Nhà mạng, nhà đài quay cuồng trong cuộc chiến Internet cáp quang
ICTnews – Các nhà cung cấp dịch vụ đưa ra những gói cước chênh lệch “một trời, một vực” về mức giá, cộng với việc khuyến mại ồ ạt, khiến người dùng liên tục nhảy mạng, gây lãng phí tài nguyên và có thể có hệ quả lâu dài trên thị trường Internet.
Chênh lệch tới 75% về giá Hiện tại, ngoài những cây đa, cây đề như VNPT, Viettel, FPT… trên thị trường còn có sự góp mặt của những tên tuổi mới như VTVcab và SCTV. Tuy vẫn còn “non” nhưng dường như VTVcab và SCTV cũng “vuốt mặt không cần nể mũi”, khi có những gói cước giá rẻ hơn rất nhiều các đại diện còn lại, họ còn đưa ra những gói cước internet tích hợp với truyền hình, vốn là thế mạnh của thương hiệu này. Theo đó, SCTV hiện đang cung cấp gói Internet và truyền hình cáp tích hợp với giá 240.000 đồng/ tháng, giảm 45% trong 12 tháng đầu tiên khiến giá cước chỉ còn 135.000 đồng/tháng, miễn phí hòa mạng và công lắp đặt. Nhân viên tổng đài của CSTV mang số hiệu 42xx, còn khẳng định, trong giới hạn 12 tháng, khách hàng đóng bao nhiêu được tặng thời gian sử dụng bằng đấy, có nghĩa là nếu khách hàng chịu chi 135.000 đồng x 12 tháng với tổng tiền là 1.620.000 đồng, khách sẽ được sử dụng 24 tháng, nếu chia trung bình, mỗi tháng một thuê bao chỉ phải trả 67.500 đồng.
Cùng với thế mạnh về truyền hình, VTVcab cung cấp gói Internet tốc độ 3Mbps giá 135.000 đồng/tháng và gói Internet tích hợp truyền hình cáp với giá 220.000 đồng/tháng và trả trước trong vòng 12 tháng, được mượn modem và thiết bị phát wifi, tặng 2 tháng cước và bản quyền diệt virus, khách hàng chỉ phải trả 100.000 đồng phía hòa mạng. Nếu tính cả khuyến mại, trong vòng 14 tháng, khách hàng trả chi phí thực là 188,5.000/ tháng. Đối với khu vực nội thành Hà Nội, nhân viên Viettel cho hay nhà mạng này chỉ lắp đặt cáp quang và gói thấp nhất là F15, tốc độ 15Mbps với giá 190.000 đồng/tháng, cam kết 24 tháng. Nếu muốn dùng thêm truyền hình, khách hàng chỉ cần trả thêm 50.000 đồng, đóng cước 12 tháng thì tặng 3 tháng cước, 18 tháng thì 6 tháng cước. Như vậy, nếu đóng cước 12 tháng thì khách được dùng 15 tháng cả Internet và truyền hình, chi phí khách hàng trả thực sẽ là 192.000/tháng. Một đại diện tiêu biểu khác trong lĩnh vực Internet chính là FPT, nhân viên tổng đài FPT cho hay, tại khu vực nội thành Hà Nội thì toàn bộ khách hàng hòa mạng mới sẽ được lắp Internet cáp quang gói F5 tốc độ 16MBps với giá 220.000 đồng/tháng, trả trước một năm sẽ miễn phí lắp đặt, tặng 2 tháng cước, nếu khách hàng muốn thuê bao thêm truyền hình thì cộng thêm 95.000 đồng/tháng. Như vậy, nếu trả một lúc 3.780.000 đồng cho 12 tháng sử dụng, khách hàng được dùng 14 tháng và giá cước trung bình là 270.000/tháng. Làm một phép tính nhỏ, nếu so sánh gói cước tích hợp của SCTV và gói cước cả Internet và truyền hình của FPT thì chênh lệch tới 75%, mặc dù, nếu về tốc độ, gói rẻ nhất của FPT, Viettel trong khu vực Hà Nội cũng nhanh hơn 5 lần so với gói của SCTV hay VTVcab. Khách hàng “thay nhà mạng như thay áo” Không chỉ cạnh tranh nhau gay gắt về giá cước, các nhà mạng cũng không ngồi yên để người dùng tự tìm đến mình, nhiều trang web do các đại lý trung gian lắp đặt Internet thi nhau được lập ra, cùng với nhiều chiêu trò để lôi kéo khách hàng, kể cả việc quảng cáo bằng từ khóa, so sánh trực tiếp với các đối thủ, lập “tài khoản ảo” trên các diễn đàn mạng để nâng nhà mạng mình lên, và “dìm” đối thủ xuống. Một người dân sống ở quận Đống Đa cho biết, trong một tuần thì ngày nào anh cũng nhận được những tin nhắn mời chào lắp mạng Internet vào số điện thoại của mình, tiêu biểu nhất là các tin nhắn chào mời lắp đặt truyền hình cáp.
