Nghiên cứu về sự thăng hoa tư tưởng thông qua tu luyện trong các tôn giáo cổ đại
Theo các nghiên cứu, sự thăng hoa tư tưởng con người là 1 quá trình diễn ra vô cùng chậm. Tuy nhiên, trong lịch sử đã từng chứng kiến rất nhiều người đạt được cảnh giới tư tưởng cao siêu bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Xem xét những triết lý trong Đạo giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Phật giáo Tây Tạng, những tôn giáo cổ xưa, ta sẽ thấy được những lời dạy thâm thúy và khả năng thúc đẩy sự thăng hoa nhận thức cho nhân loại. Những triết lý này có một điểm chung đó là đề cao cảnh giới tư tưởng của con người từng chút từng chút một.
Trong tôn giáo, chữ “Phật” (Buddha) tức là người thông qua tu luyện mà nâng cao nhận thức của mình vượt khỏi những lý luận thông thường nơi thế gian. Tên gọi này được giảng lần đâu tiên bởi Phật Thích Ca Mâu Ni, người đã “giác ngộ” và sáng lập Phật giáo.
Trong Đạo giáo, trạng thái siêu việt vượt khỏi người thường này được gọi là “đắc đạo”. Đó là một trạng thái tĩnh lặng, qua đó người tu luyện sẽ trở thành Chân Nhân, hoàn toàn thấu tỏ bản chất sự việc nơi thế gian.
Thiên Chúa giáo buổi ban đầu ở Hy Lạp từng giảng rằng, chúa Jesus không phải là “đứa con duy nhất của Chúa Trời” mà chỉ là “một trong những đứa con của Chúa Trời” bao gồm cả chúng ta. Câu nói đó ngụ ý rằng, khi con người đề cao cảnh giới tư tưởng, khi vượt khỏi những lý niệm thông thường của thế nhân thì sẽ có thể vượt lên và “tiến nhập” vào Thiên Quốc.
Phật giáo Tây Tạng nhìn nhận rằng, trạng thái “Viên mãn” là một trang thái mà ý thức của con người trở nên bình phẳng tựa như mặt gương, qua đó người giác ngộ sẽ nhận thức rõ ràng vạn sự vạn vật, không còn bị mê mờ trong cõi phàm trần như những người thường.
Các tôn giáo cổ đại đều nhìn nhận rằng, Thiên đàng không phải là một nơi mà con người có thể đến được sau khi chết, mà trong quá trình sống họ phải thăng hoa tư tưởng của mình siêu xuất khỏi những gì vốn có trong tư tưởng của con người thì mới có thể lên được Thiên đàng.
Trọng tâm của hình thức thăng hoa này là hướng tới sự đề cao tâm tính của con người. Sự thay đổi cơ bản này, có thể dẫn đến những biến đổi trên thân thể, ở 1 khía cạnh khác thì đó là sự biến đổi của tuyến yên, tuyến tùng dẫn đến sự thay đổi nhận thức của con người đối với môi trường xung quanh.
Khái niệm của Đạo gia về sinh mệnh
Điểm mấu chốt của việc đề cao nhận thức chính là cách nhìn nhận của người ta về sinh mệnh. Đạo giáo thường nhìn nhận rằng sinh mệnh không phải được sinh ra là để sống hạnh phúc ở cõi người thường, mà là để tu luyện. Thông qua tu luyện mà cải biến sinh mệnh, nâng cao nhận thức của bản thân, gọi là “sự giác ngộ”, khi đạt đến cảnh giới nhất định, những tiềm năng của sinh mệnh sẽ xuất hiện và mở ra cuộc sống hoàn toàn mới cho người tu luyện.
Khái niệm này có được dựa trên quá trình theo đuổi sự tĩnh lặng của người tu luyện. Sự tĩnh lặng trong tâm trí sẽ “ước chế những thói hư tật xấu”, cá nhân đó sẽ hiểu rõ mục đích tồn tại thật sự của mình. Đạo gia xem sinh mệnh con người là để chịu khổ, để tu luyện, không phải là “được trao tặng” như cách nghĩ thông thường của người phương Tây.
Khi nhìn vào quan điểm về sự thăng hoa nhận thức trong nhiều tôn giáo cổ đại ta có thể thấy rằng sự thăng hoa đó gắn liền với các tầng thứ. Nó giống như những nấc thang cố định của “thành tựu” cùng trí huệ và sự giác ngộ của cá nhân.
