Quốc khánh TQ, Tập Cận Bình trao giải thưởng cho người đẹp bị bức hại đến chết
Trong bản tin ngày 29/9, Đài truyền hình Tân Đường Nhân cho biết, Tập Cận Bình tại đại hội mừng 70 năm thành lập chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã tuyên dương và tặng thưởng “Người đấu tranh đẹp nhất”, trong đó có Trương Chí Tân, một trong những người đẹp được cho là đã bị cắt cổ trước khi chết.
Ngày 25/9, tại hội nghị khen thưởng diễn ra tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình đã trao tặng bằng khen “Người đấu tranh đẹp nhất” cho 278 cá nhân cùng 22 tập thể, trong đó có Trương Chí Tân. Trương Chí Tân vào thời Cách mạng Văn hóa, đã bị giam vào ngục, tra tấn bằng cực hình và sau đó bị cắt yết hầu trước khi xử bắn.
Trang Minh Báo của Hồng Kông cho biết, trong những năm gần đây, giới chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho tiến hành sửa sai một số bản án oan trong thời Cách mạng Văn hóa, đồng thời trao giải danh dự cho những nạn nhân của thời kỳ này.
Trang Minh Báo dẫn lời một nhà bình luận, sở dĩ Trương Chí Tân thu hút sự quan tâm là vì trong buổi nói chuyện vào ngày 3/9, Tập Cận Bình đã 58 lần nhắc đến các từ ngữ có liên quan đến “đấu tranh”. Theo cách nói của ĐCQTQ, từ đấu tranh thường chỉ về đấu tranh giai cấp hoặc đấu tranh lộ tuyến, chỉ một loại đấu tranh nội bộ nhằm triệt tiêu các cá nhân bị cho là hữu khuynh, phản cách mạng,…
Hiện tại, Tập Cận Bình đang trong tình thế nguy cấp dưới áp lực của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và biểu tình ở Hồng Kông, từng bị xem là đang tiến gần hơn đến Cách mạng Văn hóa. Lần này, Trương Chí Tân được trao danh hiệu danh dự, giới phân tích cho rằng có hai khả năng.
Một là bác bỏ những chỉ trích của giới quan sát vì cho rằng ông đang muốn trở lại thời Mao Trạch Đông, và khôi phục Cách mạng Văn hóa; hai là Tập Cận Bình dưới áp lực đấu tranh nội bộ đảng thì không thể không tiến hành các biện pháp điều chỉnh.
Một điều đáng chú ý khác là, Tân Hoa Xã vào ngày 27/9 đã cho đăng loạt bài viết về 70 năm tranh đoạt tạo dựng chính quyền ĐCSTQ, với tiêu đề: “Năm 1966: Cách mạng Văn hóa, 10 năm khơi nguồn nội loạn”. Loạt bài viết chỉ trích sai lầm chính trị của Mao Trạch Đông khi phát động 10 năm Cách mạng Văn hóa, mang mầm loạn họa cho nhân dân. Điều này trùng hợp với giả thiết thứ nhất được nêu ra ở trên.
Trương Chí Tân vào những năm đó với ngôn từ cứng rắn và tư tưởng kiên định, đã phản đối việc Mao Trạch Đông khởi xướng “Đại Nhảy Vọt”, “Cách mạng Văn hóa”, cũng như chỉ trích việc sùng bái Mao chủ tịch, bà đã bị gán nhãn “Phản Cách mạng” và bị bắt bỏ tù 6 năm.
Trong tù, bà kiên quyết không nhận tội, bị người ta dùng dây kẹp chặt lưỡi với miệng, hai tay trói ngược, lưng bị đè dưới trọng lượng 18 cân, chân bị gông cùm đè nặng, bị tra tấn những đòn thâm hiểm, tóc bị nhổ sạch, nhiều lần bị tù nhân nam cưỡng dâm.
Sau đó, bà Trương bị nhốt vào một hào giam chật hẹp, chỉ có thể ngồi, không thể nằm, tinh thần bà trở nên thất thường,… Trải qua những giày vò cực kì bi thảm và kéo dài, cuối cùng đến ngày 4/4/1975, bà bị tuyên xử bắn, khi đó bà 44 tuổi.
Trước khi bị bắn, cai ngục vì để bà không thể hô to khẩu hiệu nên đã ấn bà xuống đất và cắt đứt cổ họng, bà la hét giãy giụa rồi cắn đứt đầu lưỡi của mình.
Trong suốt khoảng thời gian bị giam giữ, bà Trương không hề được gặp mặt người thân. Chồng của bà từng bị ép phải ly hôn, sau khi chết người nhà cũng không được phép nhận lại thi thể.
Cho đến nay, thi thể Trương Chí Tân được lưu tại nơi nào vẫn không ai biết, có người nói bị phơi ngoài đồng hoang, có người nói bị hỏa táng, cũng có người cho rằng thi thể bà được dùng là tiêu bản cơ thể người.
Việc Trương Chí Tân dưới chính sách tàn bạo đã bị tra tấn hành hạ đến chết đã gây chấn động tâm can, cũng đã khiến mọi người khắc sâu hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp, kiên trinh bất khuất.
Ngày 16/10/1978, tòa án huyện Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh đã tuyên hủy bỏ bản án đối với bà, tuyên bố Trương Chí Tân vô tội. Tháng 3/1979, tỉnh ủy Liêu Ninh sửa lại án oan sai, truy phong bà là liệt sỹ cách mạng.
Khải Hoàn (Theo NTDTV)