cách thoải mái mà không hề chán ngán.

Một quán ăn xưa. (Ảnh: Flickr.com)

“Đi ăn đồng quê” là nói đến kiểu “đi ăn ngoài” ở ngoại thành của Sài Gòn thời trước. Sài Gòn trước đây không ngột ngạt người và xe như bây giờ, người ta vẫn thích chiều chiều chở nhau ra vùng ngoại ô Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức, vừa hóng gió, vừa thưởng thức các món đặc sản. Phú Lâm, Bình Chánh nổi tiếng với các quán Đồng Quê (ở Phú Định) và Ba Râu (Bình Điền) do có những đặc sản tôm cá rất ngon (món chạo tôm ở Đồng Quê có thể nói là ngon nhất thời đó). Hướng Nhà Bè thì nổi danh với các quán “thủy tạ” trên các ao cá, với các món “độc chiêu” là gỏi cá chìa vôi. Một thời, món cá này là một đặc sản được quảng cáo là “có một không hai”, bởi nghe nói loại cá có cái tên rất lạ này chỉ thấy ở vùng nước mặn Nhà Bè, Phú Xuân (có thể một số nơi khác cũng có, nhưng với tên gọi khác). Thịt cá chìa vôi giòn, ngọt hơn cá chẻm, nên khi trộn gỏi, có vị rất ngon và lạ miệng. Người ăn thích nhất là ngồi trên sàn nhà, có thể nhìn thấy cá lội dưới ao, thích con nào chỉ con đó và sẽ được nhà hàng bắt lên làm ngay trước mặt, dọn ăn nóng sốt sau vài chục phút.

Hướng Thủ Đức thì được dân chơi đêm ưa thích. Các cô cậu thì đi nhảy ở vũ trường đến một, hai giờ sáng, có thể thoải mái chở nhau lên tận Thủ Đức để ăn nem, hoặc bánh canh bột lọc. Thủ Đức còn có một quán ăn đặc sản rất được ưa chuộng là quán Con gà quay với món gà quay cơm nếp độc đáo.

Sài Gòn với những cuộc chơi

Có ăn thì phải có chơi, chơi lành mạnh cũng có, nhưng không nhiều, ngoài các Công viên Bách Thảo (Thảo Cầm Viên), Vườn Ông Thượng (Tao Đàn), người Sài Gòn thời ấy không có những Kỳ Hòa, Đầm Sen như ngày nay. Trò chơi dành cho người lớn thì lại không thiếu. Đó là các vũ trường và các sòng bạc. Những vũ trường tiêu biểu, tồn tại từ trước năm 1954, gồm có: Mỹ Phụng, Đại Nam, Tabarin, Văn Cảnh, Au Chalet Tour d’Ivoire (thuộc vùng Sài Gòn) và Melody (thuộc Chợ Lớn), các “dân chơi” đều thuộc nằm lòng những cái tên ấy và nhẵn mặt từng ngóc ngách vũ trường. Sau này vào thời kỳ Mỹ, mới có thêm các Queen Bee, Ritz, Maxim’s…

Nhưng nổi trội và hấp dẫn nhất có lẽ là các sòng bạc. Người Pháp đã dựng lên ba sòng bạc thuộc loại lớn nhất nước (nếu không muốn nói là lớn nhất Đông Nam Á) tại Sài Gòn từ trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, đó là Kim Chung, Đại Thế Giới và trường đua ngựa Phú Thọ.

Gần 30 năm tồn tại, Kim Chung và Đại Thế Giới đã “thiêu” hàng vạn người mê đỏ đen. Người tán gia bại sản, kẻ thân bại danh liệt. Người ta ví đó là hai chốn địa ngục trần gian giữa hòn ngọc Viễn Đông. Còn trường đua Phú Thọ thì từ khi thành lập, chưa bao giờ là đấu trường thể thao như có người muốn gán cho nó. Đơn thuần, nó chỉ là cái lò sát phạt đỏ đen với bao mưu ma chước quỷ (làm độ, gian lận…) chẳng khác gì Kim Chung, Đại Thế Giới (hai casino này đã bị xóa tên từ năm 1956), giờ đây nếu các bạn muốn biết nó ở đâu thì chính Khu Dân Sinh bây giờ là Kim Chung ngày trước, còn Đại Thế Giới đã trở thành Nhà văn hóa Quận 5 (đường Trần Hưng Đạo B).

