Sách giáo khoa mới của Trung Quốc: Cách mạng Văn hóa là “thảm họa nghiêm trọng”
Sách giáo khoa trung học mới của năm 2020 Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phân loại Cách mạng Văn hóa là “sai lầm” mang đến “thảm họa nghiêm trọng” cho đất nước. Trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn luôn ‘ca ngợi’ cuộc cải cách dẫn đến trào lưu ăn thịt người kinh khủng này.
Vào ngày 6/9, SCMP cho biết, sách giáo khoa lịch sử trung học năm 2020 được sản xuất bởi Bộ Giáo dục Trung Quốc dành cho học sinh 16 tuổi viết rằng, Cách mạng Văn hóa đã bị “các nhà lãnh đạo [đảng] khởi động một cách sai lầm, và được tiến hành bởi một tổ chức phản cách mạng” và “tình trạng bất ổn dân sự đã mang lại thảm họa nghiêm trọng cho đất nước và người dân [Trung Quốc]”.
Vào ngày 16/5/2016, Apple Daily của Hồng Kông cho biết, trong khi hồi tưởng lại cảnh nấu thịt người uống rượu thời Cách mạng Văn hóa tại Quảng Tây – khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc cải cách, ông Thạch (65 tuổi) kể lại rằng “Cách mạng Văn hóa dùng người đấu người, sau khi đánh chết thì xẻ thịt hầm ăn. Tôi từng chứng kiến cảnh hai người bị đánh chết, sau đó bị bọn hung ác xẻ thịt nấu ăn”.
Với gần 20 năm nghiên cứu về Cách mạng Văn hóa, Giáo sư Tống Vĩnh Nghị tại Thư viện Đại học California, phân hiệu tại Los Angeles nói về những vụ việc xảy ra tại tỉnh Quảng Tây: “Quảng Tây có thể xảy ra giết người, gian thê, sát phụ, gian nữ, đây là hiện tượng xã hội thường thấy trong một thời kỳ ở khu vực nông thôn”.
Tuy nhiên, trào lưu ăn thịt mới thật sự khiến người ta phải kinh sợ. “Ví dụ như trong một hồ sơ về Cách mạng Văn hóa tại Quảng Tây được chính quyền ghi chép, có ít nhất 302 vụ ăn thịt người, nhưng nếu bạn tìm trong các sách được xuất bản công khai tại Quảng Tây thì sẽ không bao giờ tìm được. Đây là nguyên nhân vì sao hiện nay họ cấm nghiên cứu về Cách mạng Văn hóa, họ vẫn muốn che giấu sự thật lịch sử”, Giáo sư Tống nói thêm.
Cách mạng Văn hóa – cuộc cải cách khiến khoảng 1,7 triệu người chết vẫn là một chủ đề cực kỳ nhạy cảm tại Trung Quốc và gây ra tranh cãi trong lịch sử.
Vào năm 2018, một cuốn sách giáo khoa cấp trung học cơ sở đã bị buộc phải tẩy trắng sau khi mô tả Cách mạng Văn hóa như một “con đường vòng”.
Năm 1981, lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình và Hồ Diệu bang cũng đã cố gắng vạch ra ranh giới của thời kỳ này bằng cách thông qua một nghị quyết của đảng mô tả Cách mạng Văn hóa là một “sai lầm lớn” và nói rằng Mao Trạch Đông – người khởi xướng chiến dịch đã mắc sai lầm.
Tuy nhiên, kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền, ĐCSTQ lại nỗ lực mô tả cuộc cải cách là một trong những “tiến bộ”. Xu hướng này bắt đầu sau khi ông Tập phát biểu vào năm 2013 rằng, các chính sách cải cách mà Đặng Tiểu Bình áp dụng không thể phủ nhận những thành tựu đã đạt được trong 30 năm trước đó.
Năm 2019, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã cũng đã cố gắng đề cập đến vấn đề này trong một bài báo rằng “Cách mạng Văn hóa không phải và không thể là một cuộc cách mạng hoặc tiến bộ xã hội theo bất kỳ định nghĩa nào”.
Lương Phong(t/h)