Nhật ký của quan to ‘ngã ngựa’: Làm quan giống như kỹ nữ
Thông qua nhật ký của quan tham ‘ngã ngựa’ Chu Bản Thuận, Thời báo Tài chính (Financial Times, Anh) đã tiết lộ bức màn đen tối quan trường Trung Quốc như chiếc cối xay thịt tanh mùi máu.
Về nhật ký của tham quan “ngã ngựa”, có nhiều phiên bản lưu truyền khác nhau. Trong đó, về nhật ký của Chu Bản Thuận, trên mạng lưu truyền nội dung như dưới đây.
Nhật ký của Chu Bản Thuận được phơi bày
Ngày 16/10/2015, cấp dưới của Chu Vĩnh Khang, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc Chu Bản Thuận “ngã ngựa”, cơ quan chức năng đã tìm được một cuốn nhật ký trong phòng làm việc của Chu Bản Thuận. Nhật ký ghi lại “cảm ngộ” của Chu Bản Thuận trong 40 năm làm quan, và tiết lộ nội tình chân thực trong quan trường của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chu Bản Thuận ví quan trường của ĐCSTQ như “địa ngục nhân gian”, là chiến trường dùng đến mặt ác của nhân tính, dựa vào quyền thế, chiếm đoạt quyền lực, chiếm hữu tài phú, những “nguyên liệu” không phải “đặc thù” thì không thể tồn tại.
Theo thông tin, sau khi vụ án Chu Vĩnh Khang chính thức công khai vào năm 2014, cấp dưới của Chu Vĩnh Khang lần lượt biểu đạt thái độ cắt đứt chính trị với y, và thái độ của Chu Bản Thuận là “kiên quyết” và rõ ràng.
Tuy nhiên, chiều tối 24/7/2015, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đột nhiên công bố, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc kiểm Chủ nhiệm Ủy ban thường ủy Nhân đại tỉnh Hà Bắc Chu Bản Thuận “liên quan đến vi phạm nghiêm trọng kỷ luật”, đang bị điều tra.
Chu Bản Thuận trở thành Bí thư tỉnh đương nhiệm “ngã ngựa” đầu tiên từ sau Đại hội 18 ĐCSTQ. Tất cả những điều này cho thấy có chút đột ngột, bởi vì ban ngày Chu Bản Thuận vẫn còn ngồi ghế chủ tịch để chủ trì cuộc họp.
Được biết, Chu Bản Thuận là người đầu tiên tham dự vào kế hoạch chính biến của Chu Vĩnh Khang, sau khi ông Tập Cận Bình bắt Chu Vĩnh Khang, đã không lập tức động đến Chu Bản Thuận. Đến năm 2015, trước khi diễn ra Hội nghị Bắc Đới Hà, phóng viên lâu năm tại Hồng Kông là Khương Duy Bình mới có bài báo tiết lộ, Chu Bản Thuận tham dự vào cuộc chính biến thứ 2 của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, đồng thời bịa ra một bản cáo tuyệt mật gây khó dễ cho chính quyền ông Tập Cận Bình, tức được gọi là “Bom hạt nhân chính trị”, do đó mới bị ông Tập Cận Bình nhanh chóng lôi xuống.
Có bình luận cho biết, buổi chiều trước hôm bị “ngã ngựa”, Chu Bản Thuận vẫn còn vui vẻ và vênh váo hống hách trước mặt dân chúng, nhưng sau đó là phải sống nốt quãng đời trong lao tù. Đây là sự mô tả một cách chân thực đầy kịch tính đối với quan chức của ĐCSTQ. Ngày 15/2/2017, Chu Bản Thuận bị phạt tù 15 năm vì tội nhận hối lộ.
3 loại người trong quan trường
Nội dung nhật ký của Chu Bản Thuận được truyền thông công bố gồm 3 phần: 7 phép biện chứng nơi quan trường; 20 điều cần chú ý nơi quan trường; 8 quy tắc ngầm nơi quan trường. Trong đó có hé lộ phần nào về thế giới quan và nhân sinh quan trong của các quan to của ĐCSTQ.
Chu Bản Thuận đã tiết lộ hàng loạt phép tắc trong quan trường ĐCSTQ: quyền lực là trọng tâm vận hành của quan trường, mọi thứ do quyền lực điều khiển, và quyền lực dường như không chịu kìm hãm nào.
Chu Bản Thuận phân chia thuộc cấp thành 3 loại: dễ dùng, hữu dụng và vô dụng; đối ứng lần lượt là, dễ nghe lời, không nghe lời và lãnh đạo sai đâu đánh đó; ba loại người này, lần lượt được lãnh đạo dùng làm việc chính sự, việc riêng và việc xấu.
Kết cục lần lượt là: thuộc cấp làm chính sự do không nghe lời nên thường bị lãnh đạo mượn cớ gạt sang một bên; thuộc cấp làm việc riêng, do biết nghe lời nên thường được lãnh đạo khen thưởng và trọng dụng; thuộc cấp làm việc xấu lại thường thường trở thành con dê thế tội cho lãnh đạo.
