Nhân duyên do trời định, sức người khó thay đổi
Người xưa luôn tin rằng nhân duyên do trời định, dù là ai cũng không thể thay đổi hay né tránh. Nếu không tin bạn hãy đọc câu chuyện dưới đây.
Vào triều Tống có một vị thư sinh trẻ tuổi vô cùng tài hoa, tướng mạo rất anh tuấn. Trong vùng có một tiên sinh học vấn uyên thâm muốn tận lực bồi dưỡng thư sinh này, lại còn muốn gả con gái cho chàng sau khi đỗ đạt công danh.
Sau 4-5 năm, khi đã học tất cả lĩnh vực, thư sinh vào kinh đi thi. Kết quả đương nhiên là áo gấm về nhà, được phong cho chức huyện lệnh. Quần thần cũng nói để chàng ủy khuất một thời gian ngắn, khi nào có chức quan cao hơn trống chỗ sẽ thăng chức cho chàng.
Vị tiên sinh kia lấp tức muốn gả con gái đẹp như tiên nữ của mình cho thư sinh nay đã là quan huyện. Mọi người xung quanh biết tin đều rất hâm mộ chàng.
Vì lễ kết hôn sẽ diễn ra vào 3 ngày sau, chàng nhất thời cao hứng, mang theo thư đồng đi dạo quanh chợ. Vô tình gặp được một bà lão mù, bà nghe tiếng bước chân chàng đi qua lập tức kéo tay lại, muốn tính số mệnh cho chàng. Quan huyện không nghĩ gì nhiều liền sảng khoái đồng ý.
Bà lão kia hỏi: “Có phải con sắp cưới con gái của một vị tiên sinh có học vấn uyên thâm?” Quan huyện trả lời: “Chính xác, đúng là cô ấy”.
Bà lão mù nói: “Nếu là người này, có lẽ không phải vợ con. Người vợ tương lai của con có dung mạo khác xa cô gái này”.
Quan huyện nghe vậy liền hỏi: “Vậy dung mạo nàng ấy thế nào?”
Bà lão mù đáp: “Đó là một người phụ nữ da đen, lùn, đặc biệt trên mặt đầy sẹo”. Ngoài ra, bà còn nói thêm: “Vận làm quan của con không dài, sẽ làm giặc cướp cả đời”.
Nghe xong vị quan huyện trẻ tuổi vô cùng không vui, nghĩ rằng mình đã được hứa hẹn thăng chức, lại còn sẽ cưới vợ đẹp chỉ trong nay mai làm sao có thể có kết cục tệ như thế được. Lập tức chàng trách cứ bà lão nói năng xằng bậy, mất hứng đi về.
Ngày hôm sau, quan huyện đến nhà nhạc phụ tương lai xem còn cái gì cần chuẩn bị hay không. Lúc đến nơi chàng lập tức choáng váng, vị hôn thê xinh đẹp mình chuẩn bị cưới về nhà đang nằm trong quan tài đặt trước sân.
Gia đình nhà gái thấy chàng đến liền khóc nói: “Đêm qua, nữ nhi của ta đột nhiên kêu đau ngực, chỉ sau chốc lát đã qua đời“. Chàng bất đắc dĩ quay về huyện nha.
Khoảng 1 năm sau, vị quan huyện vẫn chưa kết hôn mặc dù có nhiều người xem trọng tiền đồ của chàng mà muốn gả con gái sang, cũng có nhiều người giúp chàng tìm kiếm đối tượng kết hôn.
Vì thật sự có học vấn rất sâu mà dân phong cũng rất thuần phác, sau khi lên làm quan huyện chàng thư sinh quản lý huyện lị cực kỳ tốt, được dân chúng yêu quý vô cùng.
Đến ngày nọ, có một người bạn nhiều năm không gặp tới chơi. Sau một hồi hàn huyên ôn chuyện, người bạn này bỗng nhiên nói muốn xem con dấu của quan huyện. Cho rằng người bạn chỉ là hiếu kỳ, chàng liền không nghĩ nhiều mà lấy ra cho người kia xem.
Vị bằng hữu này cầm con dấu quan sát một lúc, bất ngờ hô đau bụng xin đi nhờ nhà vệ sinh. Khi trở về người này trả con dấu được đặt gọn trong hộp, chàng chỉ xem qua rồi cất đi, sau đó họ lại tiếp tục hàn huyên. Sáng sớm hôm sau, vị bằng hữu kia liền cáo từ rời đi.
Vài ngày sau, triều đình yêu cầu quan huyện trình báo công văn. Khi chàng viết xong công văn trời đã nhá nhem tối, theo thói quen chàng lấy con dấu ra khỏi hộp rồi đóng dấu luôn mà không nhìn kỹ, sau đó niêm phong, phái khoái mã tức tốc đưa đến Kinh thành.
