Nguồn gốc thi thể nhựa hóa: Tam giác giết người
Việt Nam không phải là nơi duy nhất triển lãm cơ thể người lập lờ khi xin cấp phép, từ chối nói về nguồn gốc thi thể nhựa hóa với nhiều lý do. Vậy thực chất thì các thi thể này là của những ai?
Đại diện các triển lãm cơ thể người đều gặp khó khăn khi trả lời các cơ quan truyền thông nước ngoài về nguồn gốc của thi thể. Lúc đầu, họ nói là các thi thể hiến tặng, sau đó lại nói là lấy từ đại học và bệnh viện Trung Quốc; khi chịu áp lực lớn hơn thì nói rằng đó là các thi thể vô danh không người nhận; cuối cùng khi báo chí tiết lộ những email gây sốc về cặp thi thể “đã bị mổ bụng, bị lấy hết nội tạng” và bị giết bởi một phát súng vào đầu, thì họ gián tiếp thừa nhận có các thi thể tù nhân và phân bua rằng mình không thể kiểm soát được nguồn gốc các thi thể. Vậy thực chất thì các thi thể này là của những ai?
“Tại Trung Quốc, xác định được ai kinh doanh cơ thể người và nguồn gốc của những cơ thể quả thực không dễ dàng. Các viện bảo tàng, nơi tổ chức những buổi triển lãm cơ thể người tại Trung Quốc nói rằng họ đột nhiên ‘quên’ ai đã cung cấp thi thể, công an thường xuyên thay đổi những câu chuyện về những việc họ đã làm với các thi thể, và thậm chí các trường đại học đã xác nhận và sau đó chối bỏ việc tồn tại những cuộc phẫu thuật bảo quản cơ thể người trong trường của họ.” – New York Times
Trở lại Trung Quốc, nơi xuất hiện những nhà máy nhựa hóa thi thể đầu tiên và cũng là nơi xuất khẩu thi thể nhựa hóa lớn nhất thế giới, để tìm hiểu về lịch sử ra đời của nó.
Những nhà máy nhựa hóa đầu tiên
Nhà máy nhựa hóa thi thể đầu tiên được sáng lập bởi Gunther Von Hagens vào tháng 8/1999. Mặc dù từ trước đó rất lâu, vào năm 1977, Von Hagens đã phát minh ra công nghệ này. Ở quê nhà Đức, Von Hagens gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người hiến tặng. Bản thân ông ta cũng đã hai lần gặp phải vấn đề pháp luật liên quan tới việc tìm kiếm thi thể người cho việc nhựa hóa: một lần vào năm 2002 đối với một lô hàng 56 thi thể gửi từ một kẻ buôn người ở Nga là Vladimir Novosylov, kẻ sau này đã bị kết án (Theo tờ Independent); một lần khác là vào năm 2003, khi quốc hội Kyrgyzstan điều tra cáo buộc việc Von Hagens nhận hàng trăm thi thể từ nhà tù, bệnh viện và nơi điều trị tâm thần tại nước này (Theo BBC).
Năm 1995, Von Hagens lần đầu tiên mở một triển lãm nhỏ trưng bày những mẫu thi thể nhựa hóa hoàn chỉnh của mình ở Nhật Bản. Cũng trong những năm 1990, ông ta dự định mở rộng việc kinh doanh đến Trung Quốc.
Năm 1996, Von Hagens được bổ nhiệm làm giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Y khoa Đại Liên, nơi ông ta chính thức thành lập một trung tâm nhựa hóa. Đó là cơ sở để sau này Von Hagens thiết lập công ty nhựa hóa thi thể đầu tiên của mình: Công ty TNHH Nhựa hóa Von Hagens (Đại Liên).
Vào tháng 8 năm 1999, công ty nhựa hóa của Von Hagens đã được chính thức đăng ký với chính quyền thành phố Đại Liên. Khi bắt đầu, Von Hagens thuê người học trò cũ của mình là Tùy Hồng Cẩm làm quản lý, tổ chức sản xuất các thi thể nhựa hóa. Tùy Hồng Cẩm từng trả lời tờ Oriental Outlook năm 2003 rằng: “Hagens chỉ định biến Trung Quốc trở thành nơi sản xuất của mình vì giá nhân công và giá vật liệu thô rẻ hơn tại Trung Quốc.” Vật liệu thô mà Tùy Hồng Cẩm nói tới chính là thi thể người.
