Nhiều lý do để Đài Loan không muốn nối gót Hong Kong
Ngoài khơi Trung Quốc Đại Lục là Hong Kong và Đài Loan với hai số phận khác nhau. Và tất nhiên có quá nhiều lý do chính đáng để Đài Loan không muốn trở thành một Hong Kong thứ 2, bị Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.
Khi nói đến Đài Loan, trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc có nhiều ý kiến bất đồng. Trong khi một nhóm muốn dùng sức mạnh quân sự để buộc Đài Loan sáp nhập vào Trung Quốc, một nhóm khác lại ủng hộ việc thương thảo và thúc đẩy để đi đến sự thống nhất.
Điều này cho thấy tác động mạnh mẽ của Đài Loan đối với hàng xóm của mình. Một đất nước nhỏ bé nhưng rất kiên quyết trong việc giữ vững độc lập, ngay cả khi chính phủ Trung Quốc đã rất thận trọng trong cách xử lý tình hình. Và điều này đặt ra câu hỏi tại sao Đài Loan không muốn nối bước Hong Kong trở về với Trung Quốc.
Lý do lớn nhất là họ không muốn bị một chính phủ độc tài kiểm soát. Đài Loan là một đất nước tự do, giống như phương Tây. Trong khi đó, Trung Quốc là một quốc gia quân sự, nơi công dân thậm chí không thể truy cập các trang web mà họ muốn. Mặc dù có một số ý kiến ở Đài Loan ủng hộ việc sáp nhập vào Trung Quốc, nhưng sự thật là đại đa số người dân nước này không muốn thừa nhận mình thuộc thẩm quyền của chính phủ Trung Quốc.
Một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Freedom House đã xem xét mức độ tự do của các quốc gia khác nhau trên thế giới, Đài Loan đạt được điểm số ấn tượng 91/100. Ngược lại, Trung Quốc chỉ được 15/100. Chỉ riêng điều đó cũng đủ để thể hiện sự khác biệt lớn giữa hai quốc gia châu Á này.
Lý do thứ hai là người Đài Loan có một tiêu chuẩn sổng rất cao khi so sánh với Trung Quốc đại lục. Theo ước tính, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt khoảng 8.650 USD. Ngược lại, Đài Loan có GDP bình quân đầu người là 24.600 USD, gấp gần 3 lần so với Trung Quốc. Như vậy, từ quan điểm “tiêu chuẩn sống”, việc sáp nhập với Trung Quốc không mang lại lợi ích nào cho người Đài Loan. Trong thực tế, việc đó còn có thể gây tác dụng ngược lại, vì Đài Loan sẽ bị mất đi khả năng cạnh tranh và mức sống tốt do sự kiểm soát quá mức từ Bắc Kinh.
Chiến lược “quyền lực mềm” của Trung Quốc
Vì cảm thấy việc sử dụng lực lượng quân sự có thể phải chịu áp lực từ quốc tế và gây xung đột thương mại, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng “quyền lực mềm” để kéo Đài Loan về lại đại lục.
Và mục tiêu đầu tiên của Bắc Kinh chính là các tổ chức kinh doanh tại Đài Loan. Rõ ràng, chính phủ Trung Quốc đã cho các công ty Đài Loan một gói ưu đãi đặc biệt tạo nhiều cơ hội mở và hấp dẫn hơn để kinh doanh ở đại lục. Triển vọng của một thị trường lớn hơn và lợi nhuận khổng lồ được cho là đang khiến nhiều doanh nghiệp Đài Loan ủng hộ Trung Quốc.
Thanh niên Đài Loan cũng là mục tiêu mà chính phủ Trung Quốc nhắm tới, họ được cung cấp cơ hội tham gia các kỳ thi chuyên môn của đại lục, tham gia các khóa học cao cấp, làm việc trong các công việc có lương cao ở Trung Quốc, v.v.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn không từ bỏ hành động bạo lực chống lại Đài Loan nếu cần thiết. Trong một cuộc phỏng vấn với SCMP, chuyên gia hải quân Li Jie cho biết: “Việc tiến hành các cuộc tuần tra chuyên sâu khắp Đài Loan là một phần thiết yếu trong công tác chuẩn bị của Giải phóng quân (PLA) cho bất kỳ hoạt động chiến tranh nào có thể xảy ra trong tương lai”.
Nếu chiến lược “quyền lực mềm” không hiệu quả, đồng thời người Đài Loan vẫn tiếp tục thách thức chính phủ Trung Quốc và giữ vững sự độc lập của họ, thì tình trạng căng thẳng có thể sẽ leo thang trong tương lai gần.
>>> Đài Loan sẽ dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức
>>> Tân Thủ tướng Malaysia đang dần đưa đất nước thoát Trung
Hồng Liên, theo Vision Times