Những điểm yếu “ăn vào máu” của iOS, Android và Windows Phone

17/08/15, 09:30 Tin Tổng Hợp
Trên lãnh địa di động, Apple không thể đánh bại được Google, Google cũng không thể ngăn đường tiến của Apple còn Microsoft thì mãi mãi... lẹt đẹt là bởi mỗi hệ điều hành của các ông lớn này đều có những điểm yếu cố hữu không thể khắc phục nổi.

Trên lãnh địa di động, Apple không thể đánh bại được Google, Google cũng không thể ngăn đường tiến của Apple còn Microsoft thì mãi mãi… lẹt đẹt là bởi mỗi hệ điều hành của các ông lớn này đều có những điểm yếu cố hữu không thể khắc phục nổi.

Khi ra mắt iPhone vào năm 2007, Steve Jobs và Apple đã thực sự thay đổi toàn bộ khung cảnh thế giới điện toán. Nhờ dẫn trước trong cuộc đua smartphone cảm ứng, Apple cho đến nay vẫn làm chủ phân khúc smartphone cao cấp với doanh số hàng chục triệu chiếc iPhone mỗi quý.

Nhưng cùng lúc, Apple đã không thể ngăn cản được sự trỗi dậy mạnh mẽ của Android – hệ điều hành “mở” của Google. Ra mắt rộng rãi và hoàn thiện sau iPhone OS (sau này được đặt tên chính thức là “iOS”) tới 2 năm nhưng Android đã nhanh chóng đè bẹp hệ điều hành của Apple về thị phần. Trong suốt 3 năm qua, Android luôn chiếm xấp xỉ 75-80% thị phần toàn cầu.

Đến năm 2010, Microsoft tiếp bước Google nhảy vào cuộc đua smartphone mới một cách nghiêm túc với Windows Phone 7. Đến khi Microsoft ra mắt Windows Phone 8 thì IDC, một trong những công ty phân tích tài chính hàng đầu thế giới, đưa ra dự đoán rằng Windows Phone sẽ vượt mặt Android vào năm 2016.

Từ 2013, thị phần hệ điều hành di động toàn cầu đã gần ồn định với Android ở mức 80%, iOS ở mức 15% – 20%.

Nhưng đến nay thì tất cả các hệ điều hành di động lớn coi như đã “yên vị”, và cả Google, Apple lẫn Microsoft đều phải học chấp nhận một sự thật rằng dù có nỗ lực thay đổi tới đâu thì vị thế của Android, iOS và Windows Phone trên thị trường đều sẽ không bị thay đổi quá nhiều. Android vẫn sẽ áp đảo về lượng người dùng nhưng vẫn không thể đột phá vào phân khúc giá cao sinh lời “khủng” của iOS, còn Windows Phone thì vẫn sẽ… lẹt đẹt dưới 5% thị phần.

Lý do là bởi mỗi hệ điều hành đều có những điểm yếu “ăn vào máu”, mãi mãi không thể khắc phục được.

Android: Phân mảnh trầm trọng

Tính đến tháng 6/2015, gần 90% người dùng Android vẫn phải đối mặt với các lỗ hổng của các phiên bản Android đã hơn 1,5 năm tuổi đời (từ 4.4 KitKat trở xuống).

Ngay từ ban đầu, Google đã định hình cho Android là một hệ điều hành “mở”, mãi mãi miễn phí cho bất kỳ nhà sản xuất nào. Chính bởi điều này mà cả các nhà sản xuất lẫn các nhà mạng (thế lực phân phối smartphone chính tại các thị trường toàn cầu) sẽ luôn tìm cách để tạo ra một phiên bản Android cho riêng mình, càng khác biệt với Android gốc và càng khác biệt với các nhà sản xuất khác càng tốt. Nếu chỉ tính riêng yếu tố phần mềm, bạn sẽ thấy trải nghiệm Samsung Galaxy S6, LG G4 và HTC One M9 rất khác biệt nhau, dù là cùng cài đặt 1 hệ điều hành Android.

Kết quả là Android bị phân mảnh, và người dùng phải chấp nhận những bất lợi trầm trọng, trong đó nghiêm trọng nhất là vấn đề bảo mật. Thử lấy ví dụ về “thảm họa” Stagefright – một lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng tới 950 triệu người dùng Android. Sau khi lỗ hổng này được hé lộ, Google, đã nhanh chóng tung ra bản vá cho các máy Nexus chạy Android gốc. Samsung và LG sau đó cũng tuyên bố sẽ theo Google phát hành các bản vá theo định kì hàng tháng.