Ngũ nhãn thông của Phật giáo
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng cho đệ tử Ananda của ông rằng, chúng sinh ở các tầng khác nhau sẽ nhìn thấy những hiển tượng khác nhau. Cùng một sự vật nhưng nhận thức của từng người là khác nhau. (Trích Lăng Nghiêm Kinh).
Trong Phật giáo, sự thăng hoa nhận thức của người tu luyện được đo lường bằng khái niệm “Ngũ nhãn thông”.
Trong Phật giáo giảng sự thăng hoa nhận thức gắn liền với những sự việc mà cặp mắt người tu luyện có thể nhìn thấy, đó chính là “Ngũ nhãn thông”. Tầng thấp nhất là “Nhục nhãn thông”. Trên nữa có “Thiên nhãn thông”, “Huệ nhãn thông”, “Pháp nhãn thông” và cuối cùng là “Phật nhãn thông”. Khi đã đạt đến tầng này, cá nhân người tu luyện sẽ nhìn thấu tỏ được mọi thứ không còn bị mê mờ như cặp mắt thịt của người thường nữa.
Năm tầng nguyên anh bất hoại của Đạo nhân
Trong Đạo giáo, quá trình thăng hoa của một cá nhân tu luyện cũng được chia làm 5 tầng thứ của Nguyên anh bất hoại. Ở mỗi tầng thứ đều có yêu cầu 1 tiêu chuẩn tâm tính nhất định. Các tầng thứ Nguyên anh bất hoại được giảng trong Đạo giáo là: Ma, Nhân, Địa, Linh và Thiên Thượng.
Từ hình vẽ Nội Kinh Đồ được trình bày ở trên ta có thể dễ dàng hình dung được “cái thang lên trời” này. Nó được vẽ với hình dáng bề ngoài là 1 cơ thể người nhưng chi tiết lại là 1 ngọn núi. Ngụ ý rằng người tu luyện phải dùng cả đời của mình để “leo trèo” trên ngọn núi đó và cũng là để vượt qua chính mình thì cuối cùng mới có thể giác ngộ, thăng thiên.
Bảy bước thăng hoa của con người
Dựa trên những lời dạy bí truyền của Kitô giáo là “Bảy giai đoạn của con người”. Những giai đoạn này được phổ biến trong các tác phẩm của Gurdjieff và Mouravieff. Bảy bước của con người là một bản đồ của sự phát triển theo sự tiến hóa của một cá nhân.
Ba giai đoạn đầu tiên minh họa các nét chung của một con người “bình thường”. Người từ bước 4 tới bước 7 là những giai đoạn mô tả các đặc tính của một cá nhân đã phát triển sự nhận thức nhất quán về bản thân.
Sự thăng hoa trong Phật giáo Tây Tạng
Sự thăng hoa trong Phật giáo Tây Tạng lại được phân thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu được gọi là “Cắt ngang vọng tưởng” (Trekcho) loại bỏ lập tức những dục vọng của con người để chú tâm cho sự tu luyện Viên Mãn (Dzogchen). Giai đoạn tiếp theo của tu luyện là “Chuyển đổi” (Togal), tức là biến đổi cơ thể từ những tế bào nhục thể bình thường thành “Phật thể cầu vồng”.
Người Tây Tạng chủ yếu theo dòng truyền thừa Đại Viên Mãn, luôn nhận thức rằng những biến đổi trên nhục thể chỉ xảy ra khi họ chết đi. Tuy nhiên sự thay đổi này chỉ xảy ra với những người tu luyện đã vượt qua giai đoạn “Cắt ngang vọng tưởng” và tiến nhập vào quá trình “Chuyển đổi”.
Một trong những biến đổi được nhiều người biết đến nhất của các nhà tu hành Tây Tạng là hiện tượng “thu nhỏ thân thể”, đó là khi qua đời thân thể của người tu luyện bị thu lại chỉ còn bằng kích thước của 1 đứa trẻ.
Có thể nói, Thiên đường là mục đích thực sự cho sự tồn tại của con người mà nhiều tôn giáo cổ xưa nhìn nhận. Những triết lý của họ tập trung vào việc hướng con người đến “trí huệ thực sự” để đạt đến nhiều cảnh giới cao thâm. Sự giác ngộ trong tu luyện là điều không chỉ đơn giản có được thông qua học tập mà phải trải qua 1 quá trình liên tục để cao tư tưởng.
Hoàng An biên dịch