Putin không vội chúc mừng Biden khi cuộc chiến chưa kết thúc
Người phát ngôn Điện Kremlin cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chờ đợi thông báo chính thức từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 – chứ không phải truyền thông, trước khi chúc mừng người chiến thắng.
Khác với năm 2016, khi Điện Kremlin đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng cho chiến thắng của Tổng thống Trump, năm nay Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa chúc mừng Joe Biden, mặc dù truyền thông dòng chính đã loan tin chiến thắng cho ứng viên Đảng Dân Chủ này.
Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Nga trả lời báo chí hôm 9/11, ông Putin sẽ không chúc mừng người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cho tới khi có kết quả chính thức. Ông Peskov nói: “[Tôi] đoán các vị có thể sẽ đặt câu hỏi về lời chúc mừng từ [Tổng thống Nga Vladimir] Putin đối với tân Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, tôi muốn nói như sau: chúng tôi cho là cần tiếp tục chờ đợi cho đến khi kết quả chính thức của cuộc bầu cử được công bố”, theo Tass.
Lý giải cho sự chậm trễ trên, ông Peskov cho hay do cuộc bầu cử chưa ngả ngũ vì cuộc chiến pháp lý mà đương kim Tổng thống đã công bố, điều này khiến tình hình trở nên phức tạp. “Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc chờ đợi thông báo chính thức là chính đáng”, người phát ngôn của Putin nói rõ.
Trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng chưa ngã ngũ, các nước châu Âu có những phản ứng khác nhau. Đối với các nước từng mâu thuẫn với Tổng thống Trump về các vấn đề quốc phòng và thương mại, như Đức và Pháp, là những nước đầu tiên chúc mừng ông Biden. Ba Lan đã thay đổi lập trường về “trung lập” chỉ một ngày sau khi nguyên thủ quốc gia Andrzej Duda của họ chúc mừng Biden, do phát ngôn viên của ông đã đính chính lại lời của Duda là dành cho “người giành chiến thắng cuối cùng” vào ngày 8/11.
Bên cạnh đó, một só vị lãnh đạo chờ đợi kết quả chính thức như Tổng thống Brazil hay các lãnh đạo ở Hungary và Slovenia. Ngày 7/11, Tổng thống Mexico là Andrés Manuel López Obrador cho biết sẽ đợi để chúc mừng người chiến thắng, sau khi các tranh chấp pháp lý trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 được giải quyết.
Từ Thức (t/h)