Ngoại trưởng Anh kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc để Hồng Kông được tự do
Ngoại trưởng Anh nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nên “để yên” cho Hồng Kông được bảo toàn các quyền tự do, theo SCMP.
Trong một bài phát biểu phát sóng trên Sky TV về tình hình của Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh, Ngoại trưởng Jeremy Hunt nói: “Khi tôi nhìn vào những tình cảnh đó, những cảnh tượng khủng khiếp ở Hồng Kông, trái tim tôi hướng về những người phải đấu tranh cho quyền tự do của họ những người lo lắng rằng họ có thể mất đi lối sống rất, rất quý giá của họ”.
Ông Hunt đang được cho là có khả năng trở thành thủ tướng tiếp theo của Anh sau khi bà Theresa May rời nhiệm sở.
Hôm thứ Hai (1/7), những người biểu tình Hồng Kông đã xông vào tòa nhà của cơ quan lập pháp thành phố, hầu hết họ đều là những người trẻ tuổi. Cuộc biểu tình mới trùng với kỷ niệm 22 năm bàn giao Hồng Kông từ Anh về Trung Quốc. Bình luận của ông Hunt đưa ra vài giờ sau đó. Ông Hunt nói ông hiểu được những lo lắng của giới trẻ Hồng Kông về “những thay đổi xảy ra ở Hồng Kông”.
“Tôi thực sự hy vọng rằng không có sự thay đổi ở Hồng Kông làm suy yếu thỏa thuận đó, đó là một thỏa thuận ràng buộc về pháp lý”, ông Hunt nói. “Chúng tôi đứng đằng sau những gì trong thỏa thuận đó. Chúng tôi đứng đằng sau các quyền tự do thiêng liêng. Và chúng tôi đứng đằng sau người dân Hồng Kông”.
Cũng trong thứ Hai, đánh dấu kỷ niệm 22 năm ngày bàn giao Hồng Kông về Trung Quốc, Chính phủ Anh đã đưa ra một thông cáo báo chí, trong đó nói rằng Hiệp ước năm 1984 được phê chuẩn hơn 30 năm trước vẫn còn hiệu lực đến hôm nay.
Đáp lại cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Anh không còn có bất kỳ trách nhiệm gì đối với Hồng Kông và cần phải ngừng việc “khoa tay múa chân” về thuộc địa cũ.
“Gần đây nước Anh đã liên tục “khoa tay múa chân” về Hồng Kông, can thiệp một cách trắng trợn. Chúng tôi vô cùng không hài lòng với điều này và kiên quyết phản đối”, phát ngôn viên bộ ngoại giao Cảnh Sảng nói, “Chúng tôi kêu gọi nước Anh biết vị trí của mình và ngừng can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào trong các vấn đề của Hồng Kông”.
Nhưng Trung Quốc đã tuyên bố 2 năm trước, họ coi Tuyên bố chung là một tài liệu lịch sử không còn thêm bất kỳ ý nghĩa thực tiễn nào.
Theo ĐKN