Toàn cảnh cục diện đấu đá phe cánh trong quan trường Trung Quốc
Giới quan sát nhận định rằng, trong thời gian diễn ra Đại hội 19 và “lưỡng hội” năm 2018, đã có những trao đổi ngầm giữa hai phe Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình. Cục diện hiện nay tại Trung Quốc, chính là kết quả thỏa hiệp giữa hai phe cánh.
Việc sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc, bao gồm bỏ hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước, được thông qua tại Quốc hội Trung Quốc lần này bị nhiều nhận định cho rằng nhằm mở đường để ông Tập Cận Bình kéo dài thời hạn cầm quyền.
Tại Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 2017, qua những “trao đổi ngầm” tại đại hội, có cơ quan truyền thông nước ngoài nghi ngờ đây là sự trao đổi giữa hai phe Tập và Giang trong vấn đề nhân sự và đưa “tư tưởng Tập Cận Bình” vào Điều lệ Đảng. Theo một phân tích khác, việc tướng “đả hổ” Vương Kỳ Sơn phải giải nhiệm nhưng hiện đã trở lại mạnh mẽ chính là kế sách liên quan đến sự thỏa hiệp này.
Sau trao đổi ngầm tại “lưỡng hội”, Trương Đức Giang cung kính với Lật Chiến Thư
Ngày 26/3, nhà văn Trung Quốc Trần Phá Không (Chen Pokong) hiện sống tại Mỹ đã có bài viết đăng trên Đài Á châu Tự do (RFA) nhận định rằng, việc hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước của ĐCSTQ lần này là một thỏa thuận chính trị. Một bên trong thỏa thuận này là ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn, phía bên kia là “hổ già” chính trị (ám chỉ cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân) và Ủy viên trưởng Nhân đại Trương Đức Giang sắp giải nhiệm.
Theo ông Trần Phá Không, nội dung của thỏa thuận này là “hổ già” chính trị và Ủy viên Thường vụ giải nhiệm Trương Đức Giang yêu cầu ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn ngừng chống tham nhũng trong giới lãnh đạo cấp cao, còn Tập và Vương cũng nắm lấy cơ hội để hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước.
Ông Trần Phá Không đã liệt kê một loạt các bằng chứng ủng hộ sự kiện này:
Ví dụ, dịp Tết năm 2018, trong bài phát biểu chúc mừng năm mới của ông Tập Cận Bình, lần đầu tiên không đề cập đến “chống tham nhũng”, ông Trần Phá Không cho rằng điều này cho thấy hai bên đang trong quá trình mặc cả chưa xong. Sau đó chính quyền ông Tập tung ra chiến dịch “quét đen trừ ác”, tức chuyển hướng chống tham nhũng từ cấp cao xuống cấp cơ sở, chuyển góc nhìn và phương hướng.
Sau đó, vào trước ngày khai mạc “lưỡng hội” năm 2018, trong phiên họp Đảng bộ của Nhân đại, ông Trương Đức Giang động viên: Phải đảm bảo để quan điểm của ĐCSTQ trở thành luật, phải đảm bảo người được ĐCSTQ lựa chọn trở thành nhà lãnh đạo quốc gia.
Trong thời gian “lưỡng hội”, Ủy viên trưởng Nhân đại Trương Đức Giang lại công khai ủng hộ ông Tập Cận Bình bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước.
Ngày 11/3, tại Hội nghị Nhân đại, sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp thông qua, ông Trương Đức Giang đã vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng ông Tập Cận Bình. Ông Trần Phá Không cho rằng, hành động của ông Trương Đức Giang có ý là: Nhiệm vụ tôi giúp anh đã hoàn thành!
Đến ngày 12/3, trong báo cáo công tác Ban Thường vụ Nhân đại cuối cùng của nhiệm kỳ, ông Trương Đức Giang ít nhất 34 lần đề cập đến tên “Tập Cận Bình” theo nhiều cách khác nhau, chủ yếu là tuyên bố kiên quyết bảo vệ quyền hạn và địa vị “Tập hạt nhân”.
Hành động đặc biệt nhất là tại Đại hội Nhân đại vào ngày 17/3, khi ông Lật Chiến Thư tuyên bố tiếp quản chức Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc thay ông Trương Đức Giang, ông Trương Đức Giang đã đứng dậy và cúi sâu người hướng về ông Lật Chiến Thư.
Ông Trần Phá Không nhận định, theo thông lệ thì ông Trương Đức Giang chỉ cần đến bắt tay ông Lật Chiến Thư chúc mừng là được. Người phải cúi khom người đúng ra phải là ông Lật Chiến Thư, vì để cảm ơn người tiền nhiệm. Thái độ bất thường của ông Trương Đức Giang có thể hiểu ngầm là: Đừng quên thỏa thuận mà chúng ta đạt được, tôi cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, vì thế sau khi tôi nghỉ hưu không được điều tra tôi và gia đình tôi.
