Người Việt ngại sắm TV 4K vì thiếu nguồn phát
Dù giá TV 4K đã giảm mạnh, không ít khách hàng vẫn còn phân vân khi sắm dòng sản phẩm này bởi kho nội dung đạt chuẩn chưa nhiều.
Có mặt tại một siêu thị điện máy lớn, anh Hoàng Long (Hà Đông, Hà Nội) tỏ ra băn khoăn khi đứng trước hàng chục lựa chọn TV tầm giá 25 – 30 triệu đồng. “Quan tâm đến dòng 4K mới nổi lên vài năm gần đây, nhưng tôi đắn đo vì khoảng 70% nhu cầu sử dụng là để xem truyền hình, chất lượng nguồn phát chưa đạt chuẩn”, anh chia sẻ. Đây cũng là mối quan tâm của anh Thanh (Ba Đình, Hà Nội), một người có kinh nghiệm trong việc chơi thiết bị số. Anh cho biết, các nhà sản xuất đều giới thiệu công nghệ nâng cấp hình ảnh để phù hợp với TV 4K, nhưng điều kiện sử dụng thực tế tại Việt Nam rất khác. Do đó, anh Thanh đã dành nhiều thời gian trải nghiệm thực tế, mang các đoạn video lưu sẵn trong ổ cứng để thử tại các khu trưng bày, trước khi quyết định mua.
Xuất hiện từ năm 2012, TV 4K trở thành “điểm sáng” của ngành công nghiệp thiết bị truyền hình sau khoảng thời gian không thực sự đột phá với TV thông minh hay TV cong. Độ phân giải Ultra HD, sắc nét gấp bốn lần chuẩn Full HD, mang đến trải nghiệm khác biệt và lợi ích rõ rệt cho người dùng. Dĩ nhiên để được như vậy, TV 4K cần có nguồn phát đạt chuẩn, song sau gần 3 năm thì lượng nội dung này vẫn hạn chế. Lựa chọn dòng 4K ở thời điểm hiện tại được ví như câu chuyện con gà và quả trứng, cái nào có trước? Liệu rằng nguồn phát Ultra HD sẽ đi trước, sau đó người dùng mua TV 4K để thưởng thức; hay TV 4K dần phổ biến và các nhà sản xuất sẽ cung cấp nội dung tương ứng. Đến nay, ngành công nghiệp lựa chọn cách phát triển đồng thời và chuyển giao từ từ. Nếu như người dùng nước ngoài có thể chọn các gói thuê bao với nhiều thước phim 4K từ Netflix, Amazon, UltraFlix… hay miễn phí trên YouTube, thì khách hàng Việt Nam gần như không phù hợp với các dịch vụ trên. Lúc này, TV 4K chủ yếu sẽ để phát các nguồn chưa đạt chuẩn nhưng được xử lý (upscale) cho hợp với độ phân giải siêu cao trên màn hình. Sự khác biệt giữa khi phát các nội dung đúng chuẩn ở khoảng cách ngồi xem hợp lý là rất rõ rệt. Tuy nhiên, khi cùng trình diễn phim 1.080p thì mức chênh lệch về độ sắc nét phụ thuộc nhiều vào bộ xử lý 4K bên trong TV. Thực tế, upscale sẽ thêm vào các điểm ảnh nội suy từ nguồn phát gốc chứ không thể làm tăng độ chi tiết cho nội dung. Điểm này phần nào giống với zoom số trên máy ảnh. Anh Công Tiến, chuyên gia công nghệ về mảng nghe nhìn cho biết, các siêu thị điện máy đều để TV ở chế độ “demo” với các thước phim đẹp, hình ảnh rực rỡ nhằm thu hút người dùng. Tuy nhiên, khi sử dụng thực tế lại khác hoàn toàn, vì vậy quyết định chọn mua sẽ phụ thuộc vào điều kiện sử dụng của mỗi người và cần đến trải nghiệm thực tế. Anh Tiến cho hay, kể cả nhờ công nghệ nâng cấp hình ảnh thì nguồn phát tối thiểu cho TV 4K cũng nên ở chuẩn HD. Những nội dung này phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên truyền hình HD thì mới đạt khoảng 30% số kênh, song hứa hẹn sẽ sớm mở rộng theo đề án số hóa truyền hình. Khi chọn mua TV 4K, ngoài các yếu tố hiển thị, màu sắc, âm thanh thì hiệu quả trong việc nâng cấp nội dung là đặc biệt quan trọng tại thời điểm này. “Không ít người hụt hẫng, thất vọng ngay sau khi 'rước' một chiếc TV 4K từ siêu thị điện máy về nhà, bởi nó đắt mà hiệu quả không hơn các mẫu Full HD là mấy”, anh Tiến chia sẻ. Cùng có độ phân giải 4K nhưng dòng TV cao cấp và các sản phẩm phổ thông có chip xử lý nội dung khác nhau, dẫn đến trải nghiệm giữa chúng chênh lệch đáng kể. Ngoài ra, người dùng cũng phải ngồi xem ở khoảng cách phù hợp để thấy được các chi tiết mà màn 4K trình diễn. TV là thiết bị có vòng đời sử dụng và chu kỳ nâng cấp trên 5 năm. Có thể thấy rõ tiềm năng của những sản phẩm 4K Ultra HD và việc lựa chọn thiết bị này sẽ giúp người dùng yên tâm không phải nâng cấp thời gian tới. Còn với khách hàng đang sở hữu TV Full HD cao cấp thì hiện tại đây vẫn chưa phải là sản phẩm lỗi thời. Đình Nam |
Theo Số Hóa