Phát hiện bộ xương người ‘Noah’ 6.500 năm tuổi sống sót sau ‘đại hồng thủy’
Các nhà khoa học tại bảo tàng Penn ở Philadelphia đã tái phát hiện một hiện vật khai quật hiếm có và vô cùng quan trọng, đó là bộ hài cốt của một người đàn ông từng sống khoảng 6.500 năm trước ở thành phố Ur thuộc nền văn minh Sumer cổ đại.
Bộ xương mang tên “Noah” này lần đầu tiên được tìm thấy khi còn nằm sâu dưới lớp bùn đất dày đặc. Điều đó chứng tỏ người đàn ông đã sống sót qua một trận lũ lớn. Người Sumer (phía Nam Iraq hiện nay) là những người đầu tiên trong lịch sử ghi chép lại nạn lụt này. Người ta tin rằng đây cũng là câu chuyện về cơn đại hồng thủy được nhắc đến sau nhiều thiên niên kỷ trong Kinh Thánh.
Bộ xương của người đàn ông trung niên được bảo quản trong một chiếc hộp kiểu quan tài suốt 85 năm, và tất cả hồ sơ để nhận dạng cũng bị thất lạc. Tuy nhiên, dự án số hóa các ghi chép cũ của một bảo tàng khảo cổ tại Philadelphia đã cung cấp tài liệu, cho phép xác định danh tính của bộ xương. Nhờ vậy, lần đầu tiên người ta nhận thức được tầm quan trọng của nó.
Trái: Bức tranh của Domenico Morelli vẽ năm 1901, khắc họa Noah đang thể hiện lòng cảm tạ sau khi sống sót qua trận đại hồng thủy. (Wikimedia Commons). Phải: Một bản khắc con tàu Noah (Shutterstock*). Nền: Ngọn núi cao nhất Thổ Nhĩ Kỳ Agri (Ararat), nơi có thể tìm thấy con tàu Noah. (Shutterstock*)
Tờ Past Horizons cho biết bộ xương được nhà khảo cổ học người Anh Leonard Woolley phát hiện vào khoảng thời gian 1929-1930, trong một cuộc hợp tác khai quật giữa bảo tàng Penn và bảo tàng Anh quốc tại thành phố cổ Ur, gần khu vực Nasiriyah thuộc Iraq ngày nay.
Bộ xương nằm ở độ sâu 15 m, trong một lớp bùn đất bên dưới nghĩa trang hoàng gia 4.500 tuổi của thành Ur. Qua kiểm nghiệm đã phát hiện ra lớp đất bùn này có niên đại cổ hơn nghĩa trang đến 2.000 năm, đúng vào thời kỳ Ubaid (khoảng năm 5.500 đến năm 4.000 TCN).
Tổng cộng có 48 di cốt được tìm thấy trong lớp đất bùn, nhưng ‘Noah’ là bộ xương duy nhất đủ điều kiện đưa ra ngoài. Trên thực tế, Noah là bộ xương hoàn thiện duy nhất từng được khôi phục trong khu vực này và cả trong thời đại hiện nay.
Ngài Leonard Woolley đề cập đến lớp đất bùn dày 3m như “lớp bùn lũ”, bởi vì dưới độ sâu khoảng 12m có thể chạm đến một lớp đất bùn sạch, trữ nước. Noah được cho là đã thoát nạn sau cơn lũ dù bị chôn vùi trong lớp đất bùn. Woolley xác định thành phố Ur vốn là một hòn đảo nhỏ với đầm lầy bao xung quanh. Sau đó một cơn đại hồng thủy đã nhấn chìm vùng đất này vào thời kỳ Ubaid.
Người dân vẫn tiếp tục sinh sống và phát triển ở Ur, nhưng nhiều học giả tin rằng cơn lũ này chính là câu chuyện được viết trên các phiến đá hình nêm của người Sumer cổ đại và được kể lại bởi nhiều nền văn hóa trên thế giới. Một số người cũng cho rằng di tích để lại của người Sumer đã gợi lên câu chuyện về con thuyền Noah trong Kinh Thánh sau này.
Theo Đại Kỷ Nguyên