Nhưng ngay cả khi Google đã vá Android, người dùng smartphone của LG, HTC, Sony và các hãng Trung Quốc như OPPO, Xiaomi, Lenovo cũng không chắc chắn sẽ nhận được bản vá. Sự thờ ơ của các hãng sản xuất Android cũng như các nhà mạng khiến cho ảnh hưởng của Stagefright kéo dài tới tương lai, đe dọa tới phần đông người dùng trong khi giải pháp vốn đã… có sẵn từ bây giờ.

Tiếp đến là vấn đề mâu thuẫn tính năng. Google sẵn sàng cho bất cứ ai sản xuất smartphone Android là bởi các dịch vụ tìm kiếm, YouTube, Maps, Now… vốn luôn có mặt trên hệ điều hành Android sẽ đem lại doanh thu quảng cáo khổng lồ cho Larry Page và đồng sự. Trớ trêu là một số “đối tác” của Google lại muốn giành mất miếng bánh của gã khổng lồ tìm kiếm, trong đó đáng chú ý nhất là vào đầu 2013, khi Samsung bắt đầu tìm cách lấn sân với chợ ứng dụng của riêng mình cũng như các ứng dụng “đụng hàng” với Google như S Voice. Không nằm ngoài dự đoán, chẳng ai đoái hoài đến phần mềm của Samsung , nhưng đến năm nay công ty Hàn Quốc vẫn tiếp tục ra mắt dịch vụ chi trả di động Samsung Pay để cạnh tranh với Android Pay và Apple Pay.

Quá rõ ràng, tình trạng “mạnh ai nấy làm” trên Android sẽ biến các nhà sản xuất trở thành đối thủ của nhau, và các hãng càng tập trung đấu nhau thì người dùng càng thiệt: điện thoại bị nhồi nhét phần mềm “rác” gây tốn bộ nhớ và giảm hiệu năng; các tính năng bị hãng này nắm bản quyền thì hãng kia cũng đành bỏ lỡ… Trải nghiệm Android nói chung trở nên rối loạn, nhịp sáng tạo chung của Android cũng bị kéo tụt khi các hãng cùng nhau chúi đầu vào giải quyết các vấn đề đã có người giải quyết từ trước: 2 năm sau khi Samsung và LG ra mắt các smartphone cảm biến vân tay, Google mới lục tục ra mắt tính năng này cho Android (gốc) vào năm nay.

Lại nói về mức độ đồng nhất trong trải nghiệm, Android có mặt trên cả phân khúc giá rẻ lẫn giá cao. Vẫn biết bỏ ít tiền thì không thể có được hàng “ngon, bổ”, nhưng ấn tượng xấu của những chiếc Android giá rẻ vẫn ít nhiều ảnh hưởng tới hình ảnh của các dòng Android đầu bảng có giá ngang ngửa iPhone như Galaxy S, LG G hay Xperia Z.

Năm nào cũng giảm giá sốc, HTC để mất hình ảnh cao cấp của dòng One.

Trớ trêu nhất, sự vươn lên thần kỳ bằng phân khúc giá rẻ lại trở thành “gót chân Achilles” của các hãng sản xuất Android: khi các tên tuổi Trung Quốc như OPPO, Xiaomi, Huawei và Lenovo bắt đầu các cuộc đua giảm giá mà ngay cả Samsung, LG cũng không thể theo kịp, lợi nhuận của các tên tuổi xưa cũ này cũng bắt đầu sụt giảm. Để bù đắp cho khoản lợi nhuận suy giảm đó, các hãng smartphone lại đua nhau giảm giá hàng cao cấp (như Samsung , HTC ) hoặc nâng tốc độ cập nhật smartphone đầu bảng (dòng Xperia Z của Sony). Kết quả là smartphone đầu bảng chạy Android lại càng trở nên kém “sang”, và bởi vậy không thể cạnh tranh nổi với iPhone trên phân khúc cao cấp.

iOS: Ép người dùng phải chọn những ứng dụng… dở tệ

Dù có mở đến mấy thì iOS vẫn ưu ái các ứng dụng được Apple cài đặt sẵn.

