Nhật ký tiên tri của một học sinh Liên Xô về Thế chiến II
Khả năng tiên tri là điều mà nhân loại từ lâu đã coi trọng và đánh giá rất cao. Những huyền thoại về chủ đề này có rất nhiều, trong đó có không ít những dữ liệu xác thực. Một trong số đó phải kể đến cuốn nhật ký tiên tri của một học sinh Liên Xô từ trước Chiến tranh thế giới thứ II
Hồi đầu những năm 1990, một nghị sĩ Đức đã tuyên bố: Người Nga đã sáng tạo ra một huyện thoại về một học sinh nào đó từ trước chiến tranh đã mô tả tỉ mỉ về kế hoạch Barbarossa và dự đoán trước thất bại của Hitler trong cuốn nhật ký của mình.
Một nhà báo Nga tham gia cuộc trò chuyện này đã ngay lập tức phản đối đó không phải là huyền thoại, học sinh Lev Fedotov bây giờ vẫn còn sống và cuốn nhật ký của cậu ta vẫn còn được lưu giữ. Nhà văn nổi tiếng Yuri Trifonov là người đầu tiên kể về chuyện này trong một bộ phim tài liệu hồi những năm 1980. Trifonov chính là một người quen biết với Lev Fedotov và đã đọc cuốn nhật ký của cậu ta. Và nhiều trang nhật ký trên đã được công bố từ giai đoạn Liên Xô bắt đầu bước vào cải tổ.
Đây là một đoạn ghi chép trong cuốn nhật ký của Lev Fedotov đề ngày 5/6/1941: “Cho dù nước Đức hiện nay đang có quan hệ thân thiện với chúng ta, nhưng tôi tin tưởng rằng, đó chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài Hồi tháng 3, khi quân Đức đổ bộ vào Phần Lan, tôi càng quả quyết hơn về một âm mưu bí mật của quân Đức chuẩn bị tấn công nước ta không chỉ từ phía Ba Lan mà còn từ Rumani, Bungari và Phần Lan
Tôi nghĩ rằng, chiến tranh sẽ bắt đầu vào nửa cuối tháng này hoặc là vào đầu tháng 7 nhưng không thể muộn hơn. Rõ ràng là quân Đức sẽ cố gắng kết thúc cuộc chiến trước khi mùa đông băng giá bắt đầu
Quân phát xít có lẽ sẽ không tuyên chiến mà sẽ dùng thủ đoạn tấn công bất ngờ Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng, quân Đức đang có một sức mạnh vượt trội từ bộ máy công nghiệp quân sự đã được chuẩn bị kỹ càng từ nhiều năm. Chúng sẽ chiếm được những vùng lãnh thổ đáng kể của chúng ta trong nửa đầu của cuộc chiến
Quân phát xít sẽ bao vây Leningrad nhưng không thể chiếm được thành phố này. Đối với Moskva cũng vậy, nếu như không thể khép chặt vòng vây trước mùa đông, khu vực này sẽ trở thành một nấm mồ đối với chúng ”
Trong nhật ký còn nói rõ nhiều chi tiết cụ thể như những hướng tấn công chính của quân Đức, những thành phố bị đánh chiếm hay không thể đánh chiếm. Còn đây là một đoạn nhật ký được ghi vào đúng ngày 21/6/1941:
“ Quả thực là trong những ngày gần đây, mỗi khi thức dậy, tôi đều tự hỏi mình: Liệu vào giờ này, súng đã nổ ở biên giới chưa? Bây giờ là thời điểm chờ đợi cuộc chiến từng ngày một”.
Đến khi thông tin về cuộc chiến chính thức được tuyên bố, Lev Fedotov đã viết với một tâm trạng hoảng hốt: “Tôi đã bị sửng sốt thực sự khi ý nghĩ của mình lại trùng hợp với thực tế Tôi cảm thấy như mình muốn quên đi tất cả. Mới tối hôm qua, tôi còn viết về một cuộc chiến do mình đoán ra và bây giờ, nó đã trở thành hiện thực”.
Dù rất bối rối ngay trong ngày đầu của chiến tranh nhưng khả năng tiên tri vẫn không để cho Fedotov được yên: “Tôi nghĩ rằng, cuối cùng chỉ còn có kẻ mắc bệnh biến thái nhân cách là Hitler cùng với con khỉ đuôi dài Goebbels còn gào thét trên báo chí về âm mưu đánh chiếm nước Nga ngay cả khi quân đội của chúng ta tấn công Berlin”.
Vào thời hiện đại như ngày nay, việc dự đoán những tình hình hay xu hướng chính trị trong tương lai là điều không quá khó đối với những người am hiểu. Nhưng kết quả dự đoán của Fedotov chỉ có thể giải thích bằng một khả năng tiên tri đặc biệt, nếu tính đến những điều kiện thông tin hạn hẹp về các phương tiện thông tin đại chúng vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Sau khi chiến tranh nổ ra, số lượng ghi chép trong nhật ký của Fedotov đã giảm đột ngột. Nhưng đến ngày 12/7/1941, trong nhật ký lại xuất hiện một nhận xét: “Nước Mỹ sẽ tham chiến chỉ khi nào họ bị ép buộc. Do người Mỹ chỉ ưa thích sản xuất vũ khí, dành thời gian để xem xét các đạo luật chứ không muốn đánh nhau”.
Còn trong một đoạn nhật ký viết từ một tháng trước đó, Fedotov đã viết: “Rất có thể sau khi chiến thắng chủ nghĩa phát xít, chúng ta phải đương đầu với một kẻ thù mới, đó là chủ nghĩa tư bản tại Anh và Mỹ”.
Nhưng cũng như nhiều nhà tiên tri khác, Fedotov cũng có những nhận định không đúng. Ví dụ như trong một đoạn viết đề ngày 27/12/1940, cậu ta khẳng định người Mỹ sẽ bay lên sao Hoả vào năm 1969. Trong khi vào năm đó, người Mỹ không phải đặt chân lên sao Hoả mà đặt chân lên Mặt Trăng.
Cuối cùng, Fedotov cũng có những đoạn viết bình luận về khả năng dự đoán của mình: “Thực ra, tôi không có ý định trở thành một nhà tiên tri. Tôi có thể sai lầm trong tất cả những dự đoán của mình nhưng tất cả những ý nghĩ nảy sinh trong đầu tôi đều có liên quan đến tình hình quốc tế khi đó. Những suy luận và phỏng đoán mang tính logic đã giúp tôi kết nối chúng lại”.
Theo các nhà khoa học, khả năng tiên tri không chỉ bao gồm mỗi việc dự đoán tương lai mà còn cả việc đoán trước thực tế mà khi đó con người không thể đánh giá bằng cảm nhận thực tế. Trường hợp đặc biệt của Lev Fedotov cũng có thể được giải thích như vậy. Đó có lẽ là một khả năng đặc biệt của Fedotov biết xác định những mối quan hệ giữa các sự kiện và hiện tượng, trong khi phần lớn những người xung quanh đều không thể nhìn thấy.
Tuệ Tâm (t/h)