Một nghịch lý đáng nói là trong năm 1999, Von Hagens từng cho biết mình rơi vào tình trạng thiếu thi thể. Von Hagens đã phàn nàn rằng người Trung Quốc không hiến tặng thi thể của họ (Theo tờ Weekly Standard). Điều này cũng được Von Hagens thừa nhận trong một email vào 21-10-2003: “Cho đến hiện tại, chúng tôi chưa nhận được một thi thể hiến tặng nào tại Trung Quốc.” (Theo tờ Der Spiegel). Đến tận ngày 17-12-2012, trong bài phỏng vấn với tờ Deutsche Welle, con trai Von Hagens cũng nói rằng cho đến tận lúc đó, họ mới chỉ nhận được duy nhất một thi thể Trung Quốc hiến tặng. Ấy vậy mà nhà máy của Von Hagens vẫn hoạt động, và mang đến nguồn lợi khổng lồ.
Năm 2002, Tùy Hồng Cẩm đã qua mặt Von Hagens, thành lập công ty nhựa hóa bí mật của riêng mình cũng ở thành phố Đại Liên. Von Hagens phát hiện ra, đuổi việc Tùy Hồng Cẩm.
Theo chân Von Hagens và Tùy Hồng Cẩm, nhiều nhà máy nhựa hóa cơ thể đã được mở ra tại Trung Quốc, khiến quốc gia này trở thành nơi xuất khẩu xác chết số một thế giới. Ngày 27/11/2003, một bài báo có tựa đề “Đầu tư nhà máy xác chết” trên tờ Orient Outlook cho biết, ngoài các công ty được điều hành bởi Von Hagens và Tùy Hồng Cẩm ở Đại Liên, còn có nhiều nhà máy sản xuất nhựa hóa đã xuất hiện ở Quảng Châu, Thượng Hải, Nam Kinh, Thanh Đảo, Thâm Quyến, Thái An và các nơi khác, biến Trung Quốc trở thành đất nước xuất khẩu “mẫu vật” con người nhiều nhất thế giới. Theo tờ Nam Phương Đô Thị ngày 23/8/2012, Tùy Hồng Cẩm từng cho biết hai nhà máy của ông ta và của Von Hagens là lớn nhất, chiếm đến 90% thị phần.
Đó chính là lịch sử tóm lược của những nhà máy nhựa hóa thi thể đầu tiên trên thế giới, và hầu hết đều các cơ sở nhựa hóa lớn đều được xây dựng tại Trung Quốc. Nhưng đó chỉ là những thông tin bề nổi.
Đằng sau các nhà máy nhựa hóa
Theo bài viết mang tên “Theo sau nhà máy nhựa hóa Von Hagens” trên tờ Finance China ngày 16/8/2012, Von Hagens lúc đó đã được phê duyệt đầu tư 15 triệu USD. Đó là một khoản đầu tư lớn một cách bất thường cho một công ty nước ngoài không liên doanh, ở một thành phố không nằm trên vành đai Bắc Kinh – Thượng Hải – Thẩm Quyến – Quảng Châu. Đằng sau đó chắc chắn là sự hỗ trợ từ các quan chức Trung Quốc, mà cụ thể là ngôi sao mới nổi Bạc Hy Lai – Thị trưởng Đại Liên – người đã ký giấy phép hoạt động cho công ty nhựa hóa thi thể của Von Hagens.
Tất cả các liên hệ của Von Hagens với chính quyền Trung Quốc thực chất là thông qua Tùy Hồng Cẩm. Vào tháng 1/1994, khi Bạc Hy Lai là thị trưởng Đại Liên, Tùy Hồng Cẩm bấy giờ là giáo viên tại Đại học Y Đại Liên đã được cử tới Đức để học nhựa hóa từ Von Hagens. Từ đó, Tùy Hồng Cẩm đã bắc cầu cho Von Hagens về Trung Quốc. Khi trung tâm nhựa hóa của Hagens được thành lập tại Đại Liên tháng 12/1996, Tùy Hồng Cẩm được làm giám đốc trung tâm này.
Tháng 12/1999, tại buổi lễ trao giải thưởng Hữu nghị Tinh Hải, Bạc Hy Lai đã trao bằng khen và huy chương cho Von Hagens.