Trong khi Android quá hỗn loạn thì iOS lại quá khép kín. Người dùng iPhone và iPad hiểu rõ rằng khái niệm “ứng dụng mặc định” trên iOS gần như… không tồn tại. Lý do là bởi bất cứ khi nào có thể, Apple vẫn sẽ đẩy người dùng về phía các ứng dụng, dịch vụ tự viết hoặc các dịch vụ được hãng ưu ái. iOS hoàn toàn không có mục nào để chọn Chrome làm trình duyệt mặc định thay cho Safari hay để tùy chỉnh cho Siri chuyển sang sử dụng Google thay cho Bing cả.

Người dùng sẽ chẳng mảy may lên tiếng ca thán nếu như tất cả các ứng dụng, dịch vụ của Táo đều có chất lượng tốt như iMessage hay Safari. Đáng buồn là Apple lại thường xuyên sảy chân với các thảm họa: Apple Maps thì “gây đe dọa tính mạng”, còn dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Apple Music thì khiến các fan “kêu giời” vì tự động xóa nhạc của người dùng một cách… ngẫu nhiên. Số phận hẩm hiu của MobileMe (lưu trữ đám mây) hay mạng xã hội Ping cũng cho thấy Apple còn lâu mới có thể bì kịp Google hay Microsoft về chất lượng dịch vụ web.

Thảm họa Apple Maps.

Và ngay cả các ứng dụng ở mức “ổn” của Apple cũng không phải là lựa chọn tốt nhất cho người dùng. Ví dụ điển hình là ứng dụng Camera, vốn luôn bị chê bai là không thể theo kịp phần cứng camera trên iPhone. Apple luôn muốn tạo ra trải nghiệm đơn giản nhất, nhưng đôi khi đơn giản quá mức sẽ đồng nghĩa với… ngu ngốc. Bạn muốn chọn độ phân giải cho ảnh chụp? Bạn muốn chọn tỷ lệ khác thay cho tỷ lệ 4:3 hoặc 1:1? Bạn sẽ buộc phải tìm tới một ứng dụng của bên thứ ba. Nhưng nếu bạn nhờ Siri “giúp tôi chụp ảnh” thì cô trợ lý ảo này vẫn sẽ bật ứng dụng Camera có sẵn của iOS.

Việc Apple không cho phép lựa chọn ứng dụng của bên thứ ba làm mặc định hiển nhiên sẽ khiến cho các ứng dụng này gặp bất lợi không hề nhỏ khi tìm cách chinh phục iOS. Ví dụ, khi ra lệnh cho Siri nhắn tin cho ai đó, cô trợ lý ảo của Apple cũng sẽ luôn thực hiện tác vụ qua iMessages – bạn không có lựa chọn nào để cho Siri luôn hiểu “nhắn tin” có nghĩa là WhatsApp hay Viber. Bạn hiển nhiên là cũng không thể chọn Google Now hay Cortana làm trợ lý ảo mặc định trên iOS, khiến cho quá trình kích hoạt trợ lý ảo của bên thứ ba luôn luôn bất tiện, tốn thời gian hơn là trợ lý ảo của Apple.

Nút Home trên iPhone/iPad sẽ luôn được dành cho Siri, và các lựa chọn dịch vụ cho Siri sẽ luôn được Apple định đoạt.

Không thể phủ nhận được rằng iOS 7 và iOS 8 đã trở nên cởi mở hơn nhưng cuối cùng thì người dùng iOS vẫn phải chấp nhận một sự thật không mấy dễ chịu rằng Apple mới là ông chủ thực sự của trải nghiệm người dùng. Android thì không mắc phải vấn đề này, và Google cũng nhiều kinh nghiệm làm ứng dụng hơn Apple. Chính bởi vậy mà trải nghiệm Android không chỉ mở mà còn thông minh hơn trải nghiệm iOS.

Windows Phone: Quá nghèo nàn về ứng dụng

Không chỉ riêng gì Flappy Bird, Windows Store có quá nhiều các bản nhái kém chất lượng của các ứng dụng đình đám.

Nếu như Microsoft chịu sớm “ăn theo” Apple và Google thì tình cảnh của Windows Phone giờ đây có lẽ đã khác. Phải mất tới 3 năm sau khi iPhone ra mắt, khi Android đã bắt đầu bước đi những bước đầu tiên thì Microsoft mới ra mắt Windows Phone 7. Đến khi Windows Phone 8, phiên bản Windows Phone đầu tiên có khả năng cạnh tranh ngang ngửa với iOS và Android ra đời vào năm 2012, thế “song mã” trên thị trường smartphone coi như đã định. Gần như tất cả các nhà phát triển phần mềm độc lập đều đã tập trung về phe iOS hoặc phe Android, hoặc cả 2.