Có chuyên gia phân tích, trong sự kiện chính trị quan trọng như vậy, động thái của ông Trương Đức Giang tất nhiên không phải là hành động không chủ ý. Đặc biệt là xuất hiện trong ống kính của truyền hình trung ương, phía sau hành động này có nhiều ẩn ý.
Đài Phát thanh Hy vọng (SOH) tại Mỹ có nhận định, ông Trương Đức Giang về hưu không chỉ là vấn đề mất ghế quyền lực, từ thái độ qua ống kính cho thấy ông ta thiếu tự tin về tương lai có thể “hạ cánh” an toàn.
Trước khi giải nhiệm dĩ nhiên ông Trương Đức Giang phải có tính toán khác. Trong 5 năm nhiệm kỳ đầu của ông Tập Cận Bình, các Ủy viên Ban Thường vụ phái Giang như Trương Đức Giang, Lưu Vân Sơn, Trương Cao Lệ luôn đối đầu phe cánh ông Tập Cận Bình. Nhờ sắp xếp của ông Giang Trạch Dân, ông Trương Đức Giang tiếp quản chức Ủy viên trưởng Nhân đại từ tay thân tín Ngô Bang Quốc của ông Giang Trạch Dân. Ông Trương Đức Giang đã sử dụng quyền lập pháp của Nhân đại mà bản thân nắm giữ để gây nhiều khó khăn cho ông Tập Cận Bình, đặc biệt trong các vấn đề Hong Kong và Ma Cao.
Chi tiết thỏa thuận ngầm tại Đại hội 19?
Đại hội 19 ĐCSTQ vào tháng 10/2017, kết quả cuối cùng là tướng “đả hổ” Vương Kỳ Sơn của ông Tập Cận Bình không thể ở lại Ban Thường vụ Bộ Chính trị, bàn giao lại trọng trách cho ông Triệu Lạc Tế, còn ông Hàn Chính phái Giang thì vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị nhưng ở vị trí cuối cùng, đồng thời là sự xuất hiện một loạt thân tín của ông Tập Cận Bình trong Bộ Chính trị, như vậy ảnh hưởng của phái Giang vẫn còn tồn tại. Đây cũng được coi là kết quả của sự thỏa hiệp giữa hai phe Tập – Giang.
Giao tranh giành quyền lực của Trung Nam Hải tại ngày mở màn Đại hội 19 cũng được giới truyền thông nước ngoài phân tích chi tiết. Trong khi ông Tập Cận Bình đọc báo cáo công việc đã có hiện tượng “rỉ tai nhau” giữa hai phe Giang và Tập, tình tiết này được giới truyền thông toàn cầu nhận định là “đạt được thỏa thuận”.
Theo Nikkei của Nhật Bản tiết lộ, tại Đại hội 19, trong thời điểm ông Tập Cận Bình đọc báo cáo công tác dài đến ba tiếng rưỡi, trong bối cảnh mọi người ngồi nghe làm việc riêng đã diễn ra quá trình thỏa thuận âm thầm giữa hai phe: một viên thư ký đi đến cạnh thì thầm vào tai ông Đinh Tiết Tường (Chủ nhiệm Văn phòng Tập Cận Bình) và mở ra một mảnh giấy, hai người thì thầm bàn luận một lúc. Sau đó, viên thư ký này lại đi đến bên cạnh ông Lật Chiến Thư (Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương) ngồi hàng ghế trước, hai người cùng nhìn tờ giấy và thì thầm tai nhau. Sau đó, viên thư ký lại đi đến cạnh ông Lưu Vân Sơn (khi đó là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị), cho ông ta xem mảnh giấy. Ông Lưu Vân Sơn không nói chuyện với viên thư ký mà quay sang thì thầm với ông Trương Đức Giang.
Tình tiết hai phe trao đổi với nhau qua mảnh giấy này dưới con mắt tò mò của nhiều tổ chức truyền thông toàn cầu được xem là “đạt được thỏa thuận”. Tham gia vào thỏa thuận này có hai Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị (phái Giang) khi đó là ông Lưu Vân Sơn và Trương Đức Giang. Còn ông Đinh Tiết Tường và Lật Chiến Thư là thân tín của ông Tập Cận Bình.
Không thể biết được nội dung trong mảnh giấy là gì. Tuy nhiên, sau khi ông Tập Cận Bình đọc xong báo cáo công tác, ông Lưu Vân Sơn đã nhiệt liệt tán dương cái gọi là “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc kỷ nguyên mới của Tập Cận Bình”, còn ông Trương Đức Giang thì ca ngợi tư tưởng Tập Cận Bình là “điểm sáng lớn nhất của cả đại hội”.
Truyền thông Nhật Bản phân tích, khi đối thủ của ông Tập Cận Bình buộc phải ủng hộ ghi tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng, cho thấy ông Tập Cận Bình đã giành được chiến thắng.