Khi Von Hagens được phê duyệt đầu tư và được cấp phép cho công ty nhựa hóa nằm trong Trung tâm Công nghệ cao Đại Liên, thì Tùy Hồng Cẩm trở thành tổng giám đốc công ty. Tháng 12-2000, vượt qua các quy luật bổ nhiệm thường thấy ở Trung Quốc, Tùy Hồng Cẩm đột ngột trở thành giáo sư, chủ nhiệm khoa Giải phẫu trường Đại học Y Đại Liên.
Tùy Hồng Cẩm sau đó đã ngầm qua mặt Von Hagens bằng cách mở một nhà máy nhựa hóa của riêng mình dựa vào Đại học Y Đại Liên, mang tên công ty Nhựa hóa Đại học Y Đại Liên với số vốn là 1 triệu Nhân dân tệ vào ngày 21/6/2002 (Theo danh sách công ty Đại Liên – Dalian Enterprises Directory). Khi biết được điều đó, Von Hagens đã sa thải Tùy Hồng Cẩm.
Tháng 1/2004, Tùy Hồng Cẩm tiếp tục mở rộng hoạt động của mình bằng việc mở thêm một công ty mang tên công ty công nghệ sinh học Hồng Phong Đại Liên (Dalian Hoffen Bio-Technique).
Tháng 1/2004, khi Tùy Hồng Cẩm mở công ty Hồng Phong Đại Liên thì nó được cấp phép ở trong Công viên Công nghiệp Công nghệ cao Đại Liên, hưởng chính sách ưu đãi thuế 15%. Đến ngày 15/12/2008, công ty này lại nhận được giải “Tập đoàn Công nghệ cao” (Chứng chỉ số GR200821200070) từ chính quyền Đại Liên, và hưởng thêm một tầng ưu đãi thuế nữa.
Ngày 1/1/2004, triển lãm “Plastinated Human Body” của Tùy Hồng Cẩm thầm lặng mở cửa tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Bắc Kinh. Mặc dù nó bị truyền thông Trung Quốc và các cơ quan truyền thông nhà nước phản đối nhưng đến ngày 8-4-2004, triển lãm lại tiếp tục mở tại Trung tâm Văn hóa Kiến trúc Trung Quốc. Một chương trình đi tour 4 tháng trên khắp Trung Quốc được công bố với sự giúp sức của Sở Tuyên truyền Đại Liên.
Số thứ 4 của tờ Đông Bắc Chi Song (một tờ báo Đảng tại Đại Liên) ra ngày 29/4/2009, cho biết triển lãm của Tùy Hồng Cẩm lúc đó đã được tất cả các cấp quan chức hỗ trợ: Phó ủy viên toàn quốc Ngô Giai Bình đã viết thư pháp cho triển lãm; Ngô Nghi, Phó thủ tướng Quốc vụ viện, đã yêu cầu các quan chức bộ Y tế phải tham gia triển lãm để nghiên cứu và hướng dẫn người tham quan .v.v.
Với sự hỗ trợ đó, phản đối từ giới truyền thông Trung Quốc ngày càng ít dần. Ngày 28-12-2005, tờ Công nghiệp Công nghệ cao Trung Quốc (China High-tech Industry Herald), một cơ quan truyền thông của Bộ Khoa học và Công nghệ, cho hay, công ty Hồng Phong Đại Liên đã xóa bỏ mọi tranh cãi xung quanh triển lãm nhờ sự giúp sức của Bộ Y tế và Bộ Tuyên truyền Trung ương.
Tiếp theo đó, ngày 11/6/2004, triển lãm “Body Worlds” của Hồng Phong có mặt tại Hàn Quốc. Ngày 8/8/2005, các mẫu vật nhựa hóa của Tùy Hồng Cẩm đã đặt chân đến Mỹ.
Thật ra, Tùy Hồng Cẩm mới là người được chính quyền hỗ trợ để đánh cắp công nghệ và mô hình của Von Hagens. Ngày 1/4/2006, khi quy định “Quản lý xuất nhập cảnh thi thể và xử lý thi thể” của Trung Quốc được thông qua thì điều 8 nghiêm cấm các hành vi buôn bán và thương mại hóa thi thể. Điều đó khiến cho Von Hagens phải dừng sản xuất thi thể vào năm 2007 vì không thể xuất ra nước ngoài (Theo tờ Deutsche Welle). Tuy nhiên, công việc kinh doanh của Tùy Hồng Cẩm vẫn tiếp tục như thường. Và trên chương trình TV của Đại Liên (Dalian Television Station) vào ngày 23/11/2010, thì công ty Hồng Phong Đại Liên của Tùy đã kinh doanh với hơn 100 bảo tàng trên khắp thế giới và có doanh thu lên tới 200 triệu USD/năm.
