Phát lộ ‘thế giới sống’ tồn tại dưới đáy đại dương
Một nhóm các nhà khoa học vừa tìm thấy bằng chứng của sự sống bên trong lớp đá bazan, bị bao phủ bởi trầm tích dày hàng trăm mét, ở độ sâu 2,5 km dưới lòng Thái Bình Dương.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science uy tín khẳng định, một hệ sinh thái hoàn toàn khác đang tồn tại với quy mô vô cùng rộng lớn. Những sinh vật sống này không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và chưa từng được phát hiện trước đó. Nghiên cứu này được đưa ra sau khi các nhà khoa học tìm thấy các loài sinh vật sống bên trong mẫu đá bazan nằm sâu dưới đáy đại dương. Nhà vi sinh vật học Mark Lever, một trong những chuyên gia trực tiếp tham gia nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đang cung cấp những bằng chứng đầu tiên về sự sống tồn tại ở phần vỏ trái đất bị chôn vùi dưới đáy đại dương”.
Chúng ta vốn biết rằng, ánh sáng mặt trời là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển sự sống trên trái đất. Nhờ có ánh sáng mặt trời, sinh vật mới có khả năng chuyển đổi carbon dioxide vào vật liệu hữu cơ, giúp tạo nên cuộc sống đa dạng ngày nay. Tuy nhiên, sự sống được phát hiện bên trong lớp đá xốp nằm dưới đại dương khác nhau về cơ bản so với sự sống trên bề mặt. Ở dưới đáy đại dương, năng lượng – nền tảng của sự sống – bắt nguồn từ chính quá trình cấu thành địa chất và các phản ứng hóa học. Với những khe nhỏ dưới lớp bazan, nước biển sẽ di chuyển qua đó, phản ứng với các hợp chất sắt vốn sẵn có trong đá bazan để tạo ra hydro. Vi sinh vật sử dụng khí hydro này để chuyển đổi carbon dioxide vào vật liệu hữu cơ, phục vụ cho sự sống. Trên thực tế, lớp vỏ dưới đáy đại dương bao phủ tới 60% bề mặt trái đất. Nếu vi sinh vật tồn tại ở tất cả lớp vỏ này, nó sẽ là một hệ sinh thái lớn ngoài sức tưởng tượng. Tuy những công nghệ hỗ trợ nghiên cứu lớp vỏ trái đất nằm sâu dưới đáy đại dương vẫn đang ở thời điểm khởi phát nhưng triển vọng mà môi trường bí ẩn này ẩn chứa là động lực lớn, giúp các nhà khoa học khám phá nơi này. Trịnh Duy Theo Infonet |
Theo Zing