Những phát minh đáng kinh ngạc thời cổ đại
Hơn 50 phát minh khó tin của người Hy Lạp cổ đại như: Guồng nước của Acsimet, robot đầy tớ của Philon, nhà hát tự động của Heron đang được trưng bày tại một bảo tàng mới khai trương ở Hy Lạp.
Bảo tàng là một sáng kiến của kỹ sư Kostas Kotsanas, ông cũng đồng thời là người sáng lập bảo tàng Công nghệ Hy Lạp cổ đại ở Katakolo, phía Nam Hy Lạp.
Dưới đây là năm phát minh ấn tượng nổi bật trong triển lãm mới.
Guồng nước của Acsimet
Acsimet (287 TCN-212 TCN) là một nhà toán học, vật lý học, kỹ sư, nhà phát minh và nhà thiên văn học vĩ đại của Hy Lạp thời cổ đại. Một lượng lớn các phát minh kỹ thuật của Acsimet được ra đời từ nhu cầu của người dân thành phố quê hương ông, Syracuse.
Một trong những phát minh quan trọng nhất của ông là Guồng nước sử dụng tay cầm. Cấu tạo của thiết bị này bao gồm: một lưỡi dao hình vít xoay tròn trong một ống hình trụ và một tay cầm gắn ở ngoài. Nó được sử dụng để dẫn nước từ một nơi thấp như sông hồ đến nơi cao hơn nhằm phục vụ cho mục đích tưới tiêu. Ngày nay Guồng nước do Acsimet chế tạo ra vẫn được sử dụng để bơm nước và những chất rắn nhỏ dạng hạt như than đá và gạo.
Robot đầy tớ của Philon
Philo Mechanicus là một kỹ sư và nhà sáng chế cơ học của Hy lạp, ông sống trong khoảng nửa sau của thế kỷ 3 TCN. Con robot do ông phát minh có hình dáng giống như một người hầu gái, tay phải cầm một bình rượu. Khi người khác đặt một chiếc ly vào tay trái robot, con robot sẽ tự động rót rượu và sau đó đổ nước vào tách để pha trộn nếu cần. Cấu tạo của con robot rất phức tạp, nó gồm các bình chứa, ống dẫn, ống không khí và cánh quạt gió, chúng tương tác với nhau qua thông qua nhiều thứ như trọng lượng, áp suất không khí và chân không. Đây là robot đầu tiên được con người tạo ra.
Nhà hát tự động của Heron
Heron (10-70 CN) là một nhà toán học và kỹ sư của Ai Cập, ông được xem là một trong những nhà phát minh vĩ đạt nhất thời bấy giờ. Một trong những sáng tạo mang đầy tính nghệ thuật của ông là nhà hát tự động. Cấu tạo của thiết bị này bao gồm một hệ thống các loại dây, nút thắt, máy móc được điều khiển bởi các bánh răng hình trụ. Tác phẩm được biểu diễn trong nhà hát thu nhỏ này là Nauplius, một vở bi kịch được sáng tác ở giai đoạn sau chiến tranh thành Trojan. Có lẽ những người đi xem hát đã rất bất ngờ khi cánh cửa nhà hát bật ra , các nhân vật hoạt hình xuất hiện trình diễn một loạt các tình tiết: những cô gái xinh đẹp cầm búa sửa chữa con thuyền Ajax, con tàu lướt trên biển với những đàn cá heo theo sau, và cuối cùng là cảnh con tàu Ajax bị phá hủy bởi tiếng sét của thần Athena. Toàn bộ vở kịch diễn ra hoàn toàn tự động, kéo dài trong khoảng 10 phút.
Bàn tay sắt của Acsimet
Đây là một vũ khí được sáng chế bởi Acsimet để bảo vệ thành lũy của thành phố Syracuse chống lại cuộc tấn công từ phía biển. Theo như ghi chép của lịch sử, vũ khí này trông giống một cần cẩu có gắn móc sắt; nó có thể nâng một phần tàu chiến ra khỏi nước sau đó bất ngờ thả xuống hoặc lật úp con tàu. Trong chiến tranh Punic lần thứ 2 vào năm 214 TCN, khi người La Mã tấn công Syracuse bằng một hạm đội gồm 60 tàu Quinqueremes dưới sự chỉ huy của Marcus Claudius Marcellus trong đêm tối, bất ngờ những chiếc máy được triển khai, nhấn chìm nhiều chiếc thuyền khiến cuộc tấn công rơi vào hỗn loạn.
Gương đốt cháy của Acsimet
Thiết bị này còn được gọi là “tia nóng Acsimet”, nó được dùng để hội tụ ánh sáng mặt trời vào con thuyền đang đến gần, khiến chúng bốc cháy. Người ta cho rằng một loạt các tấm khiên lớn bằng đồng hoặc đồng đỏ có độ bóng cao như những tấm gương đã được sử dụng để hội tụ ánh sáng mặt trời vào một con thuyền. Để kiểm chứng tính chính xác của thông tin này, năm 1973 một nhà khoa học tên là Loannis Sakkas đã thực hiện một thí nghiệm tương tự . Thí nghiệm được diễn ra ở căn cứ hải quân Skaramagas bên ngoài Athen. Trong thí nghiệm này 70 chiếc gương đã được sử dụng, mỗi chiếc được phủ đồng và có kích thước khoảng 3 feet. Những chiếc gương được hướng vào thuyền chiến thử nghiệm làm bằng ván ép ở khoảng cách chừng 48 m và sau đó con thuyền đã bốc cháy chỉ sau vài giây.
Theo Vietdaikynguyen