Chu Bản Thuận nói thẳng: “Lãnh đạo đối với thuộc cấp hữu dụng thường là bề ngoài thì thăng cấp nhưng lại ngầm trù dập vừa đánh vừa gây áp lực, làm mai một nhuệ khí và sự hăng hái của họ; đối với thuộc cấp dễ dùng là vừa đấm vừa xoa, ân huệ và uy nghiêm đồng thời sử dụng; đối với thuộc cấp vô dụng là đề bạt trọng dụng, chiếu cố họ để họ có quyền lực tận và tâm nghe lời”.
Chu Bản Thuận đặc biệt nhắc nhở: Thà dùng kẻ tầm thường chứ không thể dùng nhân tài. Trong bầu không khí quan trường này, tiểu nhân trong quan trường ĐCSTQ như cá gặp nước, người chính trực có tài năng lại lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Ý kiến của lãnh đạo không thể nhắc
Trong “20 điều chú ý nơi quan trường”, Chu Bản Thuận tổng kết rằng: đầu tiên, “ý kiến của lãnh đạo không được nhắc đến”.
Thứ hai là, “cách nhìn của lãnh đạo chính là cách làm của bản thân”. Mỗi đơn vị chỉ có một cách nhìn, đó chính là cách nhìn của người đứng đầu.
Thứ ba, “người bên cạnh lãnh đạo tương đương với một nửa lãnh đạo”. Người được gọi là người bên cạnh lãnh đạo, chính là thư ký, bảo vệ, lái xe, người nhà, v.v. Đối với nhóm người này, cần phải có sự tôn trọng thích đáng, từ trong tâm phải coi họ là lãnh đạo, lời nói cử chỉ phải coi họ là cấp trên.
Làm quan giống như kỹ nữ
Đối với việc người trong quan trường đối đãi và nói chuyện như thế nào, Chu Bản Thuận cho rằng, làm quan giống như làm kỹ nữ, cần phải học cách nói dối.
Trong “8 quy tắc ngầm nơi quan trường”, Chu Bản Thuận viết, “Cần học nói lời giả dối, và càng phải giỏi nói dối. Cần coi việc nói dối như một thói quen, không, cần coi như là sự nghiệp, nói dối đến mức mà bản thân cũng phải tin là thật”. Chiểu theo yêu cầu này, một người muốn làm quan đầu tiên phải tiêu diệt lương tri của chính mình.
Chu Bản Thuận còn nói, “kỹ nữ và làm quan là 2 nghề giống nhau nhất, chỉ có điều làm quan là bán miệng. Nhớ kỹ, sau khi làm quan, miệng của anh không chỉ là thuộc về của anh, mà nói điều gì là cần phải căn cứ vào nhu cầu”.
Về mạng lưới quan hệ trong quan trường, Chu Bản Thuận cho rằng, làm người trong quan trường quan trọng nhất, là khi làm việc có biết được việc nào là không quan trọng. “Cần phải đặt việc biết làm người ở vị trí đầu tiên, sau đó mới suy xét đến làm việc”.
Chu Bản Thuận giải thích, biết làm người chính là biết xử lý quan hệ, chính là coi mình là một điểm, trong mạng lưới thì điểm này được đan vào trên dưới trái phải, và nó trở thành một phần liên kết mạng lưới.
Chu nói, “Mở cuộc họp cần tạo nhiều thanh thế, ít làm việc thực”, lấy việc tạo thanh thế thay cho làm việc thật, đây là tinh thần nghề nghiệp của một quan chức cấp cao.
Mục đích làm quan là lợi ích
Trong “8 quy tắc ngầm nơi quan trường”, có 2 điều liên quan đến chân lý và tri thức: “Không được truy cầu chân lý, cũng không thể đi tìm hiểu diện mạo vốn có của sự vật”. “Cần có bằng cấp, nhưng không thể thực sự có tri thức, nếu thực sự có tri thức thì sẽ hại chính bản thân mình”.
Trong quan trường, ngoài việc học cách phục tùng và nói dối, còn cần loại bỏ dây thần kinh tinh thần của chính mình, làm một người cách xa chân lý và tri thức. Bởi vì “có tri thức rồi, thì anh sẽ có suy nghĩ độc lập, mà suy nghĩ độc lập chính là đại kỵ của một người làm quan”.
Chu Bản Thuận nói thẳng, “Chớ nhìn vào lãnh đạo hiện nay đều là học vị thạc sĩ, tiến sĩ, đó đều là giả. … Nhớ kỹ, tiến sĩ thực sự thì chẳng thèm làm quan, cũng vĩnh viễn không làm nổi quan hoặc làm không tốt”.
Chu Bản Thuận nói, “Cần nhớ thật kỹ điều này: Điều có lợi cho bản thân, thì là chính xác. Thực tại không nắm chắc được, thì cần giản hóa thành: Lãnh đạo cấp trên đề xướng mà không có trở ngại nào cho bản thân thì là chính xác”.
Cuối cùng Chu Bản Thuận tổng kết: “Mục đích làm quan là gì?”, “Xin hãy nhớ kỹ: là lợi ích”. Đây có thể coi là giải thích thấu đáo nhất đối với tham quan của ĐCSTQ.
>>>Toàn cảnh cục diện đấu đá phe cánh trong quan trường Trung Quốc
>>>Nữ tham quan Trung Quốc loạn dâm không kém cánh mày râu
Theo Trithucvn