Dù không muốn, nhưng cũng không thể không nhắc tới những chốn lầu xanh đầy tai tiếng, nhớp nhúa một thời: Xóm Bình Khang (gần rạp hát Vườn Lài quận 10 ngày nay) dành cho khách mua hoa nội địa và khu Borden (giới bình dân thường gọi là Bọt-Đền) ở góc đường Galiéni (Trần Hưng Đạo) và Nguyễn Khắc Nhu (ngày nay là câu lạc bộ Trần Hưng Đạo và dãy nhà của công ty Bách Hóa thành phố), nơi chuyên phục vụ “hoa” cho lính viễn chinh Pháp. Dân hay quân vào các nơi đó, đều được mua vé công khai, giống như mua vé hát hay vé vào vườn Bách thú.

Đường Catinat, một trong những con đường đẹp nhất. (Ảnh: Life)

Về giải trí văn hóa, thì có hai loại hình chính: Rạp xi-nê (chiếu phim) và rạp cải lương. Những rạp xi-nê đầu tiên giờ đã biến mất, như Catinat (ở trong hành lang bán tranh bây giờ, ngang hông khách sạn Caravelle phía đường Đồng Khởi), rạp Majestic (bây giờ là nhà hàng dancing Maxim’s), rạp Long Thuận (góc đường Nguyễn An Ninh và Trương Định) và những rạp vẫn còn lưu lại dấu tích như Eden (Đồng Khởi), Casino (Sàigòn, Đakao), Vĩnh Lợi, Lê Lợi, Nam Việt, Hồng Bàng, sau năm 1954, Sài Gòn mới có thêm Đại Nam (vào đầu thập niên 1960 có thêm Rex), còn khu Chợ Lớn thì có Oscar, Palace (Đồng Tháp và Đống Đa bây giờ) và một số rạp nhỏ khác… về rạp cải lương, hát bội thì có Nguyễn văn Hảo (Công Nhân), Thành Xương (đầu đường Yersin, góc Colonel Grimau – Phạm Ngũ Lão) nay đã hư sập. Vào đầu thập niên 1960, mới có thêm hai rạp Hưng Đạo và Quốc Thanh. Các nhà hát lớn (nhà hát thành phố) thường được gọi là nhà hát Tây và rạp Norodom (rạp Thống Nhất, giờ trở thành hội trường xổ số kiến thiết) chủ yếu dùng để hòa nhạc.

Về khách sạn thì chỉ có hai cái được gọi là “quốc tế” đó là Continental vào thập niên 1950 mới bắt đầu được xây dựng. Hầu hết các khách sạn ở Sài Gòn thời trước chủ yếu chỉ là những “phòng ngủ” nhỏ, được gọi nôm na là “nhà ngủ”, để phục vụ cho dân bản xứ. Đây là nơi xảy ra tình trạng bán dâm và hút á phiện.

Còn nhiều lắm những điều tốt có, xấu có của một Sài Gòn thời xa xưa… Nhưng dù ở mặt nào, Sài Gòn vẫn có nhiều điều để nhớ, nhiều cái không thể nào quên… Nếu có dịp nào đó, ta lại nói đến một số khía cạnh nữa của Sài Gòn một thuở…

Trích từ cuốn “Hảo hán Sài Gòn – Dân chơi Bến Nghé”

>>> Sài Gòn xưa chịu ảnh hưởng bởi kiến trúc Pháp – Âu như thế nào

>>> Chùm ảnh: Sài Gòn xưa thanh lịch nay còn đâu

Theo ĐKN

Ad will display in 09 seconds

Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

Ad will display in 09 seconds

LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

Ad will display in 09 seconds

Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

Ad will display in 09 seconds

Donor - Một câu chuyện có thật

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

Ad will display in 09 seconds

Ấm trà tri âm

Ad will display in 09 seconds

Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

Ad will display in 09 seconds

Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

Ad will display in 09 seconds

Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!

  • Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

    Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

  • LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

    LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

  • Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

    Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

  • Donor - Một câu chuyện có thật

    Donor - Một câu chuyện có thật

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • 10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

    10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

  • Ấm trà tri âm

    Ấm trà tri âm

  • Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

    Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

  • Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công?  Đây là lời giải đáp

    Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

  • Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!

    Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!