Nhân duyên tiền định giữa Huyền Trang và Tam Xa hòa thượng
Chuyện trên đời không thể không nhắc đến chữ “duyên”. Đã là “hữu duyên” thì dù đường xa vạn dặm vẫn sẽ gặp lại. Vậy mới nói, những người mà ta gặp gỡ trên đường đời, không ai là vô duyên vô cớ.
Trong những nhân tài tinh thông phiên dịch ngoại ngữ thời xưa, thì tăng nhân chiếm một lượng rất lớn. Tăng nhân đại Đường – Huyền Trang, tây du đến Thiên Trúc, du học một mạch 17 năm. Khi quay trở về đại Đường, đã thông thạo ngôn ngữ của 5 nước tại Thiên Trúc, riêng tiếng Phạn giống như tiếng mẹ đẻ.
Đường Tăng mang về hơn 600 bộ kinh Phật, vì thế để nhanh chóng dịch hết bộ kinh Phật này, vua Đường Thái Tông đã chọn ra những nhân tài tinh thông ngoại ngữ và kinh Phật, bất kể là quan dân hay tăng tục đều toàn lực hiệp trợ Đường Tăng.
Khuy Cơ, một quý tộc trẻ tuổi, sau khi được Đường Tăng dốc lòng đào tạo, cũng đã trở thành một người phiên dịch rất giỏi. Khuy Cơ trước kia sống trong nhung lụa, xuất thân trong gia đình quan lại, không bị trói buộc, vậy vì nhân duyên gì mà lại đi vào Phật môn? Liên quan đến chuyện này còn có một tin đồn thú vị.
Cao tăng triều đại nhà Đường – Khuy Cơ là con trai của Uất Trì tướng quân. Mẫu thân của Khuy Cơ là Bùi Thị, khi mang thai ông, từng mơ thấy trong tay của mình nâng một vầng trăng tròn sáng tỏ, khi bà tò mò giơ trăng lên cao, ngửa mặt lên xem, không ngờ lại nuốt trăng sáng vào trong bụng, sau khi thai nhi đủ tháng, bà sinh ra Khuy Cơ.
Khuy Cơ xuất thân trong gia đình vương hầu quý tộc, thủa thiếu niên sống trong nhung lụa. Một ngày, Khuy Cơ cùng những anh em trong gia tộc mình cưỡi ngựa đến thành bên ngoài Trường An, dạo chơi trong Tiết Thanh minh. Không ngờ con ngựa mà Khuy Cơ cưỡi lại chạy theo một vị tăng nhân, chạy rất nhanh.
Sau đó con ngựa đột nhiên ngửa mặt lên trời, hí một tiếng, khiến Khuy Cơ ngã văng xuống đất, đúng ngay trước mặt của vị tăng nhân. Vị tăng nhân này chính là Huyền Trang pháp sư. Huyền Trang khi nhìn thấy Khuy Cơ, trong nội tâm cảm thấy có gì đó chấn động, giống như là đã từng gặp nhau ở nơi nào đó rồi.
Khuy Cơ mặc dù xuất thân trong gia đình quý tộc, nhưng từ nhỏ đã đi theo cha mẹ lễ Phật, vì thế nên cũng biết kính trọng tăng nhân. Khuy Cơ chắp tay trước ngực quỳ lạy Huyền Trang. Huyền Trang hỏi Khuy Cơ: “Ngươi là công tử nhà ai?”.
Khuy Cơ nói, mình là con trai của tướng quân Uất Trì Tông. Huyền Trang cảm giác thấy Khuy Cơ có cái gì đó rất quen, nhưng nhất thời lại nghĩ không ra là đã gặp nhau ở nơi nào. Vì thế nên đã cáo biệt để Khuy Cơ đi.
Trở lại chùa, sau khi Huyền Trang ngồi tĩnh lặng suy nghĩ, mới hiểu được vị thiếu niên này rốt cuộc là ai…
Huyền Trang trên đường đi về phía Tây, tiến vào phía Bắc Ấn Độ, chuẩn bị vượt qua núi tuyết. Ngay tại nơi hoang tàn vắng vẻ, phủ đầy băng tuyết này, Huyền Trang phát hiện một vị lão tăng đang nhập định rất sâu. Bởi vì lão tăng này nhập định một thời gian đã quá lâu, nên trên người bụi đất bám dày đặc. Huyền Trang sau khi phủi sạch bụi đất cho lão tăng xong, lấy ra một chiếc khánh (nhạc cụ cổ), ghé vào lỗ tai của lão tăng gõ nhẹ.
Tiếng nhạc phát ra từ chiếc khánh đã làm cho lão tăng tỉnh lại. Lão tăng hỏi Huyền Trang, vì sao quấy rầy ông tu hành. Huyền Trang nói, mình là tăng nhân từ Đông thổ đại Đường, đang đến Thiên Trúc để thỉnh kinh của Phật Thích Ca. Lão tăng nghe xong, mắt sáng ngời, kinh ngạc nói: “Chẳng lẽ Phật Thích Ca đã xuất thế?”.
Lần này đến lượt Huyền Trang kinh ngạc: “Phật Thích Ca đã viên tịch hơn một nghìn năm rồi”. Lão tăng tiếc nuối nói, ông là lão tỳ khưu trong thời Phật Ca Diếp, bởi vì biết trước Phật Thích Ca sẽ đến thế gian, cho nên ngồi nhập định chờ đợi Ngài. Chỉ là không nghĩ rằng thoáng một cái hơn một ngàn năm rồi, đã lỡ mất cơ hội gặp Phật Thích Ca. Vì vậy, ông ấy nói sẽ nhập định thêm một lần nữa để đợi Phật Pháp của Phật Di Lặc.