Manh mối đến từ cái tên Bạc Hy Lai
Từ lịch sử nêu trên, không khó để nhận ra đằng sau hoạt động đầu tiên của Tùy Hồng Cẩm tại Đại Liên là sự hậu thuẫn của Bạc Hy Lai. Sau này, khi Bạc Hy Lai lên làm chủ tịch tỉnh Liêu Ninh vào năm 2001, mọi hoạt động của Tùy Hồng Cẩm “nước lên thì thuyền lên”. Tập trung vào cái tên Bạc Hy Lai sẽ giúp lần được thêm rất nhiều manh mối khác.
Theo Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) thì các điều tra viên của họ đã thu thập được rất nhiều băng ghi âm trong quá trình điều tra, trong đó đáng chú ý có ba băng ghi âm được đăng tải công khai:
- (1) Cuộc nói chuyện với Tùy Hồng Cẩm năm 2012 do một điều tra viên muốn giữ bí mật danh tính. (File ghi âm tiếng Trung)
- (2) Cuộc nói chuyện với Tôn Nghiễm Điền, phó thị trưởng Đại Liên, trước là sở trưởng sở công an Đại Liên (File ghi âm tiếng Trung)
- (3) Cuộc nói chuyện với một nhân viên phòng 610 tại thành phố Thiên Tân (File ghi âm tiếng Trung)
Ghi âm (1): Trong cuộc nói chuyện với Tùy Hồng Cẩm, ông ta đã khẳng định rằng các thi thể mà ông ta nhận được là từ Sở công an Đại Liên.
Việc này không mới. Tùy Hồng Cẩm trong quá trình trả lời truyền thông phương Tây về nguồn gốc các thi thể đã gặp khó khăn. Sau đó, dưới sức ép của Tổng chưởng lý New York, nhà triển lãm Premier Exhibitions liên kết với Tùy Hồng Cẩm đã phải đăng thông cáo chính thức rằng: Các thi thể đến từ một cơ quan công an Trung Quốc.
Năm 2004, trong bài báo với tựa đề “Bác sĩ tử thần” mà chúng ta đã nhắc tới ở kỳ trước, Der Spiegal cũng tiết lộ rằng trong kho dữ liệu nhựa hóa “bào thai và trẻ sơ sinh” tại nhà máy của Von Hagens ở Đại Liên, có một dữ liệu về bào thai 9 tháng tuổi mã 01BR018. Bào thai bé trai này được mang tới nhà máy vào 26/3/2001, với quốc tịch Trung Quốc, và nguồn gốc được ghi rõ ràng là: “Cơ quan công an”. Làm sao mà một bào thai 9 tháng tuổi lại xuất xứ từ “Cơ quan công an” được?
Lần theo Sở công an Đại Liên, ta có băng ghi âm (2): Điều tra viên giả làm thư ký của Hạ Đức Nhân, lúc đó là phó bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh, nói chuyện về việc Bạc Hy Lai và vợ là Cốc Khai Lai có liên quan tới việc buôn bán thi thể người tập Pháp Luân Công. Khi đó, Tôn Nghiễm Điền không phản đối, và thậm chí nhận lời che giấu cho việc này. Cần chú ý rằng Tôn Nghiễm Điền là cựu sở trưởng sở công an Đại Liên, ông ta phải hoàn toàn biết rõ việc này.
Tiếp đến là ghi âm (3): Nhân viên Phòng 610 Thiên Tân đã ngay lập tức nói rằng Cốc Khai Lai, vợ Bạc Hy Lai, bán nội tạng người tập Pháp Luân Công, và khi nói về các thi thể nhựa hóa, ông ta trả lời rằng các thi thể đó không chỉ có của Pháp Luân Công. Tuy nhiên khi được hỏi rằng các thi thể này của người Tây Tạng và người Mông Cổ có phải không, thì ông ta từ chối trả lời và dập máy.
Ba băng ghi âm trên đã cho thấy một điều quan trọng: Bạc Hy Lai chính là người đứng đằng sau cung cấp thi thể người, bao gồm cả người tập Pháp Luân Công và những người khác (có thể là các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị), cho các nhà máy nhựa hóa. Sở công an Đại Liên chỉ là một bức bình phong cho hoạt động này.
Quá trình thăng tiến của Bạc Hy Lai tại chính trường Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh cuộc đàn áp Pháp Luân Công ngày một được đẩy lên đỉnh điểm.
