Núi Kailash: Kim tự tháp ẩn mình hay nhà máy điện hạt nhân cổ đại?
Tên gọi núi Kailash có nghĩa là “viên đá quý tuyết vĩnh cửu”. Tương tự như cái tên ấy, cho đến nay, ngọn núi Kailash vẫn là một thánh địa lưu giữ kho tàng tri thức huyền bí của cổ nhân.
Núi thiêng Kailash nằm cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng khoảng 1.000 km về hướng Tây. Tại nhiều quốc gia Đông phương, núi Kailash thường được coi là “trung tâm tâm linh của vũ trụ” vì là nơi xuất sinh của 4 tôn giáo lớn: Ấn Độ giáo, đạo Jain, Phật giáo và đạo Bôn. Một số tư liệu cổ đại còn cho rằng ở đây chúng ta có thể tìm thấy thành phố của các vị Thần.
Nhìn chung, núi Kailash đến nay vẫn chưa được con người khám phá, và việc leo lên ngọn núi này được xem là hành động phạm thượng sẽ đem lại vận rủi.
Có một giả thuyết cho rằng ngọn núi này có thể từng là nơi tọa lạc của một lò phản ứng hạt nhân cổ xưa. Theo chương trình truyền hình “Người ngoài hành tinh thời cổ đại” của Mỹ, các tàn tích được tìm thấy ở khu vực xung quanh ngọn núi xuất hiện tro hạt nhân và cả các hài cốt được tìm thấy trong khu vực cũng có dấu vết của các nguyên tố phóng xạ.
Video: Chương trình “Người ngoài hành tinh thời cổ đại” của Mỹ: Liệu núi Kailash có phải là một nhà máy hạt nhân thời cổ đại?
Điều thú vị là trong truyền thuyết dân gian nơi đây cũng có một câu chuyện liên quan đến lò phản ứng hạt này.
Dưới chân núi Kailash có 2 hồ thiêng nổi tiếng, hồ nước mặn Rakhas Tal – hay còn gọi là quỷ, có hình Mặt trăng khuyết và hồ nước ngọt Manasarovar tròn như hình Mặt trời. Hai hồ nước đại diện cho lực lượng của mặt trăng và mặt trời, tương ứng với năng lượng âm và dương, xấu và tốt.
Những tín đồ Hindu giáo khi hành hương đến núi Kailash đều ngâm mình một lần trong hồ mặt trời Manasarovar, và tránh xa hồ quỷ Raksha Taal, nơi bị cấm tắm rửa.
Truyền thuyết kể rằng Quỷ vương Ravana ở đảo Lanka từng tắm trong hồ này và giờ đây không ai dám tắm ở đây nữa, vì người tắm trong hồ sẽ bị dị dạng.
Nguyên nhân là do Ravana từng muốn đưa núi Kailash đến vương quốc của mình. Ông ta níu mình dưới núi Kailash và lắc nó với tất cả sức lực của mình để cố gắng dời ngọn núi đến Lanka nhưng không thể nhấc lên nổi.
Tại sao Quỷ vương Ravana lại muốn chiếm lấy núi Kailash khi ông ta đã có mọi thứ trên đời. Có thể do Kailas là một nhà máy điện hạt nhân mà Ravana muốn đặt ở đảo Lanka.
Và sau khi chạm vào nhà máy này, Ravana đã mang theo dư lượng phóng xạ hạt nhân đến hồ Rakshas Taal, làm cho nước hồ bị nhiễm phóng xạ. Vì thế hiện nay bất cứ ai tắm trong hồ đều bị biến dạng do ảnh hưởng của phóng xạ.
Một kim tự tháp nhân tạo?
Hình dáng kỳ dị của núi Kailash còn dẫn đến nhiều phỏng đoán rằng đây không phải là một ngọn núi đơn thuần. Các nhà khoa học Nga cho rằng đỉnh núi thực chất là một kim tự tháp nhân tạo thời cổ đại. Nếu giả thuyết này là thật, thì đây sẽ trở thành kim tự tháp lớn nhất được biết đến từ trước đến nay, và lịch sử nhân loại sẽ cần phải được viết lại.
Các nhà khoa học nghiên cứu địa hình và cấu trúc ngọn núi cho biết nó có hình kim tự tháp, chẳng khác mấy so với những kim tự tháp thông thường, hơn nữa được bố cục chính xác theo bốn hướng chính (Đông, Tây, Nam, Bắc).
Những kết quả nghiên cứu gần đây của Nga về Tây Tạng và dãy núi Kailash, nếu được xác thực, sẽ thay đổi căn bản vốn hiểu biết của chúng ta về sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Một giả thuyết được Nga đưa ra là núi Kailash có thể là một đại kim tự tháp nhân tạo, trung tâm của một tổ hợp gồm hàng trăm kim tự tháp nhỏ hơn.
Không chỉ vậy, tổ hợp công trình này còn có thể là trung tâm của một hệ thống toàn cầu kết nối nhiều di chỉ hoặc di tích khác.
Mạng lưới năng lượng cổ đại?
Hình dạng kim tự tháp không chỉ có ý nghĩa tôn giáo, mà còn có thể là một bộ phận của mạng lưới năng lượng khổng lồ trải rộng khắp thế giới thời cổ đại.
Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng dấu vết còn sót lại của một mạng lưới năng lượng rộng khắp thế giới, có thể được tìm thấy trong những tàn tích ở các địa điểm linh thiêng của những nền văn minh cổ đại trên toàn thế giới.
Giáo Sư Ernst Muldashev, tiến sĩ y khoa đồng thời là một nhà thám hiểm chuyên nghiệp cho biết, độ cao ngọn núi Kailash sẽ thay đổi theo từng năm, nhưng trung bình là 6666m. Ngoài ra, giữa độ cao của núi Kailash và Bắc Cực, Nam Cực, tượng đài cự thạch Stonehenge và đại Kim tự tháp Giza có một mối tương quan và sự tương đồng đáng kinh ngạc.
Dường như khoảng cách giữa núi Kailash và tượng đài cự thạch Stonehenge là 6666km. Con số tương tự một lần nữa gặp lại giữa Kailash và Bắc Cực, trong khi đến Nam Cực là 13.332 km, gấp đôi quãng đường ban đầu. Những người theo thần số học cho rằng con số 6666 chắc chắn biểu trưng cho điều gì đó và không phải ngẫu nhiên được gắn với ngọn núi Kailash.
Tiểu Phúc (t/h)