Phát hiện virus “điên rồ” mới phá vỡ quy tắc lây nhiễm xưa nay
Mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện một loại virus “đa thành phần” mới thách thức các quan niệm bấy lâu nay của con người về cách virus lây nhiễm, sinh sôi và gây bệnh cho vật chủ.
Thông thường khi một virus xâm nhập vào cơ thể, với kích thước nhỏ hơn tế bào nhiều lần nó sẽ chui vào tế bào rồi sinh sôi phát triển ở đó thành một nhóm virus. Đến khi tế bào này chết đi từng con virus lại tấn công sang tế bào khác. Hiện nay chỉ mới có thuốc diệt virus ở giai đoạn ngoài tế bào, khiến virus chết đi bằng cách phân cắt nó thành nhiều phần.
Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu Y học quân đội Mỹ về các bệnh truyền nhiễm đã phát hiện một loại virus “đa thành phần” mới tên Guaico Culex (GCXV), được xác định là sống ký sinh trong muỗi.
Đúng với cái tên đa thành phần, cơ thể nó là tập hợp rất nhiều cơ thể virus tương tự. GCXV không thể bị tiêu diệt bằng các loại thuốc thông thường, vì khi bị phân cắt thành nhiều phần thì mỗi phần lại trở thành một cá thể virus độc lập có thể gây bệnh. Hơn nữa kích thước càng nhỏ thì khả năng chui vào tế bào của loại virus này càng cao, càng nguy hiểm.
Nhà virus học Edward Holmes đến từ Đại Học Sydney, Úc cho biết: “Nếu bạn so sánh nó với cơ thể con người, nó giống như một người với tay, chân, đầu, mình mỗi thứ một nơi. Sau đó, tất cả các mảnh của cơ thể đó vẫn tiếp tục hoạt động như một cá thể độc lập. Tôi chưa từng thấy thứ nào trong tự nhiên có cách hoạt động như thế này”.
Điều đặc biệt là GCXV mang các vật liệu di truyền khác biệt trong cùng một cá thể. Có nghĩa là nếu chia nó thành 5 phần đồng nghĩa với việc bạn bị nhiễm phải 5 chủng virus khác nhau, cần 5 phương pháp điều trị khác nhau.
Cho đến nay, virus “đa thành phần” này được cho là chỉ gây bệnh cho thực vật và nấm, nhưng cách lây nhiễm của nó khiến các nhà khoa học quan ngại. Hiện nay nó đã được tìm thấy nhiều trong muỗi Culex ở quanh khu vực Guaico, Trinidad Nam Mỹ. Nên nhớ muỗi là vật trung gian truyền virus hiệu quả , vậy câu hỏi đặt ra là, liệu bao lâu nữa loài này có thể tấn công vào các loài động vật khác kể cả con người hay không?
Trong một nghiên cứu khác, người ta cũng phát hiện ra một chủng virus tương tự được đặt tên là Jingmenvirus, xuất hiện và gây bệnh ở khỉ.
Chuyên gia virus Jason Ladner và cộng sự mới đây tìm thấy bằng chứng xác thực sự tồn tại virus này trong máu của khỉ Colobus sống ở Uganda, châu Phi – một động vật linh trưởng có DNA gần với con người. Vì vậy nguy cơ nó chuyển sang lây nhiễm cho con người là rất cao, và nhiều khả năng nó cũng là một chủng virus “đa thành phần”.
Trở lại virus Guaico Culex, nó đã được phát hiện trong một cuộc điều tra rộng lớn của đội ngũ y tế quân đội Mỹ về các bệnh lây truyền qua muỗi ở khắp thế giới trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Zika.
“Chúng tôi đang cố gắng để đảm bảo có những hiểu biết tốt nhất về loại virus trên”, nhà virus học Gustavo Palacios, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tuyên bố. “Với tất cả sự đa dạng khó lường của loài virus mới, chúng ta sẽ không thể nào biết được điều gì sẽ xảy ra cho nhân loại trong tương lai”.
Hoàng An, theo Science Alert