Nhật Bản thử nghiệm siêu tàu điện chạy 500 km/h
Lần đầu tiên, một thế hệ tàu điện mới có khả năng di chuyển với vận tốc cực nhanh đã được công bố tại Nhật Bản, đủ sức vận chuyển 1.000 hành khách với tốc độ bằng một nửa các loại phi cơ phản lực tối tân.||
Chiếc tàu điện thuộc dòng L0 với chiều dài gần 28m với phần mũi mang kiểu dáng khí động học dài hơn 13m. Khoang đầu tàu được trang bị 24 ghế ngồi nhưng trọng tải tối đa là 16 toa chở khách cho phép nó vận chuyển 1.000 hành khách với vận tốc 500 km/h. Được thiết kế bởi tập đoàn Đường sắt miền Trung Nhật Bản (JR Tokai), loại tàu mới sẽ được phổ dụng ở Nhật Bản vào năm 2027. Đoàn tàu sẽ liên kết sân ga Shinagawa của trung tâm Tokyo với ga Nagoya.
Hiện phải mất 90 phút để các loại tàu truyền thống hoàn thành quãng hành trình trên nhưng tàu cao tốc thế hệ mới sẽ cắt giảm chuyến đi xuống còn 40 phút. Để đạt được thành tựu đó, tàu hỏa thế hệ mới hoàn toàn không được trang bị bánh xe, cho phép nó giảm thiểu tối đa lực ma sát với đường ray. Chính vì lẽ đó, những chuyến tàu thế hệ mới sẽ di chuyển êm và nhanh hơn. Trên thực tế, các loại tàu điện trên toàn thế giới đều là loại tàu đệm không khí, sử dụng từ trường do các nam châm điện tạo ra nhằm nhấc bổng cả đoàn tàu lên không trung. Cũng chính từ trường được sử dụng để tạo lực đẩy cho các đoàn tàu, giúp chúng trở thành phương tiện trên bộ di chuyển nhanh và êm ái nhất từng được chế tạo. Tuy nhiên, với chi phí ước tính lên tới 8,44 nghìn tỷ yên (hơn 100 tỷ USD), thế hệ tàu điện ngầm mới của Nhật Bản hứa hẹn tạo ra bước đột phá cho ngành công nghiệp chế tạo tàu điện trên toàn thế giới. Nhật Bản cũng sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu hệ thống siêu tàu điện ngầm quy mô, mở ra khả năng xuất khẩu những sản phẩm công nghệ này ra nước ngoài. Mặc dù mẫu thử nghiệm đầu tiên đã được đưa vào hoạt động nhưng các chuyên gia JR Tokai vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Yasukazu Endo, người đứng đầu trung tâm phát triển tàu điện mới cho biết: “Thông qua thử nghiệm, chúng tôi muốn kiểm tra tất cả những chi tiết, nhằm đảm bảo sản phẩm trở thành phương tiện vận chuyển thoải mái và tiện lợi”. Hồng Duy Theo Infonet |