Qua khoảng 20 ngày, một đoàn quan sai đột nhiên tiến vào huyện nha ra lệnh cách chức điều tra quan huyện. Chuyện này khiến thư sinh và dân chúng phát mộng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mọi người ào ào tới hỏi lý do.
Vị quan do triều đình phái xuống lạnh lùng nói: “Sao ngươi dám vũ nhục triều đình?“
Chàng thư sinh cũng không biết đầu cua tai nheo thế nào nên không thể trả lời được. Người kia không ngờ chàng không biết gì bèn đưa công văn trình báo cho chàng xem. Khi xem đến những chữ triện in dấu cuối công văn là “Đạo tặc Long Sơn”, thư sinh mới giật mình, lập tức phái người đem hộp con dấu ra, lúc nhìn thấy con dấu đã bị đánh tráo chàng liền quỵ ngã ngất đi.
Người xung quanh cuống quýt kêu gọi, ấn huyệt nhân trung… khi chàng tỉnh lại liền nghĩ đến người bạn ghé chơi ngày đó đáng nghi nhất. Vì vậy chàng kể lại chuyện này cho vị quan được phái xuống điều tra mình.
Vậy mà ông ta vẫn khăng khăng cách chức quan huyện, đày đi nơi khác. Ngay lúc đó dân chúng biết rõ việc này liền quỳ xuống cầu xin giúp chàng. Người kia thấy chàng rất được lòng dân bèn nói, “mọi người yên tâm, ta sẽ không để y chịu quá nhiều đau khổ đâu“.
Hôm sau, một đội nhân mã triều đình áp giải thư sinh đến vùng đày ải. Nơi đó không quá xa, lộ trình chỉ khoảng 500 dặm. Khi đi được nửa đường, trời đột nhiên đổ mưa, tất cả mọi người vào dịch quán nghỉ chân uống rượu. Tại đây vị quan triều đình gặp một người mắc bệnh nguy kịch có tướng mạo rất giống thư sinh nên cố ý thả chàng đi, chàng cũng thuận theo chạy trốn.
Sau khi thả người, vị quan triều đình liền mang người bị bệnh sắp chết kia đi đến nơi lưu đày, kết quả chưa tới nơi mà người đã chết. Thế là ông báo cáo triều đình rằng “quan huyện mất con dấu” đã chết bệnh. Vụ án này từ đó kết thúc, không ai nhắc đến nữa.
Còn chàng thư sinh sau khi đến chân một ngọn nùi đã gặp được một thương đoàn đang vận chuyển hàng hóa, vì chàng có tài ăn nói lại giỏi tính toán nên đã thuyết phục được thương đoàn mang theo mình. Nhưng khi đến một cái hồ lớn, thương đoàn bị giặc cướp tấn công, tất cả người còn sống trong đoàn đều bị bắt làm tù binh, kể cả thư sinh.
Sau khi bị bắt lên sơn trại, trại chủ mới đầu rất hung dữ với bọn họ. Chàng tuy xuất thân thư sinh những cũng có hào khí nghĩa hiệp, chuyện sống chết cũng không để trong lòng. Trùng hợp là lúc đó sơn trại có một vụ mua bán rất phức tạp, không ai có thể nắm chắc là có thể kiếm lời hay mất tiền. Thư sinh đã xung phong đảm nhận, giúp đỡ tính toán, lại đưa ra một số phương án giải quyết rất tốt.
Trại chủ thấy vậy cũng thay đổi thái độ với thư sinh, trở nên hòa dịu hơn, nhưng vẫn lo lắng chàng đào tẩu. Sau đó có người đề nghị trại chủ giữ chàng lại, cử một vị nữ thủ lĩnh cùng phụ trách vụ mua bán này. Trại chủ cảm thấy chủ ý này rất tốt bèn áp dụng, đồng thời đe dọa thư sinh đừng nghĩ đến chuyện bỏ trốn nếu không sẽ lãnh hậu quả khôn lường.
Thư sinh cười khổ nói: “Bản thân tôi còn là tội phạm đào vong tới đây, nếu mà trở về chỉ có đường chêt“.
Đến lúc xuất phát thư sinh nghĩ: “Dù là giặc cướp nhưng dung mạo nữ thủ lĩnh có lẽ cũng không quá xấu“. Tại sao lúc này chàng lại có suy nghĩ đó? Chính là do chàng cảm thấy lời nói của bà lão mù đang ứng nghiệm nên mới nghĩ như thế để tự trấn an mình.