Cũng chính bởi thế “song mã” này mà cả Windows Phone lẫn các hệ điều hành chiếu dưới khác như BB10, Firefox OS, Tizen và Sailfish đều mắc chung một điểm yếu: chợ ứng dụng cho các hệ điều hành này thiếu vắng quá nhiều các ứng dụng quan trọng. Hàng trăm nghìn ứng dụng trên Windows Store phần nhiều là ứng dụng “nhái” hoặc ứng dụng rác kém chất lượng. Trong khi Google rõ ràng là không chịu mang các dịch vụ của mình lên Windows Phone để Android khỏi bị ảnh hưởng thì ngay cả các đối tác độc lập như Facebook cũng tỏ ra không hề mặn mà với hệ điều hành của Microsoft. Mất tới 1 năm trời kêu gọi, Microsoft mới thuyết phục được Mark Zuckerberg đưa mạng xã hội chụp ảnh Instagram lên Windows Phone, còn ứng dụng Facebook chính thức (do Facebook tự phát triển) thì đến giờ vẫn biệt tích trên Windows Phone.

Facebook không chịu lên Windows Phone khiến cho Microsoft phải tự tạo ra ứng dụng Facebook của riêng mình.

Đáng buồn cho Microsoft là ứng dụng lại là yếu tố quan trọng nhất đối với mỗi hệ điều hành. Dù cho Windows Phone 8 có vượt mặt Android về độ ổn định và mượt mà thì người dùng cũng vẫn không thể chấp nhận nổi các ứng dụng Facebook hay YouTube “tự chế” có chất lượng quá kém cỏi trên Windows Store. Ngược lại, người dùng càng ít thì các nhà phát triển ứng dụng lại càng hờ hững hơn nữa. Trong một cuộc phỏng vấn, CEO của ứng dụng chat video đình đám Snapchat khẳng định phát triển ứng dụng cho Windows Phone là “không bõ công”, vẫn với lý do là thị phần quá nhỏ của hệ điều hành này.

Ngay cả các nhà phát triển đã mang ứng dụng lên Windows Phone cũng rất có thể sẽ bỏ “con” của mình trên “chợ” Windows Store mà không thèm cập nhật thêm tính năng hay vá bảo mật. Nạn nhân điển hình của tình trạng này là 2 mạng xã hội thuộc hàng quan trọng bậc nhất hiện nay: Twitter thì nghèo nàn nội dung, Instagram thì không quay được video và liên tục… treo cứng.

Nói tóm lại, Windows Phone (và cả BB10, Tizen lẫn Firefox OS) có lẽ sẽ mãi mãi bế tắc trong cái vòng luẩn quẩn giữa “quá ít người dùng” và “quá thiếu ứng dụng”. Hy vọng lớn nhất của Microsoft lúc này có lẽ sẽ nằm ở các thị trường còn màu mỡ như Ấn Độ hoặc châu Phi. Nếu không thể tạo ra mức tăng người dùng đột biến bằng cách biện pháp về giá hoặc dịch vụ địa phương hóa, có lẽ mảng di động của Microsoft vẫn sẽ mãi chìm nghỉm dưới chân Apple và Google mà thôi.

Lê Hoàng

Theo VnReview

Ad will display in 09 seconds

Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Vén màn vở kịch được diễn suốt 20 năm tại Trung Quốc

Ad will display in 09 seconds

Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

Ad will display in 09 seconds

Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

Ad will display in 09 seconds

Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

Ad will display in 09 seconds

Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Obama đã lừa dối nước Mỹ như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nhiều người luôn cảm thấy cuộc đời đau khổ

  • Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

    Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Vén màn vở kịch được diễn suốt 20 năm tại Trung Quốc

    Vén màn vở kịch được diễn suốt 20 năm tại Trung Quốc

  • Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

    Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

  • Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

    Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

  • Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

    Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

  • Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

    Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

  • Obama đã lừa dối nước Mỹ như thế nào?

    Obama đã lừa dối nước Mỹ như thế nào?

  • Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

    Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

  • Vì sao nhiều người luôn cảm thấy cuộc đời đau khổ

    Vì sao nhiều người luôn cảm thấy cuộc đời đau khổ