Nhà điêu khắc thời Phục Hưng am hiểu y học hơn các bác sĩ hiện đại cả một thế kỷ
Trong hầu hết các tác phẩm điêu khắc người sống, tĩnh mạch cổ thường không nhìn thấy được. Tuy nhiên mới đây, một bác sĩ người Mỹ đã có phát hiện thú vị mà ít ai trong chúng ta để ý về tượng David – kiệt tác điêu khắc thời Phục Hưng, được đặt trong phòng trưng bày Học viện Mỹ thuật Florence ở Ý. Đó là tĩnh mạch cổ của David được thể hiện rõ trên xương cổ.
Theo nguyên lý sinh học cơ thể người, đường tĩnh mạch ở cổ sẽ không hiện lên rõ trừ khi cơ thể đang gặp phản ứng kích thích hoặc có bệnh. Tuy nhiên Michelangelo (nhà điêu khắc, kiến trúc sư và họa sĩ bậc thầy của Ý) dường như đã biết về mối liên hệ này từ 124 năm trước khi nó được ghi nhận bởi nền y khoa.
Phải đến 515 năm sau khi nghệ sĩ người Ý này hoàn thành tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của mình, thì bác sĩ tim mạch Daniel Gelfman thuộc khoa Y học xương khớp, Đại học Marian ở Indianapolis, Mỹ mới phát hiện ra đều đặc biệt của tác phẩm.
Thông thường, chứng giãn tĩnh mạch xảy ra khi áp lực quá lớn hoặc mắc các bệnh như rối loạn chức năng tim.Tuy nhiên, xét trên bối cảnh của tác phẩm, chàng David đang trong trạng thái thể chất rất tốt. Do đó, mạch máu nổi lên không phải do bệnh mà là do cơ thể đang trong trạng thái kích thích tạm thời – một biểu hiện sẵn sàng chiến đấu.
Tiến sĩ Gelfman viết trong bài nghiên cứu: “Michelangelo giống như một số nghệ thuật gia đương thời, đã được đào tạo về giải phẫu và hẳn đã nhận thấy sự hiện ra của tĩnh mạch cổ ở những người khỏe mạnh đang trong tình trạng kích thích tạm thời”.
Khi nhà điêu khắc bậc thầy thời Phục hưng thể hiện mối liên kết này trong tác phẩm tượng David và hoàn thành nó vào năm 1504, thì giới y khoa lại phải mất hơn cả một thế kỷ để ghi nhận điều tương tự.
“Vào thời điểm bức tượng David được tạo ra, William Harvey (nhà giải phẫu học, bác sĩ) vẫn chưa mô tả được cơ chế thực sự của hệ thống tuần hoàn, mãi cho đến năm 1628 ông mới đạt được điều ấy “, tiến sĩ Gelfman nói.
Tuy nhiên, tượng David không phải là tác phẩm duy nhất trong số các tác phẩm của Michelangelo có đặc điểm tĩnh mạch cổ hiện ra do kích thích.
Nhờ năng lực quan sát tinh tường, Michelangelo đã tự mình phát hiện ra những thay đổi rất nhỏ về mặt giải phẫu học và thể hiện không chỉ trong một tác phẩm. Những chi tiết nhỏ như tĩnh mạch cũng được ông thể hiện chính xác trong tượng Moses tại lăng Giáo hoàng Julius II, Roma và Chúa Jesus trong bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi.
Trong tác phẩm, Moses được miêu tả là vừa trở về từ núi Sinai sau khi nhận được Mười Điều Răn. Ông tức giận đi tìm những người Do Thái vì đã tôn thờ hình tượng con bê vàng để thay cho Đấng giải thoát họ khỏi Ai Cập.
Hình ảnh nhà tiên tri kiềm chế cơn giận dữ cũng được thể hiện trên tác phẩm điêu khắc thông qua biểu cảm ánh mắt trừng trừng và cánh tay trái căng cứng, như Sigmund Freud đã mô tả đó là ‘cơn thịnh nộ băng giá và nỗi đau xen lẫn sự xúc phạm.
Tiến sĩ Gelfman lưu ý trong bài báo của mình, “hầu hết các nhà quan sát sẽ đồng ý rằng Moses được cho là đang ngồi trong trạng thái kích động”.
Ngược lại, hình ảnh của Chúa Jesus vừa mới chết được mô tả trong tác phẩm Đức Mẹ Sầu Bi của Michelangelo, nằm trong vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican lại không thấy tĩnh mạch cổ hiện ra.