Quả nhiên, lúc vị nữ thủ lĩnh xuất hiện, thu sinh sợ tới mức xuýt nằm rạp trên đất. Nữ thủ lĩnh vác một thanh loan đao trên lưng rất uy phong, nhưng mặt từng bị phỏng để lại vết sẹo rất lớn, tướng cũng lùn, mặt đen, y chang lời bà lão mù.
Vị nữ thủ lĩnh kia dò xét cả buổi mới nói: “Ngươi chính là người được trại chủ an bài đi buôn bán với ta?“
Thư sinh đang kinh hãi đáp: “Đúng là tại hạ“. Nữ thủ lĩnh liền lớn tiếng kêu: “Vậy lên đường đi“. Lúc đó tâm tình của thư sinh như rơi xuống vực thẳm.
Chuyên đi buôn bán này rất thuận lợi, lợi nhuận rất lớn. Không lâu sau khi trở về sơn trại, nữ thủ lĩnh đến gặp thư sinh nói thẳng: “Trong chuyến đi vừa rồi ta rất tán thưởng học vấn của chàng, chàng làm trượng phu của ta nha?”
Nói xong nữ thủ lĩnh nắm thanh đao. Thư sinh nhìn thấy tư thế đó dù miệng nói “Nàng đây là đang bức hôn mà!“, nhưng 3 ngày sau cũng phải bất đắc dĩ kết hôn với nữ thủ lĩnh.
Khi mới cưới chàng rất khổ lòng, về sau hiểu được những trải nghiệm gian khổ của nữ thủ lĩnh cũng dần dần đồng tình với nàng, đồng thời vì lời dự đoán trước đây của bà lão mù thư sinh cũng cam chịu số phận.
Sau này thư sinh gặp lại vị bằng hữu đã tráo con dấu của mình, người này cười nói việc đó đổi lại được một nhân tài trong giặc cướp cũng đáng giá. Chàng chỉ có thể cười khổ bỏ qua.
Cuối cùng, thư sinh thật sự sống cùng nữ thủ lĩnh mặt đầy sẹo đến cuối đời. Lúc về già, có một lần ông đang tán gẫu với nữ thủ lĩnh thì bà ý tứ hàm xúc nói: “Kiếp này tôi thực sự có lỗi có ông, dù tướng mạo tôi như vậy nhưng không biết tại sao mà khi vừa nhìn thấy ông tôi lại kìm lòng không được hy vọng ông ở bên tôi. Sang kiếp sau nếu chùng ta còn có thể về một nhà, tôi nhất định sẽ không phụ lòng ông“.
Kiếp sau, thư sinh vẫn rất tuấn tú lại có tài, sau khi tốt nghiệp đại học thì làm việc ở miền Nam, gia đình vì lo tiền ăn học cho anh mà trở nên khốn quẫn. Vì đẹp trai nên anh cũng quen nhiều cô gái, nhưng trời đất đưa đẩy làm sao mà đều không nên duyên vợ chồng. Còn nữ thủ lĩnh lại trở thành cô gái xinh đẹp đến từ một tỉnh của Trung Nguyên, con nhà giàu có. Hai người gặp nhau ở miền Nam và bắt đầu tìm hiểu nhau.
Có lẽ do nhân duyên và nguyện vọng kiếp trước nên cô không chê gia cảnh anh nghèo khó, chấp nhận gả cho anh. Sau khi kết hôn, cô bỏ ra rất nhiều tiền hợp sức với anh xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Vì quê của anh ở Đông Bắc, còn quê cô tại Trung Nguyên, mà họ lại sống ở miền Nam, nên hàng năm dù là về nhà ngoại, nhà nội, hay cha mẹ hai bên đến thăm cũng đều tốn rất nhiều tiền đi lại. Có một lần cô nói với mẹ chồng rằng: “Mẹ xem kìa mỗi lần đi lại anh ấy đều phải chi nhiều tiền quá!”
Người mẹ chồng dù quở trách nhưng lại bất đắc dĩ nói: “Ai bảo nhân duyên của nó ở đây cơ chứ!”
Thật vậy, duyên phận là thứ sờ không được mà nhìn cũng không thấy, nơi ở cũng đã được định trước rồi, làm sao có thể thay đổi được ý trời!
Đây chính là:
Nhân duyên thiên định thùy năng biến
Nhân quả tương tùy mạc khuy khiếm
Kính thiên tri mệnh hành vu thế
Tương thủ bạch đầu vô di hám.
Tạm dịch:
Nhân duyên ý trời ai đổi được
Nhân quả qua lại không ai thiệt
Kính trời biết mệnh qua hết kiếp
Bên nhau bạc đầu không tiếc nuối.
Tú Văn biên dịch