Những câu chuyện về thuật xem tướng nổi tiếng của người xưa
Tướng mạo của một người phản ánh rất nhiều vấn đề trong nội tâm của họ. Bởi vậy, trong việc kết giao hay thiết lập các mối quan hệ, cổ nhân đặc biệt rất chú trọng đến việc nhìn người.
1. Thuật xem tướng của Tăng Quốc Phiên
Tăng Quốc Phiên không chỉ là một nhà chính trị, quân sự được nhiều người biết tiếng mà còn là một nhân vật đại tài trong lĩnh vực Nhân tướng học. Có rất nhiều những giai thoại về khả năng xem tướng của Tăng Quốc Phiên.
Theo ghi chép thì Tăng Quốc Phiên là một người rất dũng mãnh, nghiêm khắc trong mọi việc, ông có bộ râu rất đẹp, đôi mắt hình tam giác với ánh nhìn mạnh mẽ, sáng bừng và rất thần thái. Mỗi khi có khách tới nhà, Tăng Quốc Phiên thường nhìn vị khách đó hồi lâu mà không nói gì, chỉ lặng lẽ quan sát để nhận đoán về tư cách, tài năng phẩm chất đạo đức của người đó.
Tất cả những người đã từng gặp Tăng Quốc Phiên đều tỏ thái độ kính trọng, nể vì trước sự nghiêm túc và thần thái đặc biệt của ông. Dưới cái nhìn sắc lạnh của Tăng Quốc Phiên, họ đều không tránh khỏi lúng túng ngượng ngập.
Sau khi người khách ra về, Tăng Quốc Phiên bèn lấy giấy bút ra ghi tỉ mỉ tất cả những điều mình đã quan sát được cũng như các suy luận về điểm tốt điểm xấu của người đó. Đối chiếu sự thật với những ghi chép của ông, người ta thấy hầu như tất cả đều hoàn toàn trùng khớp, không có lấy một điểm sai sót.
Vào những năm Hàm Phong, Lý Hồng Chương ra lệnh cho ba vị tướng thủ lĩnh quân đội đất Hoài đến gặp Tăng Quốc Phiên. Tăng Quốc Phiên không những không đồng ý gặp mặt mà còn yêu cầu cả ba vị tướng này đứng chờ suốt hai cạnh giờ ngoài đại sảnh. Sau đó, ông lại cho người ra mời cả ba người này đi về, nhất định không nói lời nào và cũng không chịu gặp mặt.
Sau này, Tăng Quốc Phiên có kể lại cho Lý Hồng Chương về những suy nghĩ và hành động của mình, ông nói rằng, trong các vị tướng đứng chờ ngoài đại sảnh, ông đã đi lại trong một gian phòng bên trong và quan sát nhất cử nhất động của ba người đó thông qua một tấm gương lớn.
Vị tướng mặt rỗ không được tiếp kiến Tăng Quốc Phiên, cảm thấy ông cố tình hạ nhục, nên mặt đỏ tía tai, bộ dạng như đang muốn đánh nhau, bộ dạng đó đã cho thấy khí khái uy vũ bất khuất của vị tướng quân này.
Vị tướng cao lớn đứng chờ trong tư thế rất ung dung tự tại, điều đó cho thấy người này trầm tĩnh, kiên nghị và rắn rỏi.
Vị tướng thấp bé có đôi mắt sáng lấp lánh, mỗi khi có người đi qua thì đứng rất ngay ngắn nhưng khi người đó đi khuất rồi thì lập tức thả lỏng, là tầm thường.
Trong ba vị tướng quân đó, người có nhiều nốt rỗ trên mặt là Lưu Minh Truyền, người có tài đánh Nam dẹp Bắc, trí dũng toàn tài, đã thống lĩnh quân đội tiến tới Đài Bắc, đánh bại quân đội Pháp. Nếu xét về mức độ nổi tiếng, tướng quân Lưu Minh Truyền chỉ đứng sau Trịnh Thành Công ở Đài Loan mà thôi.
Vị tướng quân có dáng người cao tên là Trương Thụ Thanh, sau này lập được nhiều chiến công lớn, được phong làm Tổng đốc Lưỡng Giang.
Vị tướng quân dáng người thấp bé mang họ Ngô. Trong quá trình chiến đấu rất giảo hoạt, khôn vặt, chỉ làm được chức quan quèn mà thôi.
2. Phạm Lãi xem tướng đánh giá Việt Vương Câu Tiễn
Phạm Lãi là một người hiền tài, đức độ nổi tiếng sống ở thời Xuân Thu, cũng là một nhà chính trị tài ba với kiến thức lịch sử vô cùng phong phú. Sau giúp Việt Vương Câu Tiễn đánh bại được nước Ngô, nhưng ông đã quyết định về ở ẩn.
Thì ra, Phạm Lãi nhận thấy Câu Tiễn có cái cổ dài và cái miệng nhọn chứng tỏ ông ta thuộc loại người “có thể chung lo hoạn nạn chứ không thể cùng hưởng vinh hoa”. Vì vậy, không chỉ một mực “rũ áo ra đi” mà Phạm Lãi còn khuyên một vị đại thần khác là Văn Chủng hãy làm giống như mình. Nhung đáng tiếc là Văn Chủng đã không nghe theo lời khuyên của Phạm Lãi, nên về sau đã bị vị vua này bức hại.
Sau khi từ giã quan trường và chuyển hướng sang thương trường, Phạm Lãi cũng đã thể hiện những tài năng phi phàm của mình trong lĩnh vực kinh doanh, ông đã trở thành một tấm gương sáng trong ngành thương mại của Trung Quốc trong suốt hàng nghìn năm.
3. Thuật xem tướng của Quản Lộ
Thuật sĩ Quản Lộ nổi tiêng trong lịch sử Trung Quốc với khả năng xem tướng phi phàm. Ông đã từng xem tướng cho quyền thần Đặng Dương và đã đắc tội với quyền thần này.
Cậu của Quản Lộ sau khi biết được chuyện này đã vô cùng sợ hãi, tuy nhiên Quản Lộ trấn an cậu và nói rằng: “Đặng Dương dù làm việc hay đi đứng đều thấy gân không giữ được xương, mạch không giữ dược da thịt, đứng ngồi xiêu vẹo như là không có chân tay gì hết. Tướng đó đích thị là tướng ‘quỷ ám’ và không sớm thì muộn cũng sẽ bị hoạ sát thân. Thế thì có gì đáng để sợ đâu!”.
Người cậu cảm thấy rất khó hiểu, bán tín bán nghi nên đã mắng Quản Lộ một chặp rồi bỏ đi.
Sau này, quả nhiên Đặng Dương đã bị giết hại. Tướng “quỷ ám” mà Quản Lộ nói tới chính là những phán đoán về nội tâm và vận mệnh của Đặng Dương thông qua những nét đặc trưng dáng ngồi, dáng đi, dáng đứng của vị quyền thần này.
TinhHoa tổng hợp