Năm 1999, sau khi cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công, các nhà tù và trại lao động đột nhiên trở nên quá tải. Năm 2001, Quốc vụ viện Trung Quốc phải họp để thảo luận về vấn đề quá tải tù nhân.
Nhận thấy cơ hội để leo lên nấc thang quyền lực, Bạc Hy Lai lúc đó là chủ tịch tỉnh Liêu Ninh đã ngay lập tức đề xuất kế hoạch cải tạo hệ thống nhà tù lên Quốc vụ viện. Bấy giờ Bộ Tư pháp đã yêu cầu kế hoạch này phải nằm trong danh sách các dự án quan trọng của quốc gia (Southcn.com đăng ngày 27/11/2002).
11 tháng sau, vào tháng 7/2003, khu tổ hợp nhà tù thành phố Thẩm Dương mở cửa với sức chứa lên tới 10.000 tù nhân và chi phí đầu tư là 1 tỷ nhân dân tệ (Tờ Shenyang Today đăng 2/7/2003). Nhà tù này nằm cạnh các nhà tù khác là nhà tù Liêu Ninh 1 và 2, và nhà tù nữ Liêu Ninh. Theo trang minghui.org, một trang web của người tập Pháp Luân Công tại hải ngoại, thì những người tập môn khí công này đã bị chuyển từ các tỉnh Đông Bắc và Bắc Kinh tới đây. Những nhà tù này cách hai nhà máy nhựa hóa tại Đại Liên 150km.
Bản thân các kênh truyền thông phương Tây cũng đã chú ý đến vấn đề này. Tờ Guardian viết: “Trung tâm này (nhà máy nhựa hóa của Von Hagens) được đặt gần 3 trại giam, nơi các tù nhân chính trị và các thành viên của phong trào khí công Pháp Luân Công bị giam giữ.”
Sau khi hoàn thành hệ thống nhà tù tại Liêu Ninh vào 2003, Bạc Hy Lai đã lọt vào mắt xanh của Giang Trạch Dân. Ông ta được cất nhắc lên giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Thương mại từ 2004 đến 2007, sau đó là ủy viên Bộ Chính trị và bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh từ 2007 đến 2012.
Cuối cùng, sự nghiệp của Bạc Hy Lai chỉ chững lại sau khi có sự chuyển giao quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ. Vương Lập Quân – thân tín của Bạc Hy Lai, nổi tiếng với các thí nghiệm về cấy ghép tạng – bị điều tra, rồi chạy trốn tới lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô (2/2012). Sau sự việc, Bạc Hy Lai bị khai trừ khỏi chức vụ bí thư Trùng Khánh rồi bị đình chỉ vị trí trong bộ chính trị tháng tiếp theo. Ông ta sau đó bị mất toàn bộ các vị trí trong đảng, mất ghế tại Hội đồng nhân dân và cuối cùng bị khai trừ khỏi Đảng, bị kết án tù chung thân.
Nói về Vương Lập Quân, trong bài viết “ĐCSTQ thí nghiệm trên cơ thể người còn kinh khủng hơn phát xít”, Trí Thức VN đã phân tích kỹ về việc ông này phát minh ra máy gây chết não và việc thí nghiệm sử dụng thuốc lên cơ thể tù nhân nhằm lấy nội tạng của họ. Bên cạnh việc dùng loại máy này hay dùng thuốc tiêm để có thể lấy được nội tạng ở trạng thái tươi nhất, còn một điều khác đáng chú ý: các cơ thể có được từ hai phương pháp này không có “vết đạn trên hộp sọ” – chúng có thể bán được rất nhiều tiền.
Ba cái tên: Bạc Hy Lai – đại diện cho hệ thống nhà tù; Vương Lập Quân – đại diện cho các thí nghiệm về giết và lấy nội tạng người; và Tùy Hồng Cẩm – đại diện cho việc nhựa hóa thi thể; chính là mô hình tam giác “giết mổ” người. Các tù nhân lương tâm hoặc tù chính trị hoặc tử tù bị lấy ra khỏi nhà tù, đem đi thí nghiệm và giết để lấy một phần nội tạng, phần thi thể còn lại được đem đi nhựa hóa.
Mô hình tam giác này sau đó được nhân rộng ra trên toàn Trung Quốc, trở thành hai ngành công nghiệp “giết mổ” người của Trung Quốc.
Theo Trithucvn