Ngoài ra, có phân tích cho rằng, nội dung trên tờ giấy có liên quan đến danh sách thành viên Bộ Chính trị hoặc Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ được xác lập tại Đại hội 19, có hai ứng viên tiêu biểu mà ban đầu được xác định là ứng viên tiếp quản quyền lực tối cao của ĐCSTQ nhưng đã không lọt được vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị: Hồ Xuân Hoa và Trần Mẫn Nhĩ. Thay vào là hai thân tín của ông Tập Cận Bình là Lật Chiến Thư và Triệu Lạc Tế, “quân sư” ba thế hệ là Vương Hộ Ninh được vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị với tư thế quân đen, ông Hàn Chính phái Giang chiếm được một ghế vị trí cuối cùng (thứ 7). Thân tín quan trọng nhất của ông Tập Cận Bình là Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn phải rút lui.
Trong số 25 thành viên của Bộ Chính trị khóa mới, có ít nhất 15 người là thân tín của ông Tập Cận Bình, nhưng cũng còn nhiều nhân vật mang màu sắc phái Giang. Kết quả cho thấy ông Tập Cận Bình không thể chiến thắng hoàn toàn, Đại hội 19 đã chưa thể phá vỡ thế cân bằng đáng sợ giữa các phe phái.
Trả lời VOA Mỹ, ông Ngô Quốc Quang (Wu Guoguang), Giáo sư khoa học chính trị và khoa học lịch sử tại Đại học Victoria ở Canada (từng là thuộc cấp của cố lãnh đạo ĐCSTQ Triệu Tử Dương) cho biết, Đại hội 19 ông Tập Cận Bình phần nào thực hiện được những nỗ lực tập trung quyền lực mà ông ta đã cố gắng gây dựng trong 5 năm nhiệm kỳ đầu; tuy nhiên thế cân bằng phe phái vẫn còn. Mức độ thỏa hiệp của ông Tập Cận Bình khoảng 30%.
Tạp chí Tiền Tiêu tại Hong Kong số tháng 12/2017 chỉ ra, ông Tập Cận Bình đã không khống chế được hoàn toàn tình hình nhân sự tại Đại hội 19, danh sách Ban Thường vụ khóa mới là hệ quả thỏa hiệp giữa các bên. Tâm điểm của ván cờ là ông Vương Kỳ Sơn, phái Giang phải liều mạng trong hạ bệ tướng “đả hổ” này. Những nhân vật chủ chốt ngăn cản Vương Kỳ Sơn ở lại phải kể là cựu lãnh đạo Tăng Khánh Hồng và các Ủy viên Ban Thường vụ mãn nhiệm như Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang và Trương Cao Lệ.
Kế sách của Tập và Vương đã thành công?
Ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn liên thủ chống tham nhũng trong nhiệm kỳ 5 năm khóa đầu, dù Đại hội 19 ông Vương Kỳ Sơn phải trao trả toàn bộ chức vụ, nhưng đột nhiên vào cuối tháng Giêng năm nay Vương lại trở thành đại biểu Nhân đại toàn quốc (đại biểu Quốc hội), sau đó ngày khai mạc “lưỡng hội” lại nằm trong Đoàn Chủ tịch.
Hội nghị lần thứ nhất Nhân đại khóa 13; ngày 17/3, ông Vương Kỳ Sơn “trúng cử” Phó chủ tịch nước Trung Quốc chỉ với một phiếu chống. Khi kết quả bầu cử được công bố, Tập và Vương nắm chặt tay nhau, nét mặt ông Tập Cận Bình đầy mãn nguyện.
Cho đến nay, nhiều nhận định cho rằng ông Vương Kỳ Sơn không chỉ là “Ủy viên thứ 8 của Ban Thường vụ ” mà còn là “nhân vật thứ 2”.
Theo nhận định của “Thái tử Đảng” La Vũ (cùng thế hệ ông Tập Cận Bình) trên tờ Vision Times tại Mỹ, ông Vương Kỳ Sơn giải nhiệm tại Đại hội 19 là một kế sách, nhằm loại bỏ các Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khác (Trương Đức Giang, Trương Cao Lệ, Lưu Vân Sơn), để buộc những người này phải vui vẻ giải nhiệm, sau đó Vương sẽ trở lại chính trường sau.
Ông La Vũ suy luận rằng đây là “mẹo nhỏ” của ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn. Nhưng “mẹo nhỏ” này không vi phạm nguyên tắc của ĐCSTQ, vì thế mà trong Đảng không ai có thể phàn nàn được.
Quan sát cho thấy, trong thời gian “lưỡng hội”, nhiều quan chức cấp cao đã tranh giành bắt tay, trò chuyện với ông Vương Kỳ Sơn. Khi Vương bỏ phiếu thì vỗ tay hưởng ứng mạnh hơn cả các Ủy viên Thường vụ khác. Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) có bình luận, thái độ của các quan chức cao cho thấy họ đang sợ hãi về sự trở lại mạnh mẽ của Vương Kỳ Sơn.
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng Vương Kỳ Sơn trở lại trong vai trò là Phó Chủ tịch nước chủ yếu là tham gia vào công tác đối ngoại, hiện nay không thể thấy ảnh hưởng của cựu tướng “đả hổ” này trong hành động chống tham nhũng bước tiếp theo.
Theo Trithucvn