Trong điêu khắc, người ta chỉ có thể hiển thị một hình ảnh duy nhất tại thời điểm đó. Tiến sĩ Gelfman lưu ý rằng, “trong các trường hợp mô tả cơn giận dữ của Moses và sự phấn khích của David, Michelangelo ‘hẳn phải đã muốn thể hiện khả năng quan sát hệ tuần hoàn trong tác phẩm của mình’”
Bác sĩ Daniel Gelfman – người nêu ra phát hiện thú vị trên, vẫn không khỏi ấn tượng bởi óc quan sát tỉ mỉ của người nghệ sĩ trong thời kỳ kiến thức y học vẫn còn rất hạn chế. Đặc biệt, Michelangelo đã áp dụng hiện tượng này trước khi nó được ngành y khoa phát hiện và ghi nhận hơn cả một thế kỷ. Điều này thật thú vị, thậm chí ngày nay hiện tượng này cũng không được thảo luận trong các sách giáo khoa tim mạch điển hình.
“Thật không thể tin được rằng một bức tượng 500 tuổi có thể mô tả các phát hiện vật lý được sử dụng trong chẩn đoán”, nhà nghiên cứu điện sinh lý tim Marcin Kowalski tại Bệnh viện Đại học Staten Island, New York cho biết.
Ông nói thêm, trong khi y học hiện đại thì dựa vào quét công nghệ cao và xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh thì ‘các sinh viên giải phẫu hoặc sinh viên y khoa có thể chẩn đoán bệnh chỉ bằng cách quan sát, điều đó luôn làm tôi ngạc nhiên’.
“Tôi hy vọng rằng nghệ thuật nghiên cứu cơ thể người không biến mất khỏi các tiết dạy cho các bác sĩ trẻ, và trường y của chúng tôi sẽ tiếp tục giảng dạy về những phương thức khám cơ thể người vốn xuất hiện trước cả các phương thức kiếm tra công nghệ cao”.
David Friedman, bác sĩ tim mạch của bệnh viện Valley Stream Do Thái nói thêm, các phát hiện đã nhấn mạnh: “chẩn đoán cơ thể lâm sàng cho thấy sự tài tình và cách nó tác động đến sức khỏe bệnh nhân thế nào, y học vẫn còn một số trường hợp khá đặc biệt”.
Những phát hiện của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí JAMA Cardiology.
Chúng ta biết gì về bậc thầy vĩ đại thời Phục Hưng , MICHELANGELO?
Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni là một nhà điêu khắc, kiến trúc sư và họa sĩ bậc thầy của Ý. Theo phòng trưng bày tranh Quốc gia ở London, ông là nghệ sĩ đầu tiên được người đương thời công nhận là một thiên tài, một nghệ sĩ phương Tây đầu tiên được xuất bản tiểu sử ngay khi còn sống. Người đương thời thường gọi ông là Thánh nhân, mọi người khi đứng trước ông đều có cảm giác kính sợ bởi sự vĩ đại
Ông được sinh ra ở Caprese vào những năm 1470, được đào tạo đầu tiên để làm một họa sĩ với Ghirlandaio, sau đó là một nhà điêu khắc dưới sự bảo trợ của Lorenzo de ‘Medici.
Năm 1501, khi bắt tay vào công cuộc tạo tác David, Michelangelo mới 26 tuổi, nhưng ông đã là nghệ sĩ được trả lương cao nhất vào thời bấy giờ. Lúc đó, tiếng tăm của Michelangelo đã rất vang dội với kiệt tác Đức Mẹ Sầu Bi.
Năm 1505, Michelangelo được Giáo hoàng Julius II mời quay trở lại Rome. Ông được đặt hàng điêu khắc hầm mộ cho Giáo hoàng, một dự án kéo dài đến năm 1545.
Từ năm 1508 đến năm 1512, ông đã vẽ trần nhà nguyện Sistine với những quang cảnh từ kinh Cựu Ước với bố cục có hơn 300 nhân vật và có chín tình tiết trung tâm từ Sách Khải Huyền, được chia thành ba nhóm: Sự sáng tạo thế giới của Chúa; Chúa tạo ra loài người và việc họ mất ân huệ của Chúa. Cuối cùng, tình trạng của nhân loại được thể hiện bởi Noah và gia đình. Trên các vòm tam giác đỡ mái được vẽ 12 người đàn ông và phụ nữ đã tiên đoán sự xuất hiện của Chúa Jesus. Họ gồm 7 nhà tiên tri Israel và 5 bà đồng, nữ tiên tri của Thế giới Cổ đại.
Trong số những bức hoạ nổi tiếng nhất trên trần có Chúa tạo ra Adam, Adam và Eva trong vườn địa đàng, đại hồng thuỷ, nhà tiên tri Isaia và bà đồng Cumaean. Quanh các cửa sổ được vẽ tổ tiên của Chúa Jesus.
Mặc dù ông luôn coi mình là người Florentine, nhưng Michelangelo sống phần lớn cuộc đời ở Rome, nơi ông qua đời ở tuổi 88.
Tiểu Phúc ( theo Daily Mail)