Ồ ạt khuyến mại, giảm giá cước cũng gây tác động nhất định, khiến khách hàng tìm đủ mọi cách, hoặc có cơ hội là rời mạng. Mạnh Linh (Phạm Hồng Thái, Hà Nội) nói, trong vòng 3 năm, đã chuyển qua 3 nhà mạng khác nhau để “vợt” khuyến mại, đồng thời được tặng thêm cả thiết bị đầu cuối của nhà mạng. Trong khi đó, chất lượng chưa hẳn chạy theo được sự phát triển nóng của thuê bao, dẫn tới việc có những phàn nàn về chất lượng dịch vụ bị người dùng công khai. Anh N.T.G, khách hàng của SCTV cũng đã từng bức xúc, lập hẳn một topic để “mắng” SCTV trên một diễn đàn mạng trong tháng 4/2015, với ảnh con trai của anh ngơ ngác nhìn lên chiếc tivi mất tín hiệu, sau đó cuối cùng thì SCTV cũng đã xuống nhà anh, để giải quyết khiếu nại dịch vụ và anh cho biết “một tháng sau thì mạng cũng đã ổn, tôi không phải là người dùng khó tính nên cũng không khiếu nại gì nhiều”.
Một người dùng khác, sau khi chuyển từ gói 8Mbps của FPT sang một nhà mạng cung cấp cả dịch vụ Internet và truyền hình với gói Combo 3, giá 286.000/tháng, “trót” đóng cước 6 tháng, đã phải “ngập đắng nuốt cay” vì dùng được mấy hôm không được như ý, cũng không làm cách nào để đòi tiền lại được. Khách hàng này khuyên: “Chuyển mạng thì đừng có dại ham khuyến mại mà đóng 6 tháng, một năm nếu không chắc chắn về chất lượng, khi tư vấn lắp đặt thì nào là tuyên truyền cáp quang, nhưng… dây thừng thì cũng không biết đâu đấy”.
Hiện, về phía lãnh đạo nhà mạng, đã có phàn nàn về việc chênh lệch giá cước trên thị trường, Bà Chu Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Telecom mới đây, trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT, đã không ngần ngại đưa ra kiến nghị về việc xây dựng giá cước sàn hợp lý đối với các doanh nghiệp viễn thông, tránh việc cạnh tranh quá mức làm ảnh hưởng đến thị trường dẫn đến việc các thuê bao rời mạng liên tục, lãng phí tài nguyên. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng lên tiếng cảnh báo về việc phá giá trên thị trường, chiều ngày 30/5, tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và Triển khai chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2015 tại Cục Viễn thông, Thứ trưởng có ý kiến chỉ đạo Cục, lưu ý về việc điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thị trường băng thông rộng, trong đó có việc các nhà mạng đang ồ ạt khuyến mại tăng cước, tặng thiết bị đầu cuối và khuyến mại công lắp đặt. Theo Thứ trưởng, điều này làm người dùng thấy cái lợi trước mắt, chuyển qua, chuyển lại giữa các nhà mạng để hưởng khuyến mại, gây nên sự lãng phí tài nguyên vô cùng lớn và méo mó thị trường, đến khi những doanh nghiệp yếu thế “chết” thì lúc đó lại nẩy sinh nên vấn đề độc quyền và lúc này thiệt hại người dùng sẽ lãnh đủ. Thứ trưởng chỉ đạo việc cần thiết phải sớm ban hành thông tư liên quan đến việc quy định trần giá cước băng thông rộng, để làm lành mạnh thị trường, đem lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp |
Theo ICTNews