Huyền Trang lo lắng ông ấy sẽ bỏ qua cơ duyên lần nữa, vì vậy đề nghị ông ta, tốt nhất là bây giờ đến nước đại Đường đầu thai. Đợi đến lúc Huyền Trang thỉnh được kinh Phật về, sẽ truyền lại cho ông, như vậy cũng không uổng công ông ấy ngàn năm chờ đợi.
Huyền Trang dặn dò ông, nhất định chuyển sinh vào gia đình quyền quý, sống trong nhà có mái ngói lưu ly màu vàng, kết duyên với Đường Thái Tông. Lão tăng đã đồng ý.
Tại nước đại Đường, văn thần võ tướng rất nhiều, bọn họ theo Đường Thái Tông kiến công lập nghiệp, được phong vương, phong hầu, được cấp cho chỗ ở sang trọng, có mái đều được lợp bằng ngói lưu ly màu vàng.
Lão tăng vốn không có tinh tế suy nghĩ những chi tiết này, chỉ thấy một căn nhà ngói lưu ly vàng, liền quyết định đầu thai vào nhà đó, nhà này chính là quý phủ của Uất Trì tướng quân.
Con ngựa của Khuy Cơ rất có linh tính, vì thế nên ở ngoài thành Trường An, đã chạy như bay đưa Khuy Cơ tới chỗ Huyền Trang, đây chính là nhân duyên.
Sau đó Huyền Trang đã tranh thủ thời gian đến phủ của Uất Trì tướng quân bái kiến. Đường Tăng sau khi từ Thiên Trúc trở về, tăng tục đại chúng trong thành Trường An đều rất kính trọng ông. Uất Trì tướng quân nghe nói Huyền Trang đến thăm, nên đã đích thân ra nghênh đón.
Trong lúc bắt chuyện, Huyền Trang nói: “Tiểu công tử có ngoại hình trang trọng, khí vũ bất phàm, nếu có thể xuất gia làm tăng, tương lai chắc chắn sẽ tạo nên công đức lớn”.
Uất Trì tướng quân nói: “Đứa trẻ này trời sinh tính tình lỗ mãng, hành vi hung hãn, chỉ sợ pháp sư khó có thể giáo hóa nó”.
Huyền Trang nói: “Nếu không được tướng quân sinh ra, công tử cũng không có khí độ như thế này. Nếu không phải là bần tăng, cũng sẽ không ai có thể phát hiện ra tài năng của công tử”.
Huyền Trang pháp sư cử chỉ nho nhã, một khi mở miệng là ông có thể xuất khẩu thành thơ, nói chuyện rất khéo léo. Sau khi Huyền Trang và Uất Trì tướng quân nói chuyện, Uất Trì tướng quân đã vui lòng cho Khuy Cơ xuất gia.
Nhưng, Khuy Cơ lại phản đối mãnh liệt. Khuy Cơ nói, muốn cậu xuất gia, thì phải thỏa mãn ba điều kiện của cậu, đó là không giới cấm tình dục, không giới rượu thịt, buổi chiều có thể ăn uống (buổi chiều không ăn là một giới của người xuất gia). Huyền Trang vì để sau này từ từ giáo hóa Khuy Cơ, nên đã tạm thời đáp ứng những yêu cầu của Khuy Cơ.
Người xuất gia bình thường đều là xả bỏ những thứ mình thích trước đó. Nhưng Khuy Cơ sau khi xuất gia, phía sau có 3 chiếc xe ngựa đi theo, một xe chở rượu ngon, một xe chở mỹ nhân, một xe chở kinh Phật, rêu rao khắp nơi, rất đặc biệt.
Trường An là đô thị lớn, đông đúc, dân chúng ở Trường An biết rất nhiều các tăng nhân tu sĩ, cũng từng được nghe những câu chuyện ly kỳ. Nhưng cách thức mà Khuy Cơ xuất gia quá đặc biệt, khiến họ cảm thấy vô cùng kinh ngạc, hứng thú, và đặt cho Khuy Cơ biệt danh “Tam Xa hòa thượng” (hòa thượng 3 xe).
Một ngày, Khuy Cơ phụng mệnh đi Thái Nguyên truyền pháp, ba chiếc xe đi theo sau như hình với bóng. Trên đường, một ông lão nhìn thấy ba chiếc xe trang trí vô cùng hoa lệ, liền hỏi: “Đây là xe của ai?”.
Có người trả lời: “Đây là của một hòa thượng xuất gia, mang gia quyến của mình đi theo”. Ông lão thở dài: “Ở đâu có người xuất gia tinh thông Phật Pháp lại mang theo gia quyến như thế này? Đây không phải là đệ tử của Phật!”.
Khuy Cơ sau khi nghe được, đã hoàn toàn tỉnh ngộ, bỏ lại ba chiếc xe, một mình tiến về Thái Nguyên. Từ đó về sau, Khuy Cơ giữ nghiêm giới luật, chăm chỉ học tập Phật Pháp, dưới sự chỉ dạy của Huyền Trang đã học thông thạo ngôn ngữ của 5 quốc gia tại Thiên Trúc. Năm Khuy Cơ 25 tuổi, đã nhận chiếu hiệp trợ Huyền Trang phiên dịch kinh Phật, cuối cùng trở thành một vị cao tăng đại đức.
Lê Hiếu biên dịch